Một sản phẩm của Trung Quốc 'dính đòn' thuế Mỹ từ ngày 12/8, doanh nghiệp Việt rộng đường chiếm lĩnh thị phần
Lệnh áp thuế mới từ Mỹ đối với cá rô phi Trung Quốc có hiệu lực từ giữa tháng 8 tới, giúp cá tra Việt Nam có cơ hội vượt lên với lợi thế giá cạnh tranh và nguồn cung ổn định.
Sau giai đoạn trầm lắng, ngành cá tra Việt Nam đang ghi nhận tín hiệu khởi sắc khi giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2025 đạt 805 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng này chủ yếu đến từ sự phục hồi sản lượng tiêu thụ và tín hiệu khả quan từ các thị trường chủ lực như Brazil, Mỹ và Mexico.
![]() |
Giá trị và sản lượng xuất khẩu của ngành cá tra theo tháng |
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong kỳ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá bán trung bình vẫn giữ được mức ổn định, tăng 1%. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil bứt phá với mức tăng tới 71%, tiếp theo là Mỹ tăng 7%, Mexico tăng 6% và Liên minh châu Âu (EU) tăng 3%. Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc – vốn từng là điểm tựa tăng trưởng quan trọng – lại ghi nhận mức giảm 10%.
Dù giá bán cá tra tại Mỹ có sự sụt giảm nhẹ trong tháng 5/2025 do ảnh hưởng từ thuế đối ứng 10%, nhưng đến tháng 6/2025 đã phục hồi về mức 3,03 USD/kg, chỉ thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức tiêu thụ đang dần trở lại, bất chấp thách thức chính sách.
VDSC dự báo ngành cá tra sẽ có bước bứt phá mạnh hơn trong nửa cuối năm 2025, với sản lượng tiêu thụ kỳ vọng tăng trên 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá bán bình quân nhiều khả năng tiếp tục tăng 5%, bất chấp các yếu tố bất ổn về thuế quan tại Mỹ. Sự cải thiện này được kỳ vọng sẽ giúp biên lợi nhuận gộp của toàn ngành cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm.
Một trong những động lực lớn nhất cho sự tăng trưởng sản lượng cá tra đến từ cơ hội thay thế cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Từ ngày 12/8/2025, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng với các sản phẩm cá rô phi từ Trung Quốc, dẫn tới việc nhiều nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang tìm nguồn thay thế. Với mức giá sau thuế thấp hơn khoảng 50–60% so với cá rô phi Trung Quốc, cá tra Việt Nam được kỳ vọng chiếm lại một phần đáng kể thị phần đã mất trong những năm gần đây.
Cá rô phi đông lạnh là một trong những mặt hàng thủy sản có khối lượng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc sang Mỹ và đã bị áp mức thuế 25% từ nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump. Theo dữ liệu năm 2024, Trung Quốc sản xuất khoảng 1,7 triệu tấn cá rô phi, trong đó 55% dành cho xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu cá rô phi đạt 1,405 tỷ USD với 479.000 tấn, riêng Mỹ nhập khẩu 127.700 tấn, trị giá 425 triệu USD — là thị trường đơn lẻ lớn nhất.
![]() |
Giá bán cá fillet nhập khẩu (USD/kg) trung bình 4 tháng tại Mỹ và chênh lệch giá bán giữa cá rô phi-cá tra (%, phải) |
Song song đó, xu hướng người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu cũng là yếu tố thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng giá rẻ như cá tra và cá rô phi, thay thế cho cá hồi vốn có giá thành cao hơn. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ hiện vẫn ở mức thấp, phản ánh tâm lý thận trọng trong chi tiêu và triển vọng thu nhập kém lạc quan. Số liệu cho thấy, thị phần cá hồi tại Mỹ đã giảm từ 26% trong 4 tháng đầu năm 2024 xuống 24% cùng kỳ năm nay – một khoảng trống đáng kể để cá tra tận dụng.
Bên cạnh Mỹ, các thị trường mới nổi như Brazil và Mexico tiếp tục đóng vai trò bệ đỡ tăng trưởng xuất khẩu cá tra. Đặc biệt, Brazil trở thành điểm sáng khi tăng trưởng mạnh nhờ hiệu ứng từ các thỏa thuận thương mại song phương. Theo đó, Việt Nam tăng cường xuất khẩu cá tra và gạo sang Brazil, đổi lại nhập khẩu thịt bò – tạo ra cơ chế trao đổi hàng hóa có lợi cho cả hai bên.
Về chi phí đầu vào, báo cáo của VDSC cho thấy, giá nguyên liệu cá tra và thức ăn đang có xu hướng giảm dần, tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện biên lợi nhuận. Trong tháng 6/2025, giá cá tra nguyên liệu đã giảm xuống còn 30.500 đồng/kg (tăng 14% YoY nhưng giảm 3% MoM), trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm còn khoảng 12.700 đồng/kg, tương đương giảm 5% so với cùng kỳ. Chi phí thức ăn giảm một phần nhờ giá đậu tương – nguyên liệu chính – ước tính giảm 12% so với năm ngoái.
![]() |
Giá thức ăn thủy sản giảm sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận cho doanh nghiệp ngành cá tra |
Tỷ giá cũng là yếu tố hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Với mức tăng dự kiến khoảng 3% so với cùng kỳ, giá bán cá tra quy đổi sang đồng Việt Nam có thể tăng tới 8%, qua đó cải thiện đáng kể doanh thu và lợi nhuận khi quy đổi.
Xét về từng doanh nghiệp cụ thể, VDSC đánh giá biên lợi nhuận của CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) có khả năng cải thiện mạnh mẽ hơn so với CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC). Nguyên nhân là do ANV đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Brazil – nơi có biên lợi nhuận cao – trong khi giảm tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc – nơi biên lợi nhuận thấp. Ngoài ra, giá bán tại Brazil đang có xu hướng tăng nhanh hơn Trung Quốc, tạo ra sự chênh lệch rõ rệt về hiệu quả.
>> Ngành hàng 10 tỷ USD của Việt Nam lọt Top 2 tại Brazil, một công ty niêm yết đánh trận đầu
Công ty thủy sản báo lãi quý II/2025 gấp 17 lần, vừa chốt deal khủng tại thị trường 210 triệu dân
Tập đoàn Mỹ 200 tỷ USD đến Việt Nam, đề cập khả năng ưu đãi thuế quan với nhiều mặt hàng