Tài chính Ngân hàng

35 ngày đấu thầu, 7 ngày chờ đợi, kịch bản nào tiếp theo cho giá vàng?

Khởi Phong - Chi Hạ 29/05/2024 10:15

Trong thông báo phát đi vào tối ngày 27/5, NHNN cho biết “sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 03/6/2024”. Đà tăng giá của vàng sẽ được "ghìm cương" bằng cách nào?

35 ngày đấu thầu vàng

Tối muộn ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ ra thông báo sẽ ngừng đấu thầu vàng. Như vậy, tính từ phiên đấu thầu thành công lần đầu tiên vào ngày 23/4, hành trình đấu thầu vàng năm nay đã chính thức dừng lại sau 35 ngày.

>> Nóng: NHNN dừng đấu thầu vàng miếng, tìm phương án bình ổn khác thay thế

Quay ngược lại khoảng trung tuần tháng 4, trong bối cảnh giá vàng trong nước tăng nhanh và chênh lệch cao với giá quốc tế, NHNN đã quyết định tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC với mục tiêu làm giảm tình trạng chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới.

Quyết định này của NHNN ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm và theo dõi của truyền thông, dư luận. Tuy nhiên, sau 9 phiên đấu thầu, chỉ có 6 phiên thành công với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường.

Bình luận về lý do các đơn vị không mặn mà với đấu thầu vàng, nhiều chuyên gia, nhà phân tích đã chỉ ra những điểm chính như giá vàng quốc tế biến động quá lớn, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc mà NHNN đưa ra cao, khiến các đơn vị sợ rủi ro, khối lượng đấu thầu tối thiểu quá cao,...

Cụ thể, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, điều kiện tham gia đấu thầu vàng không phù hợp với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng. Theo quy định của NHNN, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (1.400 lượng) là quá cao.

Không những vậy, sau khi trúng thầu, phải sau 2 ngày mới được giao vàng trong khi giá vàng biến động rất mạnh. Về nguyên tắc kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ mà mua được bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để an toàn vốn vì biến động của giá vàng rất phức tạp, khó lường nên đầu cơ vàng rất rủi ro.

>> Đấu thầu vàng miếng SJC: Bao nhiêu tấn vàng đã được đưa ra thị trường?

35 ngày đấu thầu và 7 ngày chờ đợi, kịch bản tiếp theo nào cho giá vàng?
Ảnh minh họa

Càng về sau, khối lượng đấu thầu thành công càng tăng, tỷ lệ vàng "ế" càng giảm. Đặc biệt, lần đấu thầu thứ 9 diễn ra vào ngày 23/5 đã ghi nhận 11 thành viên trúng thầu với 13.400 lượng vàng được bán ra. Đây là phiên có khối lượng trúng thầu cao nhất kể từ khi NHNN mở lại hoạt động đấu thầu.

Dẫu vậy, điều này cũng không giúp mục tiêu ban đầu của NHNN là “ghìm cương” giá vàng được thành công. Sau các phiên đấu thầu, giá vàng vẫn liên tục tăng mạnh, luôn "dập dềnh" quanh ngưỡng gần 90 triệu đồng/lượng. Thậm chí, ngày 10/5 ghi nhận giá vàng lập đỉnh ở mức 92,4 triệu đồng/lượng.

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng không được thu hẹp. Nhiều thời điểm, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng quốc tế từ 17-18 triệu đồng/lượng.

Trong buổi tọa đàm về phát triển thị trường vàng sáng ngày 17/5, GS. TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu, giá càng tăng, khoảng cách chênh lệch vàng trong nước và thế giới càng tăng chứng tỏ giải pháp này không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Có lẽ việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng là một tác nhân gây nên giá vàng tăng. Giá sàn thậm chí cao hơn thị trường. Người trúng thầu đương nhiên phải là người mua vàng với giá bằng hoặc cao hơn giá sàn. Và khi bán số vàng đó ra ngoài thị trường, họ sẽ bán với giá cao hơn nữa. Như vậy mục tiêu của đấu thầu ở đây là chọn được người trả giá cao chứ không phải là kéo giá sát với thế giới”, ông Cường nhận định.

>> SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và 2 ngân hàng vào danh sách thanh tra về kinh doanh vàng

“Bắt bệnh” ghìm cương giá vàng

Để kéo vàng trong nước về sát với quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, nhà chức trách cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.

Dẫu vậy, đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế, dài hơi hơn khi sửa đổi Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Chia sẻ một góc nhìn khác, chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy & Investment bày tỏ quan điểm, trong lịch sử, không cần nhập khẩu, không cần phá độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, chênh lệch giá vàng vẫn có những giai đoạn dài được kiểm soát, giá vàng trong nước và thế giới đồng pha gần như tuyệt đối.

Dẫn chứng đầu tiên là trong giai đoạn 2016-2019, thời kỳ giá vàng dần đi vào ổn định khi giá vàng thế giới tăng nhưng giá trong nước gần như đi ngang, chênh lệch giá vàng được dần kéo về bằng 0. Từ năm 2019 đến năm 2020, giá vàng thế giới tăng mạnh 55% và giá vàng trong nước tăng theo tương ứng, chênh lệch giá vàng vẫn không đáng kể.

Đây là một ví dụ để phủ định lập luận cho rằng vì có sóng vàng thế giới (như đang xảy ra trong năm 2024) nên người dân tăng nhu cầu mua vàng và kéo tăng chênh lệch.

ffffffff
Biểu đồ giá vàng (Nguồn: Think Future)

Giai đoạn 9/2020 - 8/2022 ghi nhận giá vàng thế giới giảm 10%, nhưng giá vàng trong nước không giảm theo, trái lại tăng 10%. Đây là giai đoạn lãi suất thấp khiến chứng khoán, bất động sản tăng nóng và thu hút dòng tiền rất lớn từ giới đầu tư.

Hồi tưởng lại giai đoạn này, đó là quãng thời gian người người nhà nhà đi mở tài khoản chứng khoán và đi buôn đất chứ không phải đi mua vàng. Thậm chí, giới đầu tư rất có thể đã bán vàng để dồn tiền vào chứng khoán và BĐS.

Như vậy, không phải do sóng vàng thế giới, cũng không phải do nhu cầu mua vàng mà chênh lệch giá vàng vẫn tăng.

Khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu thì việc “trị" chênh lệch giá vàng, theo chuyên gia, không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá. Hành động này không chỉ đi chệch mục tiêu mà còn lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết.

Thay vào đó, lúc này việc áp hành chính trở nên đặc biệt cấp thiết để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì.

Bên cạnh sử dụng các biện pháp hành chính, chuyên gia cũng nhận định công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.

>> Nhu cầu mua vàng tăng đột biến từ ai, chắc không phải người dân thường?

ffffffff
Hình ảnh minh họa

7 ngày chờ đợi

Trên thực tế, từ tháng 3 tới nay, cơ quan quản lý đã liên tục mở các cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng trong cả nước và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.

Trong diễn biến mới nhất vào tuần trước, NHNN đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của 4 doanh nghiệp và 2 ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động này.

Ngoài ra, NHNN tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng quốc tế với những cách tiếp cận mới để đạt được kết quả một cách bền vững.

Trong thông báo phát đi vào tối ngày 27/5, NHNN cho biết “sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 03/6/2024”.

Như vậy, thị trường sẽ có 7 ngày chờ đợi phương pháp bình ổn cụ thể. Còn giá vàng, không chờ lâu đến thế, đã ngay lập tức phản ứng bằng cách tăng vọt. Ghi nhận chiều ngày 28/5, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 88,5 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 90,5 triệu đồng/lượng (chiều bán). Như vậy, giá vàng đã tăng 900.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.

>> Sau phiên đấu thầu thành công, giá vàng SJC “bốc hơi” cả triệu đồng

Giá vàng hôm nay 29/5/2024 bật tăng sau cú giảm sốc, SJC vượt 90 triệu đồng

Nóng: NHNN dừng đấu thầu vàng miếng, tìm phương án bình ổn khác thay thế

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/35-ngay-dau-thau-va-7-ngay-cho-doi-kich-ban-tiep-theo-nao-cho-gia-vang-236578.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
35 ngày đấu thầu, 7 ngày chờ đợi, kịch bản nào tiếp theo cho giá vàng?
POWERED BY ONECMS & INTECH