215 sản phẩm trong đường dây sữa giả 'khai sinh' ở Vĩnh Phúc
Trong 3 năm, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký 215 sản phẩm của 2 công ty trong đường dây sản xuất sữa giả vừa bị Bộ Công an triệt phá.
Trong 3 năm, 215 sản phẩm được công bố ở Vĩnh Phúc
Liên quan đến 573 sản phẩm trong đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá, Bộ Y tế cho biết, khoảng 10% sản phẩm được đăng ký bản công bố sản phẩm tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, còn lại ở các địa phương khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có 305 sản phẩm được đăng ký bản công bố tại Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình. Đến nay, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đang gấp rút kiểm tra các vấn đề liên quan vụ việc này.
Trong khi đó, ngày 23/4, trao đổi với báo VietNamNet, đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, địa phương từng cấp giấy phép đăng ký bản công bố sản phẩm 215 loại sữa cho các công ty trong đường dây sữa giả vừa bị công an triệt phá.
Cụ thể, từ năm 2021 tới 2023, Chi cục An toàn thực phẩm (cũ) và Sở Y tế nhận 145 bộ hồ sơ của Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và 70 bộ hồ sơ của Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group. Từ năm 2024 đến nay, Sở Y tế không tiếp nhận hồ sơ nào của 2 công ty này.
Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, quy trình đăng ký bản công bố sản phẩm và cấp phép các loại sữa trên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2018 và Quyết định số 2318/2018 của Bộ Y tế; Quyết định số 740 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Hồ sơ nộp trực tuyến, quy trình 7 ngày
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Trong trường hợp không đồng ý, cơ quan tiếp nhận phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý. Chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 1 lần và trong 7 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận phải thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời. Sau 90 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung, nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.
Theo quy định, trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải công bố lại sản phẩm. Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.
Kiểm nghiệm nhưng hết hàng tồn kho
Hằng năm, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đều có kế hoạch kiểm tra dựa trên danh sách các công ty đăng ký bản công bố sản phẩm tại địa phương. Tháng 9/2024, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra, hậu kiểm tại Chi nhánh Vĩnh Phúc - Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group tại địa chỉ B21, khu Thảy Nảy, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên.
Theo biên bản lưu tại Sở Y tế ngày 11/9/2019, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra Chi nhánh Vĩnh Phúc - Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Tại thời điểm kiểm tra thực tế và theo báo cáo của chi nhánh không có sản phẩm tồn kho. Vì vậy, đoàn kiểm tra không thực hiện lấy mẫu sản phẩm thực phẩm để gửi đi kiểm nghiệm.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Đặng Trung Kiên – Phó giám đốc Chi nhánh Công ty báo cáo công ty đã thực hiện công bố sản phẩm với tổng số 70 sản phẩm đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép thì công ty đưa vào sản xuất 59 sản phẩm.
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra xác suất 3 hồ sơ công bố của đơn vị thì công ty đã xuất trình các giấy xác nhận công bố và hồ sơ công bố, kèm theo.
Trong biên bản Đoàn yêu cầu công ty tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với các sản phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các sản phẩm, tính phù hợp, an toàn của sản phẩm do Công ty công bố/tự công bố sản phẩm thực phẩm theo quy định.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group thực hiện tự kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm thực phẩm đã công bố; khi phát hiện thấy sai sót, chưa đúng quy định thì không đưa vào sản xuất và bán ra thị trường. Nghiêm túc thực hiện các quy định của về an toàn thực phẩm theo quy định. Công ty đã cam kết thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Đối với chi nhánh Vĩnh Phúc của Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma, theo kế hoạch ban hành tháng 2/2025, Sở Y tế Vĩnh Phúc sẽ hậu kiểm về an toàn thực phẩm ở công ty này nhưng chưa đến thời điểm thực hiện.
Khi phóng viên hỏi về danh sách 215 sản phẩm của 2 công ty đã đăng ký tại địa phương, Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết đã cung cấp cho cơ quan điều tra xác minh.