Thế giới

Vị vua viết ra bức thư pháp trị giá 36.000 tỷ đồng nhưng lại khiến triều đại sụp đổ chỉ trong một đêm, là bi kịch cho kỷ nguyên phong kiến cuối cùng ở Trung Hoa

Thùy Dương 08/05/2025 21:18

Trong khi hậu thế trầm trồ trước những tác phẩm nghệ thuật vô giá, người dân dưới thời vị vua này lại oán than một ông vua thờ ơ chính sự.

Tống Huy Tông (Triệu Cát), hoàng đế thứ VIII của triều Bắc Tống, là một trong những vị vua gây tranh cãi nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Dưới góc độ chính trị, ông bị xem là hôn quân, người đã đẩy triều đại đến bờ diệt vong. Tuy nhiên, nếu nhìn ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Tống Huy Tông lại là một thiên tài hiếm có với tư duy thẩm mỹ sâu sắc và tài năng vượt trội trong thơ, họa, thư pháp.

Vị vua viết ra bức thư pháp trị giá 36.000 tỷ đồng nhưng lại khiến triều đại sụp đổ chỉ trong một đêm, là bi kịch cho kỷ nguyên phong kiến cuối cùng ở Trung Hoa - ảnh 1
Nếu như Tống Huy Tông không phải là hoàng đế của đại Tống thì có lẽ ông ta đã nổi tiếng là nhà thư pháp đại tài

Một trong những dấu ấn lớn nhất ông để lại cho hậu thế là thể thư pháp “ Sấu Kim Thể” – một lối chữ được đánh giá là độc đáo bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Những nét chữ mảnh mai, bay bổng nhưng vẫn giữ được cấu trúc chắc chắn, từng được giới phê bình ca ngợi là “xương mà không mất thịt”.

Sấu Kim Thể đã trở thành phong cách được hậu thế trân trọng và học hỏi, là minh chứng rõ nét cho tầm ảnh hưởng của Tống Huy Tông trong nghệ thuật thư pháp.

Không chỉ giỏi viết chữ, Tống Huy Tông còn nổi danh với nhiều bức họa tinh xảo như “Thụy Hạc Đồ” hay “Thính Cầm Đồ”. Những bức tranh của ông thường được vẽ trên lụa, mang phong cách nhẹ nhàng, thanh tịnh, thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận mỹ thuật. Tài năng của ông không chỉ dừng lại ở đó.

Vị vua viết ra bức thư pháp trị giá 36.000 tỷ đồng nhưng lại khiến triều đại sụp đổ chỉ trong một đêm, là bi kịch cho kỷ nguyên phong kiến cuối cùng ở Trung Hoa - ảnh 2
"Lâm Đường Hoài Tố Thánh Mẫu Thiếp", bức thư pháp đã được bán đấu giá với giá 128 triệu NDT

Ông còn là người yêu thích đá cầu – một môn thể thao quý tộc thời bấy giờ – và chính từ sân cầu này, ông kết giao với Cao Cầu, người sau này trở thành sủng thần gây nhiều tai tiếng trong triều đình.

Tuy nhiên, sự say mê nghệ thuật của Tống Huy Tông lại tỉ lệ nghịch với khả năng trị quốc. Trong suốt thời kỳ ông trị vì, đất nước rơi vào cảnh rối ren, nhân dân lầm than, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp, đặc biệt là cuộc nổi dậy do Phương Tịch lãnh đạo.

Đỉnh điểm là biến cố Tĩnh Khang năm 1127, khi quân Kim đánh chiếm kinh đô Biện Kinh, bắt sống cả ông và con trai là Tống Khâm Tông. Từ đó, ông sống những năm cuối đời trong cảnh lưu đày, khép lại triều đại Bắc Tống.

Dù thất bại trên vũ đài chính trị, Tống Huy Tông vẫn để lại những di sản nghệ thuật vô giá. Vì nhu cầu viết thư pháp và vẽ tranh, ông đã cho chế tạo một loại giấy Tuyên đặc biệt, có hoa văn hình rồng dệt bằng sợi tơ vàng.

Đây là loại giấy chỉ dành riêng cho ông sử dụng, kết hợp cùng tài thư pháp đã tạo ra nhiều tác phẩm độc bản, nổi bật là “Thảo Thư Thiên Tự Văn” – một bản viết tay được định giá lên tới 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 36.000 tỷ đồng).

Vị vua viết ra bức thư pháp trị giá 36.000 tỷ đồng nhưng lại khiến triều đại sụp đổ chỉ trong một đêm, là bi kịch cho kỷ nguyên phong kiến cuối cùng ở Trung Hoa - ảnh 3
"Thảo Thư Thiên Tự Văn" theo định giá của nhà đấu giá thì bức này trị giá hơn 10 tỷ đồng Nhân dân tệ

Một tác phẩm khác, “Lâm Đường Hoài Tố Thánh Mẫu Thiếp”, dù chỉ gồm 30 chữ, cũng từng được bán đấu giá với mức 128 triệu nhân dân tệ, tương đương hơn 450 tỷ đồng. Dù một số chuyên gia nhận định đây chỉ là tác phẩm thời trẻ của ông, chưa hoàn thiện về kỹ thuật, nhưng giá trị lịch sử và nghệ thuật của nó vẫn khiến giới sưu tầm đặc biệt săn đón.

Ngày nay, việc tái tạo loại giấy Tuyên có hoa văn rồng do Tống Huy Tông sử dụng vẫn là điều không thể. Công nghệ hiện đại dù tiến bộ vượt bậc cũng không thể phục dựng quy trình chế tác đã thất truyền. Điều này càng khiến các tác phẩm thư pháp nguyên bản trở thành những báu vật vô giá, không thể sao chép.

Tống Huy Tông là một nhân vật gây tranh cãi: ở cương vị hoàng đế, ông là một thất bại lịch sử; nhưng ở vai trò nghệ sĩ, ông là một biểu tượng văn hóa. Lịch sử không chấp nhận chữ “nếu”, nhưng người đời vẫn thường tiếc nuối: giá như ông không sinh ra nơi cung đình, có lẽ đã trở thành một đại thư gia lưu danh sử sách chỉ vì nghệ thuật, chứ không vì bi kịch.

>> Vị vua lên ngôi khi mới 100 ngày tuổi nhưng 8 tháng sau đã băng hà, có thời gian trị vì ngắn nhất trong lịch sử Trung Hoa

Chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án tòa nhà 28 tầng bất ngờ bị đắp chiếu nhiều năm

Trung Quốc rốt ráo gom vàng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/vi-vua-viet-ra-buc-thu-phap-tri-gia-36000-ty-dong-nhung-lai-khien-trieu-dai-sup-do-chi-trong-mot-dem-la-bi-kich-cho-ky-nguyen-phong-kien-cuoi-cung-o-trung-hoa-141936.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị vua viết ra bức thư pháp trị giá 36.000 tỷ đồng nhưng lại khiến triều đại sụp đổ chỉ trong một đêm, là bi kịch cho kỷ nguyên phong kiến cuối cùng ở Trung Hoa
    POWERED BY ONECMS & INTECH