Chỉ còn 15 ngày nữa là Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ “gõ cửa” từng nhà. Đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh.
TPHCM chuẩn bị 20.000 tỷ đồng hàng hoá phục vụ thị trường Tết
Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 12 triệu dân trên địa bàn TPHCM dịp Tết Nguyên đán, TPHCM đã chỉ đạo với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu. Trong đó doanh nghiệp bình ổn thị trường TPHCM chiếm 25% - 43% nhu cầu thị trường, tăng 10% so với tháng thường và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57 - 75% nhu cầu thị trường.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn 20.000 tỷ đồng để phục vụ 2 tháng Tết trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng trong đó có 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Lượng hàng bình ổn thị trường chuẩn bị cung ứng phục vụ Tết gồm hơn 5.235 tấn/tháng lương thực; 54,4 triệu quả gia cầm/tháng; 2.081 tấn đường/tháng; 1.485 tấn thực phẩm chế biến/tháng; hơn 9.255 tấn/tháng rau củ quả; 5.603 tấn thịt gia súc/tháng; 297,3 tấn thủy hải sản/tháng; hơn 8.481 tấn thịt gia cầm/tháng; 1.600 tấn gia vị/tháng.
Lượng nông sản cung ứng thị trường TPHCM thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày.
Cùng với đó, tại 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố sẳn sàng phương án tăng công suất, kéo dài thời gian hoạt động những ngày cận Tết, chuẩn bị và đẩy mạnh cung ứng tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường.
Hà Nội "làm chủ" thị trường
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, diện tích lúa cả năm 2022 của Hà Nội đạt 158,5 nghìn ha, sản lượng 952,7 nghìn tấn; diện tích rau các loại đạt 32,6 nghìn ha, sản lượng 723,2 nghìn tấn (tăng 2,12% so với năm 2021). Diện tích cây lâu năm đạt 23,6 nghìn ha; trong đó, diện tích cây ăn quả đạt 20,1 nghìn ha, diện tích cây chè đạt 2,2 nghìn ha.
Số lượng đàn trâu đạt 28,7 nghìn con; đàn bò đạt 130,2 nghìn con; đàn lợn đạt 1,43 triệu con, đàn gia cầm đạt 40,8 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 403.258 tấn, tăng 0,3% so với năm trước; sản lượng trứng đạt 2.538 triệu quả, tăng 9,8%; sản lượng sữa tươi đạt 42,5 nghìn tấn.
Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24 nghìn ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt 121,4 nghìn tấn, tăng 3% so với năm 2021, sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.695 tấn.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng gạo trong tháng Tết là 96,7 nghìn tấn, khả năng cung ứng đạt 49,93%. Về thịt lợn hơi, nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội là 19,3 nghìn tấn/tháng, khả năng tự cung ứng đạt 90,96%; thịt gia cầm là 6,4 tấn/tháng, khả năng cung ứng gần 13 nghìn tấn; rau củ là 107,5 nghìn tấn, khả năng tự cung ứng 54,23%…
Thị trường hàng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được dự đoán "khởi sắc" hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm sau đại dịch COVID-19. Cộng thêm việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau cũng khiến khâu chuẩn bị hàng hóa, trong đó có các sản phẩm bánh kẹo Tết được các đơn vị gấp rút triển khai.
Ghi nhận tại hệ thống siêu thị LotteMart, tỷ lệ các sản phẩm bánh kẹo hàng Việt Nam cũng chiếm từ 80-90% các kệ hàng; tương tự, tại các hệ thống các siêu thị khác như Go!BigC, WinMart, Co.opMart..., tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước cũng chiếm đa số, phần lớn đến từ các thương hiệu như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica...
Tại các siêu thị lớn, giá các mặt hàng bánh kẹo Tết có tăng hơn năm ngoái, nhưng không nhiều: Bánh Danisa Gold hộp 792 gram dao động từ 239.000 đến 245.000 đồng/hộp; bánh Goute hộp thiếc từ 117.000 đến 199.000 đồng/hộp; bánh Cosy hộp thiếc từ 95.000 đến 99.000 đồng/hộp; các loại mứt Tết như hạnh nhân sấy dao động từ 319.000 đến 329.000 đồng/kg; hạt hướng dương từ 97.000 đến 99.000 đồng/kg; hạt bí, hạt dưa khoảng 236.000 đồng/kg, mứt dừa, mứt gừng từ 137.000 đến 187.000 đồng/kg; hạt điều muối 486.000 đồng/kg; kẹo thạch Zai Zai Plus 85.000 đồng/kg...
Qua tham khảo, đa số khách hàng đánh giá các sản phẩm bánh kẹo phục vụ Tết năm nay có mẫu mã phong phú, giá cả ổn định, được dán tem nhãn, ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giúp người tiêu dùng an tâm khi mua sắm, không sợ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để đối phó với tình trạng người tiêu mua phải sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cảnh báo người dân cần thận trọng khi mua sắm trong dịp cuối năm. Người tiêu dùng nên mua hàng tại địa chỉ uy tín, gian hàng chính hãng; tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác để tránh mua hàng giả, hàng nhái, hàng sắp hết hạn sử dụng; tránh chọn mua những sản phẩm có màu sắc bắt mắt vì đây có thể là những sản phẩm chứa phẩm màu, phụ gia gây độc hại cho sức khỏe.
Dự báo thời tiết 23/11/2024: Bắc Bộ nhiệt độ hạ, vùng núi xuống dưới 15 độ
Hà Nội điều chỉnh ô ‘đất vàng’ công cộng ở Đống Đa để xây toà nhà 7 tầng