2 nhà băng nào có thể nhận chuyển giao 2 ngân hàng yếu kém?
Sau khi chuyển giao bắt buộc đối với MBV và CB, hai ngân hàng còn lại là GPBank và Dong A Bank chuẩn bị được Ngân hàng Nhà nước công bố chuyển giao.
Hai ngân hàng OceanBank (tên mới là MBV) và Xây Dựng Việt Nam (CB) chính thức được chuyển giao bắt buộc lần lượt về MB và Vietcombank kể từ ngày 17/10/2024 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo kế hoạch, tuần này, NHNN sẽ chính thức công bố quyết định chuyển giao hai ngân hàng còn lại là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank).
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đều đã lấy ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thông báo Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng GPBank và Dong A Bank. NHNN sẽ tổ chức lễ công bố quyết định chuyển giao hai ngân hàng này “trong vài ngày tới”.
Được biết, lễ công bố quyết định chuyển giao dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này.
Việc chuyển giao ngân hàng yếu kém về một ngân hàng thương mại lớn mạnh, có tiềm lực vững là điều kiện để cơ cấu lại toàn diện và từng bước vực dậy ngân hàng yếu kém.
Như trường hợp của MBV và CB, sau khi được chuyển giao về MB và Vietcombank, hai “ngân hàng 0 đồng” này tiếp tục duy trì mô hình ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
MBV sau khi trở thành thành viên thuộc hệ sinh thái MB Group, đã khoác lên mình diện mạo mới trẻ trung hơn, hiện đại hơn, trong đó điểm nhấn là việc ngân hàng này thay đổi bộ nhận diện thương hiệu và tên gọi từ OceanBank thành MBV.
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Giám đốc khối Đầu tư Ngân hàng MB, từ sau khi nhận chuyển giao, MB đã chuyển giao công nghệ mới giúp MBV nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức và đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm 2025.
“Chúng tôi tin rằng MBV sẽ phát triển trong năm 2025”, bà Nguyễn Minh Hằng nói.
Theo ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng MB, sau 3 tháng tiếp nhận, MB đang chuyển giao công nghệ cũng như nền tảng sở hữu của MB sang MBV để vực dậy ngân hàng này.
“Hy vọng thời gian tới, hoạt động của MBV sẽ khởi sắc hơn, sớm trở thành ngân hàng có các chỉ số lành mạnh”, vị tổng giám đốc MB chia sẻ.
Ông Phạm Như Ánh cho hay, MB sẽ bán cho MBV dư nợ sinh lời, MBV được dùng dư nợ đó để vay Chính phủ và NHNN với lãi suất bằng 0%, từ đó sinh lời cho MBV.
Tuy nhiên, lãnh đạo MB chỉ hé lộ về cơ chế nói chung đối với MBV, các con số cụ thể ông không tiết lộ.
Việc tiếp nhận một ngân hàng yếu kém sẽ giúp cho những ngân hàng như Vietcombank, MB, VPBank và HDBank có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Tài chính Ngân hàng MB, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng của MB sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ vào việc tiếp nhận MBV vào hệ sinh thái. MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên đến 25%, tương đương mức tăng khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên 50% room tín dụng cho mảng bán lẻ.
Ngoài 4 ngân hàng đã và sắp chuyển giao bắt buộc là CB, MBV, GPBank và Dong A Bank, hiện còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. NHNN vẫn đang áp dụng các biện pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định của SCB, bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng, đồng thời xử lý các tồn tại, yếu kém và vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, NHNN cũng đang xây dựng phương án tái cơ cấu SCB để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất. |
>> OceanBank sắp đổi tên thành Ngân hàng Việt Nam hiện đại (MBV)
Từ hôm nay (18/12), OceanBank chính thức có tên gọi mới là Modern Bank of Vietnam (MBV)
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Chuyển giao ngân hàng 0 đồng 'chưa từng có tiền lệ'