Từ Nhật Bản cho tới châu Âu và Mỹ, chứng khoán thế giới đang “đua nhau” lập kỷ lục mới.
Từ New York tới London và Tokyo, nếu có một điểm tương đồng giữa các thị trường chứng khoán thế giới, thì đó là đều đang ở mức cao kỷ lục mới. Cụ thể, trong 20 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, 14 thị trường đã lập kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Chỉ số MSCI ACWI – theo dõi các thị trường phát triển và mới nổi – vừa có chuỗi phá kỷ lục ấn tượng và lập kỷ lục mới trong ngày 17/5.
Ở Mỹ, S&500 và Nasdaq 100 chạm kỷ lục mới, trong khi Dow Jones vượt mốc 40.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Trong khi đó, các thị trường lớn ở châu Âu, Canada, Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia cũng lập kỷ lục hoặc đang gần phá đỉnh.
Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra, nền kinh tế mạnh mẽ cũng như lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp đã thúc đẩy tâm lý lạc quan này. Hơn thế nữa, có rất nhiều động lực thúc đẩy đà tăng, như 6.000 nghìn tỷ USD nằm trong các quỹ thị trường tiền tệ và chưa xuất hiện rủi ro mới nào.
Salman Ahmed, Trưởng bộ phận vĩ mô và phân bổ tài sản chiến lược toàn cầu tại Fidelity International nhận định: “Từ góc nhìn vĩ mô, hiện chưa có tín hiệu đỏ nào cả. Bức tranh chung vẫn mạnh mẽ và đà tăng đang dần mở rộng”.
Trước đó, sự sụt giảm trong tháng 4 của chứng khoán toàn cầu không kéo dài lâu, khi nhà đầu tư liên tục bắt đáy. Điều này giúp giải thích tại sao S&P 500 vẫn chưa có phiên giảm 2% nào trong 311 ngày qua - chuỗi dài nhất kể từ năm 2017-2018. Thậm chí thị trường cổ phiếu Trung Quốc cũng đang dần trở lại.
Vốn hóa chứng khoán Mỹ tăng 12.000 tỷ USD
S&P 500 đã 24 lần lập kỷ lục mới trong năm 2024, sau 2 năm không một lần phá đỉnh. Vốn hóa của chứng khoán Mỹ đã tăng 12.000 tỷ USD kể từ cuối tháng 10/2023. Một phần lý do cho đà tăng này là hy vọng rằng nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm. Việc giá cả hạ nhiệt cũng góp phần củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong năm nay.
S&P 500 đã 24 lần lập kỷ lục mới trong năm 2024, sau 2 năm không một lần phá đỉnh |
Một nguyên nhân khác là sự nhiệt tình đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Bản thân gã khổng lồ chip AI Nvidia đã đóng góp 1/4 mức tăng của S&P 500. Và cùng với các cổ phiếu Microsoft Corp., Amazon.com Inc., Meta Platforms Inc. và Alphabet Inc., khoảng 53% đà tăng của S&P 500 chỉ đến từ 5 cổ phiếu.
Vì vậy, có lẽ cột mốc mới của Dow Jones trong tuần trước là một bước tiến đáng chú ý, vì đây là chỉ số có tỷ trọng cổ phiếu công nghệ thấp hơn, theo Dave Mazza, Giám đốc điều hành tại Roundhill Investments.
Ông cho biết thêm: “Mặc dù đà tăng vọt của lĩnh vực công nghệ đã giúp thị trường đạt được mức cao này đến mức cao khác nhưng đây cũng không phải lĩnh vực duy nhất tăng giá. Một số người có thể cho rằng thị trường đã quá tập trung vào một vài cố phiếu trong năm ngoái nhưng chưa chắc điều tương tự sẽ xảy ra vào năm 2024”.
Bất ngờ từ châu Âu
Chứng khoán châu Âu cũng đang trong chuỗi phá kỷ lục khi dữ liệu cho thấy kinh tế có dấu hiệu tạo đáy và có nhiều tín hiệu tích cực bất ngờ trong năm nay. Điều này thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp và kỳ vọng của giới đầu tư.
