Các nhà khoa học nhận định 2023 có thể là năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử nhân loại sau khi hàng loạt cột mốc nhiệt độ bị phá vỡ trong mùa hè năm nay.
Trong tuần đầu tiên của tháng 7, nhiệt độ trung bình mỗi ngày của Trái đất đã tăng vọt lên mức cao chưa từng thấy.
Mặc dù các dữ liệu mới chỉ được thu thập từ giữa thế kỷ 20, nhưng đây là khoảng thời gian ấm nhất trong vòng 100.000 năm qua, theo Jennifer Francis - chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell có trụ sở tại Mỹ.
Không chỉ trên đất liền, mà tháng 6 vừa qua cũng ghi nhận mức gia tăng kỷ lục của nhiệt độ bề mặt đại dương. Các khu vực ở phía bắc Đại Tây Dương đã chứng kiến một đợt nắng nóng “chưa từng có”, với nhiệt độ nóng hơn bình thường tới 5 độ C.
Còn tại Nam Cực, nhiệt độ đang tăng cao trên mức trung bình còn băng biển giảm xuống mức thấp kỷ lục. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng nhiệt độ Nam Cực gia tăng có liên quan đến vùng nước ấm ngoài khơi Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Ông Carlo Buontempo, giám đốc Sở Biến đổi Khí hậu Copernicus, nhận định rằng thế giới như đang “bước vào một vùng lãnh thổ chưa từng được khám phá”.
Theo các chuyên gia, những gì thế giới đang trải qua là tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu, kết hợp với hiện tượng El Nino.
Mặc dù nhiều nhà khoa học không bất ngờ trước việc các mức nhiệt kỷ lục liên tục bị phá vỡ, nhưng cường độ tăng nhanh và mạnh của nhiệt độ toàn cầu khiến không ít người bất ngờ.
Ông Carlo Buontempo cho biết việc tháng 6 năm nay ấm hơn 0,5 độ độ C so với mọi năm thông thường là một "hiện tượng phi thường" bởi các mức kỷ lục nhiệt độ thường chỉ nhích lên một tỷ lệ rất nhỏ.
Trong khi các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn, một số người cho rằng 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất được ghi nhận.
Trong lịch sử, các kỷ lục nhiệt toàn cầu có xu hướng bị phá vỡ vào những năm xuất hiện El Nino và kỷ lục năm 2016 trùng với một đợt El Nino mạnh.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cảnh báo rằng sự chú ý dành cho những con số này có thể làm lu mờ những mối nguy hiểm trong thế giới thực mà chúng khuếch đại: sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán trở nên thường xuyên hơn, nghiêm trọng và kéo dài hơn khi Trái đất nóng lên.
Vào cuối tháng 6, miền Nam nước Mỹ chìm trong đợt nắng nóng kỷ lục, với độ ẩm cực cao khiến nhiệt độ thực tế còn nóng hơn các thang đo và khiến cơ thể con người khó tự làm mát hơn. Nắng nóng kéo dài đến Mexico, khiến ít nhất 112 người thiệt mạng từ tháng 3 đến cuối tháng 6.
Mùa hè tại Trung Quốc năm nay cũng khiến nhiều người không khỏi cảm thấy sợ hãi. THủ đô Bắc Kinh, nơi đang phải đối mặt với một trong những đợt nắng nóng kỷ lục, đã chứng kiến nhiệt độ tăng vọt hơn 40 độ C trong tuần vừa qua.
Ở Ấn Độ, trong khi nhiều vùng phía bắc nước này đang phải vật lộn với nắng nóng liên tiếp, trong khi gần nửa triệu người ở vùng đông bắc lại đang trải qua một đợt lũ lụt nghiêm trọng.
“Tất cả các loại hiện tượng cực đoan này hoàn toàn giống với những gì đã được cảnh báo về hiện tượng ấm lên toàn cầu”, chuyên gia Jennifer Francis cho biết.
Là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, tại sao Trung Quốc không cần đóng góp quỹ khí hậu toàn cầu?