2 ngày ‘sinh tử’ với Mark Zuckerberg: Đế chế 1.350 tỷ USD đối mặt nguy cơ tan rã, có thể phải bán Instagram và WhatsApp
Dù Zuckerberg không lạ gì với việc bảo vệ Meta trước công chúng và giới chức trách, nhưng lần này có thể là vụ kiện có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay.
Ngày 14/4, CEO Meta Mark Zuckerberg đã ra làm chứng trước tòa để bảo vệ tập đoàn của mình trước cáo buộc của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), cho rằng Meta đã mua lại các công ty mạng xã hội cạnh tranh nhằm thâu tóm thị trường và tạo thế độc quyền.

Đây là phiên điều trần đầu tiên trong 2 ngày dự kiến mà Zuckerberg sẽ phải đối mặt, với trọng tâm là hai thương vụ mua lại quan trọng nhất trong lịch sử công ty: Instagram và WhatsApp.
Nếu FTC giành phần thắng, Meta có thể buộc phải chia tách, tách biệt WhatsApp và Instagram. Điều này không chỉ làm đảo lộn mô hình quảng cáo số cốt lõi của công ty, mà còn có thể làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái mạng xã hội.
Meta hiện dựa vào 3,3 tỷ người dùng hàng ngày trên các nền tảng của mình như một lợi thế lớn trong hoạt động quảng cáo, lĩnh vực đã mang lại hơn 160 tỷ USD doanh thu chỉ trong năm ngoái.
Tuy nhiên, trong phần phát biểu mở đầu, phía chính phủ cho rằng quy mô người dùng lớn của Meta không phản ánh sự thành công đơn thuần, mà là hệ quả của việc thiếu lựa chọn cho người tiêu dùng. “Người dùng hiện không có những lựa chọn thay thế hợp lý cho các nền tảng của Meta", đại diện FTC nhấn mạnh.
Trong khi đó, các luật sư của Meta phản bác rằng thị trường mạng xã hội hiện có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, và các thương vụ mua lại đều đã được cơ quan quản lý phê duyệt từ nhiều năm trước.

FTC lập luận rằng các thương vụ này là chiến lược để loại bỏ đối thủ tiềm năng trước khi chúng kịp lớn mạnh. Một email từ năm 2011 của Zuckerberg gửi cho ban lãnh đạo Facebook khi đó đã nêu rõ lý do công ty mua lại Instagram, liên quan đến việc ứng dụng “Facebook Camera” do họ phát triển đang gặp khó khăn.
“Trong thời gian chúng ta loay hoay với ứng dụng của mình, Instagram đã trở thành một đối thủ lớn và tiềm năng trong lĩnh vực ảnh di động”, Zuckerberg viết. Sau đó, Facebook đã mua lại Instagram vào tháng 4/2012.
FTC cũng đặt câu hỏi với Zuckerberg về sự chuyển mình của Facebook, từ một nền tảng kết nối bạn bè và gia đình, thành nơi hiển thị các nội dung bên thứ ba hấp dẫn hơn, với sự ra đời của các tính năng như News Feed và Nhóm (Groups).
“Đúng là theo thời gian, phần ‘nội dung quan tâm’ đã phát triển mạnh hơn phần ‘bạn bè’”, Zuckerberg thừa nhận. “Người dùng hiện kết nối với nhiều nhóm và cộng đồng hơn. Dù phần bạn bè đã giảm đáng kể, nhưng chúng tôi vẫn coi đó là một giá trị cốt lõi”.
Phần lớn phiên điều trần cũng xoay quanh tính năng nhắn tin – vốn là yếu tố chính để FTC xác định liệu Meta có đang thống trị một "thị trường" cụ thể nào đó hay không. Zuckerberg cho biết nhắn tin là một phần “cộng sinh” với các dịch vụ khác của Meta, giúp người dùng dễ dàng chia sẻ nội dung với bạn bè. Điều này được nêu ra sau khi luật sư FTC hỏi liệu nhắn tin có phải là một “phần bổ trợ” cho dịch vụ cốt lõi của Meta hay không.
Ngoài ra, Zuckerberg cũng thừa nhận rằng trong một chuỗi email năm 2022 với Giám đốc Sản phẩm Chris Cox và Chủ tịch Facebook Tom Alison, ông đã bàn về chiến lược đảm bảo Facebook vẫn giữ được “tính văn hóa” giữa bối cảnh nền tảng đang dần mất sức hút so với Instagram và các đối thủ như TikTok.
“Nhìn chung, đó là một tóm tắt khá chính xác”, Zuckerberg nói.
Theo CNN
>> CEO Nvidia Jensen Huang gấp rút hành động: Chi 500 tỷ USD cho AI, xây 2 siêu nhà máy ngay tại Mỹ
CEO Meta Mark Zuckerberg thừa nhận về cú sốc lớn nhất sự nghiệp
Mark Zuckerberg tuyên bố Meta sẽ tiếp tục rót hàng tỷ USD vào AI bất chấp cơn sốt DeepSeek