Kể từ đầu tháng 12 đến nay, cổ phiếu POW đã bất ngờ tăng tới 35% qua đó bứt khỏi vùng cản trong nhiều năm qua.
Cổ phiếu Tổng CTCP Điện lực Dầu khí (HOSE: POW) kể từ khi lên sàn không có nhiều đột biến giá khi mã đã tích luỹ loanh quanh ở nền giá 10.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu trong nhiều năm liền. Thậm chí khi xảy ra đại dịch COVID-19, giá POW đã lùi về sâu 8.x khiến nhà đầu tư mua khi mới lên sàn bị lỗ nặng. Thế nhưng, kể từ đầu tháng 12 đến nay, cổ phiếu POW đã bất ngờ tăng tới 35%.
POW tăng giá mạnh mẽ trong phiên 21/12 và chạm giá trần 19.500 đồng/cổ phiếu trong suốt phiên giao dịch. Song bất ngờ đã xảy ra ở phiên ATC khi đà bán quá mạnh hơn 2,2 triệu cổ phiếu đã khiến POW đã mất giá trần trong 15 phút cuối phiên. Kết phiên giao dịch, POW lùi về mốc 18.700 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản POW đạt 36,6 triệu đơn vị. Dù không giữ được mức tăng trần nhưng POW vẫn tăng giá 35% kể từ đầu tháng 12. POW đã chính thức vượt đỉnh kể từ khi lên sàn.
Tại thời điểm 14h ngày 22/12/2021, thị giá POW tăng 2% lên mức 19.100 đồng
Gần 4 năm lên sàn ì ạch không bứt phá được nhưng POW chỉ cần 20 ngày để tăng giá vượt đỉnh cùng thanh khoản bình quân của POW thường xuyên đạt 30 - 41 triệu đơn vị/phiên. Vốn hoá của POW đạt gần 44.000 tỷ đồng chốt phiên 21/12, PE đạt 15,6 lần. POW đang có 2,341 tỷ cổ phiếu niêm yết.
Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 9 tháng, PV Power ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ 4% về mức 20.967 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.487 tỷ đồng - tăng 37% so với cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu 28.404 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.548 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm POW đã lần lượt thực hiện được 74% chỉ tiêu doanh thu và vượt 49% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kỳ vọng sản lượng điện năm 2022 phục hồi
Về triển vọng doanh nghiệp, Công ty chứng khoán Mirae Asset (MAS) mới đây đã có báo cáo phân tích riêng về POW triển vọng đầu tư năm 2022. MAS cho rằng, sản lượng huy động từ thủy điện có phần suy giảm nhưng bù đắp là sản lượng từ nhiệt điện (POW có 5/7 nhà máy nhiệt điện).
Tháng 10/2021, POW và EVN sau cùng đã ký các biên bản thống nhất về các phương án điều chỉnh, sửa đổi hợp đồng mua bán điện tại nhà máy điện Cà mau 1&2. Điều này sẽ giúp cho POW sẽ sớm hoàn nhập hơn 800 tỷ từ trích lập dự phòng phải thu của EVN. Các dự án hỗ trợ năng lượng tái tạo thông qua giá FIT ưu đãi kết thúc, chúng tôi dự kiến từ năm 2022 sẽ không còn nhiều dự án năng lượng tái tạo được triển khai.
Tác động của COVID-19 trong sản xuất có phần suy giảm giúp cho các doanh nghiệp quay trở lại đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó giá năng lượng trên phạm vi toàn thế giới tăng mạnh, còn ở Việt Nam giá điện vẫn được duy trì ở mức ổn định sẽ là một trong những lợi thế cho các ngành nghề thâm dụng năng lượng tại Việt Nam.
Hiện dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 - 4 đã khởi công san lấp mặt bằng, dự kiến khởi công gói thầu EPC trong quý 1/2022. Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ 2024. Với những triển vọng tích cực cho năm 2022 MAS dự phóng doanh thu thuần đạt 31.590 tỷ đồng (+25% YoY) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.903 tỷ đồng (+81,2% YoY).
Dự báo này được dựa trên giá bán kỳ vọng sẽ tăng trong năm 2022 giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 14% trong năm 2021 lên mức 14,3% trong năm 2022; Chi phí lãi vay tiếp tục giảm 15% so với cùng kỳ, đạt 481 tỷ đồng; Thu nhập khác tăng mạnh với kỳ vọng hoàn nhập 800 tỷ từ EVN, và chi phí khác cũng giảm mạnh khi không còn ghi nhận chi phí khắc phục sự cố của Rotor máy phát tổ máy số 1 của nhà máy điện Vũng Áng 1.4) Sản lượng điện ước đạt 18,033 tr kWh tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021
EPS dự phóng ước đạt 1,517 đồng/ cổ phiếu với mức P/E dự phóng đạt 10,7 lần, thấp so với trung bình 3 năm của doanh nghiệp.
Công ty Chứng khoán SSI mới đây đã có báo cáo phân tích triển vọng ngành nhiệt điện năm 2022 trong đó nhấn mạnh việc tăng trưởng lợi nhuận của công ty điện than sẽ tăng trưởng tốt hơn công ty điện khí.
Theo đó, giá FO năm 2022 ở mức 375 USD/tấn (-3,8% YoY) nnhưng giá khí bán cho các công ty điện khí (như NT2) có thể vẫn tăng 4% YoY do tỷ trọng từ mỏ khí giá cao (Sao Vàng Đại Nguyệt) cao hơn. Các mỏ khí giá rẻ dần cạn kiệt. Giá khí vẫn duy trì mức cao sẽ làm nhóm điện khí kém cạnh tranh so với nhóm điện than; vì khi đó EVN/A0 sẽ ưu tiên huy động nguồn có chi phí thấp hơn là điện than.