Gặp khó khăn với việc thu hồi công nợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), PV Power (POW) đối mặt nguy cơ mất cân đối dòng tiền.
Tại buổi làm việc chiều 5/7 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (HOSE: POW), ban lãnh đạo đã cập nhật tình hình hoạt động các nhà máy 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, POW ghi nhận sản lượng điện 6 tháng tăng 17% đạt 8,34 tỷ kWh điện (đạt 96% kế hoạch đề ra). Nửa đầu năm, một số nhà máy thuộc PV Power không đạt sản lượng điện hợp đồng (Qc) được giao do nhiều nguyên nhân khách quan. Các nhà máy thủy điện trong tình trạng thiếu nước, nguồn khí cũng bị thiếu hụt, Tổ máy số 1 tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố.
PV Power đang đối mặt một số vướng mắc liên quan trong thu xếp vốn, đấu nối, đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), đàm phán hợp đồng mua bán khí (GSA) tại Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, việc huy động chạy dầu DO trong đợt cao điểm huy động điện phát sinh nhiều vấn đề như chi phí tăng, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, máy móc...
Theo lãnh đạo PV Power, tiến độ gói thầu san lấp tại Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đang trong giai đoạn quyết toán theo hợp đồng đạt 180/205 tỷ, dự toán giá trị gói thầu 235 tỷ. Đối với gói thầu EPC đang được triển khai tốt, bám sát tiến độ, dự kiến Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 phát điện thương mại vào tháng 11/2024 và phát điện thương mại Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 vào khoảng tháng 5/2025.
Đối với nửa cuối năm 2023, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giao các ban Khai thác Dầu khí; Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu; Thương mại thị trường tính toán nguồn khí tối ưu nhất cho các nhà máy của PV Power ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ, chủ trì phối hợp với các nhà máy đạm cân đối sử dụng nguồn khí.
PV Power cần tính toán cụ thể về việc phân bổ sản lượng cho từng nhà máy, sẵn sàng đưa Tổ máy số 1 Nhiệt điện Vũng Áng đi vào hoạt động trong tháng 7, kiểm soát chặt chẽ thời gian bảo dưỡng, đại tu các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 2.
Song song đó, tổng công ty cần phối hợp giữa các nhà máy trong và ngoài Tập đoàn để xử lý các sự cố, quản trị dòng tiền, thu xếp nguồn vốn, công tác giải ngân, quản trị danh mục các dự án đầu tư trọng điểm.
Đáng chú ý, PV Power cho biết đang gặp khó khăn với việc thu hồi công nợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tính đến nay tổng số tiền nợ đọng đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng. Trước đó hồi tháng 6, EVN từng cho biết số nợ vay tại các đơn vị thành viên là rất lớn, nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, các khoản phải thu ngắn hạn của PV Power ở mức 17.166 tỷ, chiếm 30% tổng tài sản, trong đó phải thu ngắn hạn từ các khách hàng là các công ty mua bán điện hơn 14.221 tỷ đồng.
Với vấn đề này, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giao các ban Thương mại thị trường, Ban Điện và Năng lượng tái tạo, Ban Pháp chế - Kiểm tra rà soát các quy định giữa các bên để tổng hợp báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Tổng Giám đốc cũng yêu cầu Ban Tài chính - Kế toán Tập đoàn phối hợp, hỗ trợ PV Power về công tác cân đối dòng tiền trong lúc khó khăn hiện nay.
PV Power (POW): Doanh thu 11 tháng đạt hơn 27.000 tỷ đồng, dự án điện 1,4 tỷ USD sắp cán đích
VN-Index ‘dậm chân’ quanh mốc 1.270 điểm, một cổ phiếu VN30 ngược dòng áp sát đỉnh lịch sử