16 năm sau ngày VN-Index vượt 1.000 điểm, FPT không còn giá 645.000 đồng, ITA đã thành "hàng chợ"

11-10-2022 16:52|Ba Lỗ

16 năm trước, cổ phiếu FPT giá 645.000 đồng; CII, ITA, PVD, REE, SAM thậm chí còn là cổ phiếu trụ. 16 năm sau, nhà đầu tư lại bắt đầu khởi nghiệp với VN-Index - mốc 1.000 điểm và những khoản lỗ hàng chục %.

Kể từ phiên đầu tiên trong lịch sử giao dịch VN-Index vượt mốc 1.000 điểm ngày 19/1/2007, sau gần 16 năm, chỉ số lại một lần nữa vượt lên "cao điểm" này.

Kết phiên ngày 11/10/2022, VN-Index giảm 36,28 điểm (3,48%) về 1.006,2 điểm. Đáng chú ý trong phiên, ngay sau 14h, chỉ số có thời điểm giảm về mức 998,64 điểm trước khi được lực cầu kéo trở lại mốc 1.000 điểm cuối phiên. 

Như vậy, nói vui là VN-Index một lần nữa vượt trở lại cao điểm 1.000 song thực chất đây là bước lùi của chỉ số. Tính từ đỉnh lịch sử 1.524 điểm hồi đầu tháng 4, tính đến hết phiên hôm nay, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Việt đã giảm tới 34% chỉ sau 6 tháng - tương ứng "đánh rơi" 518 điểm... Và sau 15 năm 9 tháng, VN-Index vẫn đang "giậm chân tại chỗ".

16 năm trước...

Lật lại quá khứ, sau kỳ tích vượt mốc 1.000 điểm hồi giữa tháng 1/2007 và duy trì được 4 phiên, VN-Index tiếp tục tăng trở lại mức này trong phiên 30/1/2022 sau 3 phiên giảm trước đó.

- Kết phiên giao dịch ngày 30/1, chỉ số VN-Index tăng 26,85 điểm lên 1.022,4 điểm; tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trên toàn thị trường đạt 7,2 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị đạt gần 895 tỷ đồng.

- Phiên này, đa số các cổ phiếu lớn nhất thị trường đều tăng mạnh trong đó CII, GMD, ITA, KDC, PVD, REE, SAM, VNM và VSH (trụ) đều tăng kịch trần.

Ngoài các cổ phiếu tên tuổi trên, danh sách các cổ phiếu tăng kịch trần còn kéo dài thêm với các cổ phiếu khác như AGF, BBC, BBT, BMC, BMP, DHA, DNP, DRC, FPC, HAP, HBC, HRC, HTV, IMP, MHC, NKD, PAC, PGC, PJT, RHC, SAF, SAV, SCD, SDN, SFC, SFI, SGC, SGH, SHC, SJD, SJS, SMC, TCR, TDH, TMS, TNA, TRI, TS4, TYA, VFC, VGP, VID, VIP, VIS (***).

- Trong khi đó, cổ phiếu lớn nhất thị trường PPC của Nhiệt điện Phả Lại (sàn HOSE) giảm mạnh còn mức 95.000 đồng.

Cổ phiếu lớn thứ 2 thị trường là STB (Sacombank) tăng nhẹ lên mức 100.000 đồng. Tương tự, mã có vốn hoá lớn nhất là FPT thậm chí tăng thêm 25.000 đồng lên mức 630.000 đồng/cổ phiếu (mức đỉnh 645.000 đồng phiên 2/3/2007).

Phiên đó, STB tiếp tục dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch với hơn 970.000 cổ phiếu khớp lệnh, VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) xếp ngay sau với gần 630.000 cổ phiếu và ITA đứng thứ 3 với gần 510.000 cổ phiếu.

...16 năm sau

- Sau gần 16 năm, quy mô thị trường chứng khoán đã lớn hơn rất nhiều trong đó chỉ tính riêng phiên 11/10/2022 với mức thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 784 triệu cổ phiếu - đã gấp gần 109 lần khối lượng giao dịch và gấp 15,2 lần giá trị giao dịch so với phiên 30/1/2007 (phiên hôm nay đạt hơn 13.600 tỷ đồng). Đáng nói, đây chỉ là thống kê ở giai đoạn thấp điểm trong bối cảnh thị trường lao dốc.

