2 đô thị đặc biệt nhất Việt Nam đều lọt TOP tắc đường nhất thế giới
Hai đô thị đặc biệt của Việt Nam là Hà Nội và TP. HCM nằm trong TOP tắc đường nhất thế giới.
Theo như thông tin mà tờ Free Malaysia Today (Malaysia) đăng tải, chỉ số giao thông trong năm 2024 do TomTom - một trong những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ định vị và dẫn đường đã công bố TOP kẹt xe nhất thế giới.
Theo đó, chỉ số này gồm 500 thành phố ở 62 quốc gia/vùng lãnh thổ, sẽ tiết lộ những địa điểm có giao thông chậm nhất, sử dụng dữ liệu từ hơn 600 triệu thiết bị được kết nối như hệ thống dẫn đường trên ô tô.
Theo danh sách này, TOP 10 thành phố kẹt xe nhất thế giới tập trung chủ yếu ở châu Á.
>> Bộ Tài chính nói gì về đánh thuế bất động sản thứ 2?
Đứng trong TOP đầu là TP. Barranquilla của Colombia, nơi có thời gian di chuyển trung bình cao nhất là 36 phút để đi hết 10km.
Đứng sau đó là 3 TP của Ấn Độ - Kolkata, Bangalore và Pune, mất hơn 33 phút để đi hết cùng quãng đường.
Trong danh sách đó, đáng chú ý là TP. Hà Nội đứng thứ 29 toàn cầu về mức độ kẹt xe khi mất trung bình 20 phút 28 giây để di chuyển hết 10km, so với năm ngoái đã tăng thêm 30 giây.
Cùng với Hà Nội, TP. HCM đứng thứ 32 toàn cầu về tình trạng kẹt xe khi mất trung bình 30 phút 14 giây cho quãng đường 10km, tăng đến 40 giây so năm ngoái.
Trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 12/7/2022, Sở GTVT TP. HCM cho biết qua nghiên cứu của đơn vị và Viện Nghiên cứu phát triển TP, mỗi năm TP. HCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD vì tình trạng ùn tắc giao thông.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - ông Nguyễn Phi Thường, một số nghiên cứu đã chỉ ra thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.
Thậm chí chưa kể đến tình trạng ùn tắc giao thông còn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.
Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.