Sở Công Thương Hà Nội lên tiến trước vụ việc 2 doanh nghiệp sản xuất sữa giả hoạt động từ năm 2021 tới nay
Sở Công Thương Hà Nội mới đây đã có văn bản chính thức về trách nhiệm giám sát sản phẩm sữa trên địa bàn.
Theo công văn số 1877 của Sở Công Thương Hà Nội về việc cung cấp thông tin quản lý sản phẩm sữa, từ năm 2021 đến nay, lực lượng thanh tra và Quản lý thị trường Hà Nội chưa từng kiểm tra hay xử lý vi phạm nào đối với Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dinh dưỡng Hacofood Group – hai doanh nghiệp vừa bị khởi tố vì liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả.
Lý giải cho sự im lặng kéo dài nhiều năm, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, các sản phẩm sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng hoặc thuộc nhóm thực phẩm chức năng nằm trong phạm vi quản lý chuyên ngành của ngành Y tế. Trong khi đó, ngành Công Thương chỉ chịu trách nhiệm với các loại sữa chế biến thông thường.
Vì vậy, việc hai doanh nghiệp nói trên hoạt động nhiều năm mà không bị thanh tra, kiểm tra là do “không thuộc thẩm quyền”, Sở Công Thương khẳng định. Thậm chí, các sản phẩm sữa của hai công ty này chưa từng được Sở tiếp nhận hồ sơ tự công bố – vốn là một trong những điều kiện cần thiết để sản phẩm được phân phối hợp pháp trên thị trường.
Thực tế cho thấy, cơ chế phân công trách nhiệm giữa các ngành hiện còn phân mảnh, dẫn tới tình trạng “khoảng trống quản lý” trong giám sát sản phẩm tiêu dùng nhạy cảm như sữa – đặc biệt là sữa dành cho trẻ nhỏ.
Trong trường hợp này, cả hai doanh nghiệp đều hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, khiến ngành Công Thương không có quyền thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm. Lực lượng Quản lý thị trường cũng chỉ có thể vào cuộc nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Ngoài ra, việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính), càng khiến công tác giám sát bị chia cắt theo chức năng hành chính thay vì được phối hợp liên ngành.
![]() |
Sở Công Thương không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất sữa giả vì "không thuộc thẩm quyền”. Ảnh minh họa |
>> Sữa giả lọt vào bệnh viện như thế nào, ai biến người tiêu dùng thành 'chuột bạch' bất đắc dĩ?
Dù không trực tiếp xử lý hai công ty vừa bị khởi tố, Sở Công Thương Hà Nội khẳng định đã tiến hành hậu kiểm chuyên ngành với 289 doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay. Trong số này, 47 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội – đơn vị trực thuộc – cũng ghi nhận kết quả ấn tượng: đã kiểm tra và xử lý 2.256 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm và các hành vi liên quan, với tổng số tiền phạt lên tới 31,7 tỷ đồng. Số hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy ước tính gần 56,7 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng sữa, lực lượng này đã kiểm tra và xử lý 53 vụ, tổng số tiền phạt là 546 triệu đồng. Riêng trong năm 2024, đã có hai vụ việc vi phạm liên quan đến sữa và thực phẩm chức năng bị phát hiện, chuyển giao cho cơ quan điều tra, với tổng số lượng hàng hóa bị tịch thu và tiêu hủy là hơn 5.800 đơn vị sản phẩm.
Tuy các con số nêu trên cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận từ lực lượng quản lý thị trường, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn các hành vi gian dối ngày càng tinh vi. Vụ việc sữa giả của Rance Pharma và Hacofood Group chỉ bị phát hiện sau khi đã lưu hành rộng rãi trên thị trường, khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe con em mình.
Chuyên gia y tế và quản lý thị trường đều đồng tình rằng, để tránh lặp lại các sự cố tương tự, cần có cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả hơn – giữa Y tế, Công Thương, Công an và các đơn vị cấp phép – để theo dõi chặt chẽ chuỗi sản xuất, phân phối và quảng cáo sản phẩm.
Ngoài ra, việc bắt buộc công bố minh bạch nguồn gốc, tiêu chuẩn sản phẩm cùng với tăng cường hậu kiểm định kỳ cũng là biện pháp cần thiết để bịt kín các kẽ hở trong giám sát.