- Phiên 11/10, các cổ phiếu trụ năm xưa là CII, GMD, ITA, KDC, PVD, REE, SAM, VNM và VSH đã không còn tăng trần nữa. Thay vào đó là sắc xanh sàn và sắc đỏ trong đó ITA, CII và PVD - các mã có thanh khoản vượt trội đều đồng loạt giảm hết biên độ.

2 lão tướng SAM và REE - 2 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán cũng giảm giá dù biên độ giảm chỉ hơn 1%. 

Đáng nói sau gần 16 năm, ngoại trừ cổ phiếu VNM của Vinamilk (sàn HOSE) vẫn giữ vai trò lại một cổ phiếu trụ, các mã còn lại hầu hết đã mất đi sức chi phối trên thị trường; nhiều mã như ITA, CII còn chuyển sang nhóm cổ phiếu penny - nơi nhiều nhà đầu cơ tập trung lướt sóng.

Cổ phiếu ITA lên sàn năm 2006 với 54.000 đồng, đến thời điểm này sắp rơi về ngưỡng "cổ phiếu trà đá" - thị giá 3.910 đồng trong khi mức giá đỉnh là 169.000 đồng hồi cuối tháng 2/2007.

Trong khi đó, các cổ phiếu mục (***) vì các lý do nào đó hoặc đã tắt thanh khoản hoặc đã hủy niêm yết,... và không còn hiện hữu hoặc mất đi dấu ấn trên các sàn chứng khoán.

- Cổ phiếu PPC - mã lớn nhất thị trường chứng khoán thời điểm đó (niêm yết ngày 26/1/2007, số lượng 310,7 triệu cổ phiếu, giá đóng cửa phiên đầu là 105.000 đồng/cổ phiếu) đến nay khối lượng cổ phiếu lưu hành cũng chỉ tăng thêm 10 triệu đơn vị trong khi thị giá đã điều chỉnh về mức 15.250 đồng - giảm 84% sau gần 16 năm.

Cổ phiếu STB của Sacombank từ mức 100.000 đồng thị giá hiện cũng chỉ còn 15.850 đồng - giảm 84%. Bù lại, mã vẫn đang giữ vai trò là trụ cột trong rổ VN30.

Đồng pha, cổ phiếu FPT sau những lần pha loãng hay biến động thị trường chứng khoán) cũng giảm tới 89% thị giá về còn 71.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ mức 87.900 đồng hồi giữa tháng 8/2022 đến nay, cổ phiếu này đã mất gần 20% thị giá.

Thị trường chứng khoán đã "lớn nhanh" trong gần 16 năm qua - đặc biệt là 2 năm đầu COVID-19 (2020 - 2021). Tuy vậy đến thời điểm hiện tại, 6 tháng gần nhất với hàng triệu nhà đầu tư chứng khoán lúc này có lẽ chỉ là niềm đau và nước mắt khi thị trường liên tục lùi sâu, cổ phiếu không phân biệt tốt - xấu, trụ hay penny,... đều bốc hơi rất mạnh.

... Và sau gần 16 năm, một hành trình tăng giá mới lại bắt đầu với xuất phát điểm là những khoản lỗ hàng chục %.

Review thị trường chứng khoán phiên 11/10

Đón loạt tin vui, cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng mạnh, thành công giữ sắc xanh cho thị trường

Dòng tiền 'mất hút' trong ngày các ông lớn VIC, NVL, VNM, MSN, SHB, SSI, HBC, DGW họp ĐHCĐ

[LIVE] Thị trường ngày 25/4: Thiếu lực mua đủ mạnh, VN-Index kết thúc đà phục hồi chóng vánh?

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/16-nam-sau-ngay-vn-index-vuot-1000-diem-fpt-khong-con-gia-645000-dong-ita-da-thanh-hang-cho-d100600.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
16 năm sau ngày VN-Index vượt 1.000 điểm, FPT không còn giá 645.000 đồng, ITA đã thành "hàng chợ"
POWERED BY ONECMS & INTECH