Georges Debbas, Chiến lược gia tại BNP Paribas chia sẻ: “Mùa báo cáo lợi nhuận tưởng chừng là ảm đạm nhưng hóa ra lại tốt hơn dự báo”. Vị chuyên gia này cho biết 3/4 doanh nghiệp châu Âu đạt hoặc vượt kỳ vọng lợi nhuận, với biên lợi nhuận cải thiện. Điều này khiến các chuyên viên phân tích nâng dự báo lợi nhuận tương lai, từ đó đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn.
Chỉ số Stoxx 600 đã tăng 5 trong 6 tháng vừa qua, với sự khác biệt trong lập trường chính sách giữa Mỹ và châu Âu có thể là yếu tố tích cực với thị trường khu vực này. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đưa ra giọng điệu ôn hòa hơn Fed trong vài tháng qua và thị trường đang kỳ vọng NHTW sẽ giảm lãi suất trước Mỹ.
Và mặc dù đà tăng vẫn tập trung chủ yếu ở một số ít cổ phiếu, nhưng đang lan rộng ra từ tháng 2/2024, với 16 cổ phiếu đóng góp 50% mức tăng của Stoxx 600 từ đầu năm. Novo Nordisk là cổ phiếu tác động tích cực nhất, đóng góp 10% mức tăng của chỉ số, trong khi ASML Holding NV và SAP SE đóng góp tương ứng 7,7% và 4,3%.
Novo Nordisk là cổ phiếu tác động tích cực nhất, đóng góp 10% mức tăng của Stoxx 600 |
Hưởng lợi từ cổ phiếu hàng hoá
Xét về mức tăng của vốn hóa, chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh đã đánh bại chỉ số Stoxx 50 châu Âu trong ba tháng qua. Giá hàng hóa tăng vọt là động lực chính của chứng khoán Anh, giúp một trong những thị trường chứng khoán phát triển rẻ nhất thế giới dần bắt kịp với các đối thủ khác.
Các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với giá hàng hóa cũng giúp đưa chỉ số S&P/TSX Composite của Canada lên mức cao nhất mọi thời đại. Giá vàng và đồng liên tiếp lập kỷ lục trong năm nay, giúp thúc đẩy ngành khai thác khoáng sản. Trong khi đó, các cổ phiếu trong lĩnh vực này chiếm đến 12% tỷ trọng của S&P/TSX Composite.
Chứng khoán Nhật Bản trở lại đỉnh cao
Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 16% trong năm nay sau khi bật tăng 28% vào năm ngoái. Nhật Bản đang thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ giá cổ phiếu bằng chiến dịch cải thiện lợi nhuận cho cổ đông, hồi kết của kỷ nguyên lãi suất âm và đồng yên yếu.
Các chiến lược gia của BlackRock cho rằng đồng yên mất giá có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng. Nhưng họ cũng đánh giá tích cực về triển vọng dài hạn của thị trường Nhật Bản, nhờ vào công cuộc cải cách doanh nghiệp, đầu tư trong nước và sự tăng trưởng của tiền lương.
Mặt khác, chứng khoán Ấn Độ cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ số S&P BSE Sensex của Ấn Độ đã xác lập kỷ lục mới trong năm 2024 và có tỷ suất sinh lời vượt trội so với chứng khoán Trung Quốc, nhờ các chương trình đầu tư của chính phủ và tốc độ tăng trưởng tốt của nền kinh tế.
Tuy nhiên, giới đầu tư đã trở nên cẩn trọng trong những tuần gần đây do cuộc bầu cử thủ tướng và định giá cao của cổ phiếu.
Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đã đạt mức cao nhất vào ngày 28/3 sau khi dữ liệu lạm phát củng cố rằng lãi suất đã đạt đỉnh. Kể từ đó, nhiều suy đoán rằng việc cắt giảm có thể chỉ diễn ra vào cuối năm 2025.
>> Dow Jones chốt phiên trên mốc 40.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử