3 người phụ nữ thay mặt thiên tử quyết định vận mệnh Trung Hoa: Một người cầm quân, một người nhường ngôi, một người lập triều
Trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, có ba người phụ nữ không chỉ sống trong bóng tối của hậu cung mà còn từng cầm trong tay quyền lực thiên hạ, thay đổi dòng chảy lịch sử bằng tài trí và bản lĩnh phi thường.
Trong xã hội phong kiến, phụ nữ thường bị xem là yếu thế, địa vị luôn đứng sau nam giới. Những tiêu chuẩn như "hiền, lương, thục, đức" từng là khuôn mẫu bất di bất dịch, đặc biệt với những người phụ nữ trong hậu cung. Ngay cả hoàng hậu hay thái hậu – những người phụ nữ tôn quý nhất thiên hạ – cũng không thể thoát khỏi những kỳ vọng đó.
Thế nhưng, lịch sử Trung Quốc từng chứng kiến những người phụ nữ không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn ấy mà còn vượt qua nó, trở thành biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và lòng nhân hậu. Họ không chỉ “hiền” mà còn “hiền minh” – một phẩm chất dành cho những người phụ nữ vừa có đức vừa có tài, có khả năng gánh vác đại sự. Ba cái tên tiêu biểu cho mẫu phụ nữ hiếm thấy ấy là Phụ Hảo, Âm Lệ Hoa và Võ Tắc Thiên.
Phụ Hảo – Quốc mẫu thời Thương, văn võ song toàn
Là phi tử của vua Vũ Đinh triều Thương, Phụ Hảo không chỉ là một mẫu nghi thiên hạ mà còn là một chiến tướng lẫy lừng. Trong các di vật giáp cốt còn lưu lại từ thời kỳ này, tên của bà được nhắc đến trên hơn 200 tấm, chứng tỏ vai trò trọng yếu trong triều chính và quân sự. Ngôi mộ được khai quật của bà – nơi tìm thấy những vật dụng như rìu đồng đen – là minh chứng cho địa vị và tài năng hiếm có của một người phụ nữ thời cổ đại.

Phụ Hảo không chỉ quản lý tốt hậu cung mà còn trực tiếp cầm quân dẹp loạn, giúp vua Vũ Đinh củng cố thiên hạ. Bà là một trong số ít người phụ nữ thời cổ đại không bị gò bó trong khuôn khổ nội cung, mà có thể bước ra chính trường với tư cách ngang hàng với các nam tướng. Chính tấm gương của bà đã mở ra một hình mẫu lý tưởng cho những người phụ nữ tài đức sau này, trong đó có Âm Lệ Hoa và Võ Tắc Thiên.
Âm Lệ Hoa – Người vợ hiền lý tưởng và chiến lược gia thầm lặng
Là hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa được truy phong với thụy hiệu, Âm Lệ Hoa sinh ra trong gia đình quý tộc, hậu duệ của danh tướng Quản Trọng. Từ nhỏ bà đã được giáo dục cẩn thận, trở thành người phụ nữ có nhân cách ôn hòa và tinh tế.
Phẩm chất "đức" của bà thể hiện rõ nhất trong thời kỳ gian khó khi chồng bà – Lưu Tú (Hán Quang Vũ Đế) – bị điều về quê giữa thời loạn lạc. Hai người mất liên lạc hơn hai năm, giữa lúc chiến tranh khốc liệt và thông tin gần như không thể lưu chuyển. Âm Lệ Hoa dù còn trẻ, lại là tiểu thư hào môn, vẫn nhất quyết không tái giá – một việc hoàn toàn bình thường vào thời đó – mà chọn thủ tiết chờ chồng.

Về "tài", bà thể hiện bản lĩnh trong cuộc đấu ngôi với Quách Thánh Thông – người phụ nữ khác của Lưu Tú, cưới vì mục đích chính trị. Sau khi Lưu Tú xưng đế, áp lực lựa chọn hoàng hậu là một bài toán khó. Nếu bỏ Quách Thánh Thông, ông sẽ mất sự ủng hộ của nhiều thế lực. Âm Lệ Hoa lúc ấy đã nhường bước, tự cho rằng bản thân không đủ năng lực quản lý hậu cung, để Quách Thánh Thông lên ngôi.
Nhưng thực tế cho thấy bà không hề thiếu năng lực: bà làm hoàng hậu và sau đó là thái hậu tổng cộng 24 năm, quản lý triều đình và hậu cung một cách mẫu mực. Sự nhẫn nhịn, nhìn xa trông rộng và biết hy sinh vì đại cục khiến Lưu Tú phải thốt lên: “Lấy vợ phải lấy Âm Lệ Hoa”.
Võ Tắc Thiên – Nữ Hoàng đế duy nhất của lịch sử Trung Hoa
So với hai người phụ nữ trên, Võ Tắc Thiên là cái tên gây nhiều tranh cãi. Từng bị xem là người đàn bà tham quyền đoạt vị, bà vẫn là nữ nhân duy nhất tự xưng hoàng đế trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc. Nhưng nếu chỉ nhìn vào thành tựu của bà, có thể thấy khó ai sánh bằng.

Ngay từ khi còn là hoàng hậu của Đường Cao Tông, Võ Tắc Thiên đã được xưng là "Thiên Hậu", cùng vua được gọi là “Nhị Thánh”. Sau khi vua mất, bà tiếp tục nhiếp chính dưới thời hai vị hoàng đế tiếp theo – Trung Tông và Duệ Tông – rồi cuối cùng tự mình lên ngôi, lập ra triều Chu, trị vì trong 15 năm.
Dưới thời bà, đất nước ổn định, kinh tế phát triển, dân sinh an lạc. Không có “mắt xích” là Võ Tắc Thiên, có lẽ Đại Đường đã không thể giữ được sự thịnh vượng sau thời lập quốc. Đóng góp của bà được giới sử học ngày nay nhìn nhận là một trong những thành tựu lớn nhất trong lịch sử cai trị của phụ nữ.
Từ ngàn xưa, quan niệm “nữ tử vô tài mới là đức” từng bóp nghẹt khả năng vươn lên của phụ nữ trong xã hội Á Đông. Nhưng lịch sử vẫn luôn có những ngoại lệ. Phụ Hảo, Âm Lệ Hoa và Võ Tắc Thiên chính là minh chứng sống động rằng phụ nữ, nếu có tài, có đức, có bản lĩnh, hoàn toàn có thể làm nên đại nghiệp và được hậu thế ngưỡng mộ không kém gì bậc đế vương.