Trong năm 2022, nhờ lợi nhuận sau thuế đạt mức cao kỷ lục, Vietcombank trả thù lao trên 2 tỷ đồng cho 12 lãnh đạo cấp cao.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với nhiều dữ liệu lạc quan. Trong đó, đáng chú ý nhất là giữa bối cảnh Covid-19, Vietcombank thêm một lần nữa lập kỷ lục.
Chưa dừng lại ở đó, thù lao cho lãnh đạo và người lao động Vietcombank được cải thiện rõ nét. Có tới 12 lãnh đạo ngân hàng nhận lương trên 2 tỷ đồng mỗi người trong năm 2022.
12 sếp nhận lương trên 2 tỷ đồng
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Vietcombank, ngân hàng có rất nhiều lãnh đạo được trả tiền tỷ. Và có tới 12 người, thu nhập trên 2 tỷ đồng (tương đương 167 triệu đồng/người/tháng).
Các thành viên HĐQT nhận thù lao hơn 2 tỷ đồng bao gồm: ông Nguyễn Mạnh Hùng (2,386 tỷ đồng, tăng so với 2,069 tỷ đồng năm 2021), Nguyễn Mỹ Hào (2,144 tỷ đồng, tăng so với 1,850 tỷ đồng năm 2021), Shorijo Mizoguchi (2,136 tỷ đồng, tăng so với 1,239 tỷ đồng năm 2021), Phạm Anh Tuấn (2,035 tỷ đồng, tăng so với 1,860 tỷ đồng), Hồng Quang (2,144 tỷ đồng, tăng so với 1,850 tỷ đồng).
Các thành viên Ban điều hành được trả trên 2 tỷ đồng bao gồm: ông Phạm Mạnh Thắng (2,205 tỷ đồng, tăng so với 2,054 tỷ đồng năm 2021), Lê Quang Vinh (2,084 tỷ đồng, tăng so với 1,905 tỷ đồng năm 2021), Nguyễn Thị Kim Oanh (2,118 tỷ đồng, tăng so với 2,012 tỷ đồng), Đinh Thị Thái (2,280 tỷ đồng, tăng so với 2,065 tỷ đồng), Đặng Hoài Đức (2,092 tỷ đồng, tăng so với 1,827 tỷ đồng), Phùng Nguyễn Hải Yến (2,062 tỷ đồng, tăng so với 1,869 tỷ đồng).
Quyền Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng được trả 2,091 tỷ đồng trong năm 2022, tăng so với 1,897 tỷ đồng của năm 2021. Ông Tùng mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 30/1/2023.
Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng “chỉ” được trả 1,671 tỷ đồng trong năm 2022. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa lương của ông Dũng thấp hơn các lãnh đạo cấp cao mà ngược lại, tính theo tháng, ông Dũng có chế độ cao hơn vì phải tới đầu tháng 7, ông Dũng mới “ngồi ghế nóng” thay ông Nghiêm Xuân Thành. Vì vậy, trung bình, mỗi tháng ông Dũng được trả 279 triệu đồng/tháng (tương đương 3,34 tỷ đồng nếu tính theo năm).
Ngoài ra, Kế toán trưởng Lê Hoàng Tùng suýt đạt mốc 2 tỷ đồng khi ông được trả 1,960 tỷ đồng trong năm 2022, tăng so với 1,775 tỷ đồng của năm 2021.
Lương nhân viên cũng tăng
Không chỉ dàn lãnh đạo được trả lương cao ngất ngưởng, người lao động Vietcombank cũng trở thành “niềm mơ ước” của thị trường lao động khi nhận thù lao trên 35 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2022, ngân hàng Vietcombanl mạnh tay tuyển dụng. Tại ngày 31/12/2022, tổng số nhân sự tại ngân hàng mẹ lên đến 21.884 người, tăng 932 người so với cuối năm 2021. Trung bình, mỗi người được trả 428 triệu đồng/người/năm, tương đương 35,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 3 triệu đồng/người/tháng so với năm 2021.
Thù lao tại công ty con cũng cải thiện đáng kể. Tại ngày 31/12/2022, cả hệ thống Vietcombank có 22.619 người, tăng 949 người, tương đương 4,4% so với cuối năm 2021.
Cùng với việc tăng tuyển dụng, cả hệ thống Vietcombank mạnh tay cho quỹ lương. Trong năm 2022, Vietcombank dành 9.564 tỷ đồng cho Lương và phụ cấp. Như vậy, trung bình mỗi người lao động Vietcombank được trả 423 triệu đồng/người/năm (tương đương 35,2 triệu đồng/người/tháng). Những con số này trong năm 2021 là 392 triệu đồng/người/năm (tương đương 32,7 triệu đồng/người/tháng).
Mặc dù thu nhập của người lao động Vietcombank rất cao nhưng lại chỉ bằng 0,2 dàn lãnh đạo cấp cao.
Lợi nhuận cao kỷ lục
Để có thể đạt được thành tích này, Vietcombank đã có một năm Covid-19 nhưng thành công rực rỡ. Liên tiếp các kỷ lục về lợi nhuận được lập.
Năm 2022, Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Vietcombank lên tới 9.928 tỷ đồng, tăng 3.388 tỷ đồng, tương đương 51,8% so với quý 4/2021; lũy kế cả năm 2022 đạt 29.912 tỷ đồng (khoảng 1,27 tỷ USD), tăng 7.895 tỷ đồng, tương đương 35,9% so với năm 2021. Như vậy, lãi ròng của Vietcombank đã vượt mốc tỷ đô la.
Suốt đại dịch Covid-19, Vietcombank liên tục bứt phá và lập các kỷ lục mới. Trước đó, trong năm 2020 – năm đầu tiên Covid-19 xuất hiện, lợi nhuận tại Vietcombank đi lùi một chút, từ 18.511 tỷ đồng (năm 2019) xuống 18.451 tỷ đồng.
Có thể thấy, đây là nỗ lực tuyệt vời của Vietcombank trong bối cảnh Covid-19 “tàn phá” nền kinh tế toàn cầu.
Sau 2 năm “ngấm đòn” vì Covid-19, số lượng doanh nghiệp phải “dừng cuộc chơi” rất lớn. Theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố, trong năm 2022, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2022 là 143.200 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với năm 2021.
Trong đó, đáng chú ý là số liệu do Bộ Xây dựng công bố. Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong năm 2022 tăng khoảng 38,7%.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2022 vẫn là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức, có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Bị cưỡng chế thuế 787 tỷ đồng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn chỉ còn 70 tỷ đồng tiền mặt và gửi ngân hàng
Để người mặc áo có túi vào kho tiền, ngân hàng bị thanh tra nhắc nhở