Các quốc gia được phân loại giàu – nghèo như thế nào?
Theo World Bank (Ngân hàng Thế giới), tiêu chí phân chia quốc gia thành giàu, trung bình hay nghèo có gì thay đổi mỗi năm?
Khi người ta nói đến các quốc gia “giàu” hay “nghèo”, điều đó có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng đối với các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, việc sử dụng một hệ thống tiêu chí rõ ràng để so sánh giữa các quốc gia dựa trên mức thu nhập là điều cần thiết.
Một trong những cách phân loại phổ biến nhất hiện nay là hệ thống phân nhóm thu nhập thành bốn cấp: thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao và thu nhập cao. Mục đích của hệ thống này chủ yếu mang tính thống kê và phân tích, phục vụ nghiên cứu và xây dựng chính sách công.
Hệ thống phân loại này được áp dụng rộng rãi trong các bộ dữ liệu quốc tế, chẳng hạn như World Development Indicators, vốn bao quát các lĩnh vực từ năng lượng, giáo dục đến thương mại toàn cầu. Các nhóm thu nhập cũng thường xuyên được viện dẫn trong nghiên cứu học thuật và truyền thông.
Bài viết dưới đây sẽ giải thích cách thức phân loại thu nhập quốc gia, cách xác lập và cập nhật các ngưỡng phân nhóm, những hạn chế của phương pháp này, và cách mà nền tảng Our World in Data sử dụng các nhóm thu nhập trong phân tích dữ liệu toàn cầu.
1. Quốc gia được phân loại theo thu nhập như thế nào?
Hằng năm, mỗi quốc gia được phân vào một nhóm thu nhập dựa trên chỉ số thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI per capita) – tức là tổng thu nhập quốc dân chia cho dân số. Chỉ số GNI bao gồm cả thu nhập mà người dân của quốc gia đó kiếm được ở nước ngoài.
GNI được lựa chọn vì đây là chỉ số có sẵn cho phần lớn quốc gia. Dù không phản ánh toàn diện mức độ phát triển, GNI thường tương quan với các chỉ báo khác về mức sống như tỷ lệ tử vong ở trẻ em, tuổi thọ, khả năng tiếp cận nước sạch…
Do các quốc gia báo cáo GNI bằng đồng nội tệ, nên cần quy đổi sang USD để so sánh. Phương pháp quy đổi được sử dụng là Atlas Method, vốn lấy tỷ giá hối đoái trung bình trong 3 năm gần nhất và điều chỉnh theo lạm phát để làm “mượt” biến động ngắn hạn của tỷ giá.
Một điều cần lưu ý là phương pháp này không điều chỉnh theo sức mua thực tế (purchasing power parity - PPP) giữa các quốc gia, nghĩa là không xét đến việc người dân thực sự mua được bao nhiêu hàng hóa dịch vụ tại quốc gia của họ – điều sẽ được bàn tiếp ở phần giới hạn.
Sau khi quy đổi sang USD, quốc gia sẽ được xếp vào một trong bốn nhóm thu nhập dựa trên các ngưỡng cụ thể. Việc phân loại này bao phủ gần như toàn bộ thế giới: 189 quốc gia thành viên và nhiều quốc gia khác có dân số trên 30.000 người.




2. Các ngưỡng thu nhập được xác định như thế nào?
Hệ thống phân nhóm được xây dựng từ cuối những năm 1980, ban đầu phục vụ cho chính sách cho vay ưu đãi: những quốc gia có thu nhập dưới một ngưỡng nhất định sẽ được vay với lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài.
Từ đó, ranh giới giữa nhóm thu nhập thấp và trung bình được xác lập. Các ngưỡng tiếp theo được thêm vào để tạo sự phân biệt sâu hơn, dựa trên phân bố thu nhập quốc gia vào thời điểm đó, chứ không dựa vào tiêu chí cho vay.
Ngày nay, các ngưỡng này không còn gắn với chính sách tín dụng, nhưng vẫn được điều chỉnh hằng năm dựa trên chỉ số lạm phát toàn cầu. Điều này làm cho hệ thống trở nên tuyệt đối, tức là thứ hạng của mỗi quốc gia chỉ phụ thuộc vào GNI/người, không phụ thuộc vào sự thay đổi của các quốc gia khác.
Các ngưỡng phân loại thu nhập năm 2024 (tính theo USD):
- Thu nhập thấp: ≤ 1.135 USD/người
- Thu nhập trung bình thấp: 1.136 – 4.495 USD/người
- Thu nhập trung bình cao: 4.496 – 13.935 USD/người
- Thu nhập cao: ≥ 13.936 USD/người
Nếu GNI/người của một quốc gia vượt ngưỡng, quốc gia đó sẽ được xếp vào nhóm mới trong bản cập nhật kế tiếp.
Vì GNI/người thay đổi theo thời gian, và ngưỡng cũng được cập nhật hằng năm, các quốc gia có thể tăng hạng hoặc giảm hạng. Việc di chuyển này có thể do thay đổi thực chất về thu nhập, do biến động tỷ giá, hoặc do điều chỉnh dân số.
Trong dài hạn, đa số quốc gia đã cải thiện vị thế thu nhập nhờ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn có thể tụt hạng, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh hoặc khủng hoảng. Ví dụ: Syria và Yemen đã rơi từ nhóm thu nhập trung bình thấp xuống thu nhập thấp vào năm 2017.
Điều quan trọng là hệ thống này không phân loại dân số đều nhau giữa các nhóm. Năm 1987, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia thu nhập thấp; đến nay con số này đã giảm xuống dưới 10%. Đa phần dân số hiện đang sống ở các nước thu nhập trung bình.
Những thay đổi lớn thường do các quốc gia đông dân như Ấn Độ (lên nhóm thu nhập trung bình thấp năm 2007) và Trung Quốc (lên nhóm trung bình cao năm 2010) thay đổi nhóm.

Sự thay đổi trong cơ cấu dân số toàn cầu theo nhóm thu nhập không chỉ phản ánh sự phát triển kinh tế của các quốc gia mà còn kéo theo nhiều hệ quả về môi trường. Khi ngày càng nhiều người dân sống ở các quốc gia có thu nhập trung bình và cao, mức tiêu thụ năng lượng và sản xuất công nghiệp cũng gia tăng tương ứng — dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng khí CO₂ thải ra từ nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động sản xuất.



Theo Our World in Data
Lộ diện top 10 quốc gia vui nhộn nhất thế giới, châu Á có duy nhất 1 đại diện
Lộ diện top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, quốc gia Đông Nam Á đứng số 1