Một nghịch lý xảy ra trong năm 2021 là có thời điểm doanh nghiệp kinh doanh càng kém cổ phiếu càng "dậy sóng". Có thể kể đến họ Louis, họ Apec và họ GEX.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 tiếp tục có sự tăng trưởng vượt bậc. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước ồ ạt "chảy" vào thị trường tạo nên nhiều "sóng" tăng giá của nhiều nhóm ngành nhưng ngân hàng, chứng khoán, thép (Bank - chứng - thép) trong nửa đầu năm hay bất động sản trong quý IV.
Bên cạnh những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt,... dòng tiền đầu cơ có thời gian dài tìm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Một nghịch lý xảy ra trong năm 2021 là có thời điểm doanh nghiệp kinh doanh càng kém, cổ phiếu càng "dậy sóng".
Không chỉ chứng kiến những cổ phiếu đầu cơ đơn lẻ tăng sốc, rất nhiều nhóm cổ phiếu có cùng lãnh đạo, cổ đông lớn tăng giá bất thường. Đáng kể nhất trong số này phải nói đến các cổ phiếu thuộc nhóm Louis gồm BII, TGG, AGM, APG, DDV, VKC, SMT và TDH.
Khoảng thời gian 9 tháng đầu năm 2021, Louis Holdings là cái tên được các nhà đầu tư chú ý nhất khi “chạm tay” doanh nghiệp nào là cổ phiếu doanh nghiệp đó tăng giá bằng lần. Chỉ cần có thông tin rò rỉ về việc Louis Holdings mua bán hay sáp nhập, cổ phiếu lập tức dậy sóng.
Doanh nghiệp đầu tiên mà tập đoàn này nhắm đến là Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư. Từ tháng 2/2021, ông Đỗ Thành Nhân cùng nhóm Louis Holdings đã liên tục mua cổ phần và thâu tóm thành công doanh nghiệp này. Sau đó, công ty đổi tên thành Louis Land (HNX: BII) như hiện nay. Hàng loạt nhân sự cấp cao được thay mới và hoạt động kinh doanh cũng nhanh chóng được thay đổi từ khai khoáng sang phát triển bất động sản.
Công cuộc thâu tóm tiếp theo của ông Nhân cùng nhóm Louis Holdings diễn ra khi tiếp tục mua 51% vốn cổ phần tại Xây dựng và Đầu tư Trường Giang và đổi tên thành Louis Capital (HoSE: TGG).
Bên cạnh đó đó, ông Đỗ Thành Nhân trở thành người điều hành của doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất của An Giang sau khi mua 51% vốn cổ phần của Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM) từ Nguyễn Kim Group.
Về cấu trúc hệ sinh thái, Louis Holdings sẽ đóng vai trò quản lý các công ty thành viên và tập đoàn này cũng có kế hoạch sẽ IPO thời gian tới. Trong khi đó Louis Capital đóng vai trò thực hiện các hoạt động đầu tư, Louis Land tập trung vào mảng bất động sản, Angimex sẽ hướng đến mảng nông nghiệp và thêm công ty chứng khoán thời gian tới vào hệ sinh thái.
Trước động thái này, thông qua Louis Capital, ông Nhân tiếp tục gom 35% vốn điều lệ của chứng khoán APG (HoSE: APG), cùng với đó là mua 22,8% cổ phần của Sametel (HNX: SMT), một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử, vi tính và thiết bị truyền thông. Không dừng lại ở đó, "hệ sinh thái" này còn nhắm tới Thuduc House (HoSE: TDH) hay DAP- Vinachem (UPCoM: DDV).
Trước khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông Louis Holdings, phần lớn các cổ phiếu trên đều dưới mệnh giá, thậm chí như BII và TGG từng có giá dưới 2.000 đồng/cp. Tuy nhiên, sự có mặt của nhóm cổ đông này đã thay đổi tất cả. Cuối năm 2020, giá cổ phiếu TGG chỉ ở mức 1.170 đồng/cp, nhưng đạt đỉnh 74.800 đồng/cp (ngày 22/9), tương ứng gấp 64 lần. Tương tự, BII tăng từ 3.600 đồng/cp (cuối năm 2020) lên mức đỉnh 31.000 đồng/cp (15/9), tương ứng gấp 8,6 lần. Biến động tương tự cũng diễn ra với các cổ phiếu còn lại gồm SMT, DDV, APG, VKC hay TDH.
Tại thời điểm các cổ phiếu đang tăng mạnh, ông Đỗ Thành Nhân đã đăng lên Facebook cá nhân các chia sẻ về triển vọng giá cổ phiếu thuộc hệ sinh thái này như “từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái”, “Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X. TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng.”
Nhóm cổ phiếu tiếp theo làm “mưa làm gió” trong năm 2021 liên quan đến ông Nguyễn Đỗ Lăng mà 3 cái tên nổi bật nhất gồm API của Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (APEC Investment, HNX: API); IDJ của Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) và APS của Chứng khoán APEC (HNX: APS). Ông Lăng là Thành viên HĐQT IDJ và APEC Investment, Tổng giám đốc APS. Vị lãnh đạo này sở hữu cá nhân 13% vốn APS và 20,58% vốn APEC Investment. Bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ ông Lăng nắm 2,15% vốn APS và 10,31% vốn APEC Investment.
Sau thời gian dài đi ngang, cổ phiếu IDJ có đà tăng mạnh từ vùng giá 12.000 – 13.000 đồng/cp lên 75.000 đồng/cp, gấp 6 lần trong vòng 3 tháng. Cổ phiếu có liên quan đến IDJ là APS cũng tăng giá từ vùng 10.000 đồng/cp cuối tháng 7 lên 59.900 đồng/cp. Cùng với đó, API ghi nhận mức tăng giá đáng kể từ vùng 17.000 đồng/cp lên vượt mức 100.000 đồng/cp.
Tại thời điểm cổ phiếu đang trên đỉnh, ban lãnh đạo APS cùng cổ đông hô "quyết tâm gồng lãi" trong buổi họp ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 16/11.
Nhóm cổ phiếu thứ ba liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT của Gelex. Ông Tuấn được mệnh danh là “ông trùm” M&A với hai thương vụ nổi tiếng nhất là thâu tóm lượng lớn cổ phần tại các tổng công ty có “gốc” Nhà nước, là Gelex (HoSE: GEX) và Viglacera (HoSE: VGC), chưa kể danh mục nhiều doanh nghiệp từng được sở hữu bởi Gelex hoặc các công ty liên quan.
Sau khi trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Gelex sau khi Bộ Công Thương thoái hơn 78,7% vốn vào tháng 1/2018, ông Tuấn đã tái cấu trúc Gelex theo 4 lĩnh vực chính, bao gồm: Sản xuất kinh doanh thiết bị điện, năng lượng, kinh doanh bất động sản và logistics. Theo hướng đi này, ông Tuấn tiến hành việc sở hữu chi phối tại hàng loạt các doanh nghiệp Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi, HoSE: CAV), công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi, HoSE: THI), Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội, Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco, UPCoM: VCW), Chứng khoán VIX (HoSE: VIX), CTCP MHC (HoSE: MHC)…
Trong năm 2021, một số cổ phiếu có liên quan tới ông Nguyễn Văn Tuấn cũng có biến động mạnh. Giá cổ phiếu GEX tăng từ 21.880 đồng/cp (20/10) lên mức đỉnh 46.790 đồng/cp (19/11), tương ứng hơn gấp đôi chỉ sau 2 tháng. Tính từ cuối năm 2020, giá cổ phiếu này gấp gần 3 lần.
Tương tự, giá cổ phiếu VIX cũng lên gấp hơn 2 lần so với cuối năm 2020 và đạt mức đỉnh 36.600 đồng/cp ở phiên 1/12. MHC gấp 2 lần lên đỉnh năm 2021 là 17.400 đồng/cp.
Điểm chung của đa số các cổ phiếu là thị giá tăng mạnh - giảm mạnh, hay còn gọi mô hình cây thông. Tại nhóm cổ phiếu Louis, TGG kể từ khi đạt đỉnh 74.800 đồng/cp hôm 22/9 đã có chuỗi ngày giảm sàn liên tục hiện chỉ còn 23.600 đồng/cp, tương ứng mức giảm hơn 68%. Cổ phiếu BII giảm từ mức đỉnh 31.000 đồng/cp (15/9) xuống chỉ còn 12.300 đồng/cp (11/10), tương ứng mất 60% giá trị….
Đối với nhóm APEC, cổ phiếu APS sau khi lập đỉnh 59.900 đồng/cp ngày 18/11 giảm gần 48%. Tương tự, cổ phiếu IDJ giảm 49% và cổ phiếu API giảm 40% chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua.
Ngân hàng nào vừa được nới 'room tín dụng' lên 18,4%?
Chính phủ yêu cầu trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và Dong A Bank trước 20/12