Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, việc tập trung triển khai tốt những giải pháp trọng tâm đã đề ra cùng với tác động của gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội có thể giúp tăng trưởng GDP quý III và IV/2022 đạt mức cao. Thậm chí Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra kịch bản với mức GDP quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9%.
Nhìn lại kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 với mức tăng 6,42% - cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, đặc biệt, nền kinh tế quý II/2022 đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây (7,72%) có thể khẳng định đây chính là sự cố gắng đáng khích lệ.
Trong tổng số 7,72% GDP quý II, đóng góp của khu vực dịch vụ khá cao với tốc độ tăng trưởng 8,56%; đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 trở lại đây, cao hơn quý II/2016 (là quý có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2) gần 1 điểm phần trăm và đóng góp 3,89 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Lý do khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao như vậy là do các ngành dịch vụ (chủ yếu là dịch vụ thị trường) hồi phục mạnh mẽ khi dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt, mọi hoạt động trong đời sống xã hội diễn ra bình thường như trước đại dịch, du lịch trong nước và quốc tế khởi sắc.
Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao 2 con số trong quý II/2022 như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,92%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,7%; nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 14%; hoạt động dịch vụ khác tăng 16,6%. Các ngành này có mức tăng trưởng ngoạn mục. Tuy nhiên, khi so sánh với quý II/2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch thì vẫn có mức tăng trưởng thấp; nghĩa là quy mô các ngành này (theo giá so sánh) chưa trở về hoặc xấp xỉ mức cách đây 3 năm.
Mũi nhọn nào cho tăng trưởng GDP quý III và IV?
Trong kịch bản kinh tế năm 2022, nêu rõ mục tiêu GDP quý III và quý IV lần lượt là 7,5 - 8% và 6,2 - 6,7%. Với kịch bản này, Chính phủ xác định các lĩnh vực gồm: Công nghiệp chế biến – chế tạo, sản xuất – phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà không khí thuộc khu vực công nghiệp; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải – kho bãi, bán buôn – bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy, xe có động cơ khác thuộc khu vực dịch vụ sẽ là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo và sản xuất – phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí được kỳ vọng tăng trưởng trong khoảng 10,8 - 11,8% và 9,2 - 9,8% qua đó giúp khu vực công nghiệp tăng trưởng khoảng 9,2 - 10,1% vào quý III trong bối cảnh lĩnh vực khai khoáng dự kiến tăng trưởng âm trong cả năm.
Các lĩnh vực gồm: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; vận tải – kho bãi; bán buôn – bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy, xe có động cơ khác được kỳ vọng tăng trưởng lần lượt trong khoảng 8,4 - 8,9%, 8,1 - 9,1%, 11,5 - 12,1% qua đó giúp khu vực dịch vụ tăng trưởng khoảng 8 - 8,3% vào quý III.
Lĩnh vực dịch vụ và ăn uống thuộc khu vực dịch vụ cũng dự kiến phục hồi chậm trong quý I và II, rồi tăng trưởng nhanh trong quý III và 4 với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,9 - 7,1% và 7 - 7,2%.
Với lĩnh vực nông nghiệp, đây vẫn được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế với mức tăng trưởng được duy trì ổn định qua các quý.
Cụ thể, quý I đạt khoảng 2,8 - 3,1%, quý II khoảng 2,6 - 2,9%, quý III trong khoảng 2,5 - 2,8% và quý IV trong khoảng 2,3 - 2,6%.
Ngoài ra, lĩnh vực du lịch cũng có những dấu hiệu tích cực trong quý 2 vừa qua, đây một phần nhờ vào khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 của nước ta và một phần nhờ vào sự kiện SEAGAME 31 do nước ta đăng cai vừa qua.
Từ 2 thế mạnh này, chúng ta đã kích cầu du lịch có hiệu quả trong quý II vừa qua. Trên đà có hiệu quả trong quý này, Việt Nam hoàn toàn có niềm tin vào sự phát triển mạnh của ngành du lịch và các dịch vụ du lịch trong quý tới.
Bên cạnh đó, điểm sáng của bức tranh kinh tế 6 tháng là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, tạo đà cho phát triển trong các quý tiếp theo.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới - tăng 13,6%. Nếu tính cả doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường đạt 116.900 doanh nghiệp - tăng 25,4%. Đây có thể xem là một trong những động lực “tiềm năng” có thể đóng góp lớn cho phát triển kinh tế trong quý tới.
Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Điều này sẽ mang đến lực thúc đẩy cho thị trường hiện nay, cung cầu thị trường có thể sẽ biến động. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên có thể dẫn đến giá một số mặt hàng tăng cao.
2 kịch bản, "n" thách thức cho các mục tiêu tăng trưởng
Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản cho mục tiêu tăng trưởng GDP các quý tới trong đó:
Kịch bản 1: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% và quý IV tăng 5,5%.
Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,0%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% và quý IV tăng 6,3%.
Nhìn vào 2 kịch bản trên, có thể thấy rõ sự quyết tâm tăng trưởng kinh tế cùng sự lạc quan về kinh tế trong 2 quý tới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhìn lại thời điểm quý III và IV/2021, tăng trưởng kinh tế lần lượt là quý III 6,02%; quý IV 5,22%. Do đó có thể khẳng định rằng mong muốn quý III với tăng trưởng GDP đạt mức 9% hay 7,9% là một thách thức không nhỏ. Dù vậy, trong đà hồi phục kinh tế hiện nay mức tăng trưởng trong 2 kịch bản là có cơ sở nhưng cần phải có trọng tâm phát triển và đủ động lực để thúc đẩy phát triển.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực của đà phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với không ít khó khăn như: Thách thức về lạm phát, nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, mặt bằng lãi suất, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thiếu hụt lao động cục bộ, dịch bệnh,… tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Một vấn đề khác cũng được quan tâm đó là giải ngân vốn vay nước còn “ì ạch”, còn chậm tiến độ khiến cho tăng trưởng kinh tế bị kéo chậm đi.
Ngoài ra, chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực.