50% giáo viên, bác sĩ sẽ mất việc vì AI, Chủ tịch FPT: 'Từ lãnh đạo, nhân viên phải biết sử dụng trí tuệ nhân tạo, đừng để máy lãnh đạo chúng ta'
Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình, người lãnh đạo trong doanh nghiệp không chỉ cần "có tâm", "có tầm" mà còn cần có chữ "tình".
Công nghệ ngày càng phát triển, kéo theo sự ra đời và "oanh tạc" của trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Báo cáo Tương lai việc làm (The Future of Jobs Report 2023), thị trường lao động sẽ mất đi 23% việc làm trong vòng 5 năm tới. Không chỉ vậy, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) còn đưa ra con số gần 40% việc làm toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng vì sự phát triển của AI. Tại các thị trường mới nổi, con số ảnh hưởng là 40%, quốc gia có thu nhập thấp có tỷ lệ 26% và những nền kinh tế phát triển có tới 60% công việc bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của AI.
Sau quá trình phát triển không quá dài, AI ngày càng trở thành 1 công cụ cần thiết trong cuộc sống của con người. Việc AI có thể viết tiểu luận, viết thơ... hay robot biết pha trà, nấu ăn, biểu diễn... ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Điều này cho thấy sự tồn tại của AI ngày càng gây chú ý và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống của mỗi chúng ta.
Ông Hoàng Nam Tiến - người giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cũng từng đưa ra cảnh báo về tác động của AI trong vấn đề việc làm tại Việt Nam. Ông từng khẳng định 2,7 triệu công nhân trong ngành dệt may, lắp ráp... sẽ bị AI thay thế trong khoảng 5 năm nữa. Không chỉ vậy, những nhóm ngành bác sĩ, giáo viên, bảo vệ, công an, chuyên gia... cũng có thể giảm sút 50%. Vậy nên, đứng trước nguy cơ bị AI thay thế nếu không đủ năng lực, con người cần có hướng đi mới cho mình. Nhiều người cũng tự đặt ra câu hỏi, sự phát triển của AI có thể thay thế các nhà lãnh đạo hay không?
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT đã có những lời khuyên chân thành cho các lãnh đạo trong bối cảnh AI phát triển ngày càng nhanh.
Nhà lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn FPT khẳng định vai trò không thể thiếu của AI trong giáo dục - đào tạo và quản trị điều hành. "Vào thời điểm này, phải nói rằng chỉ có công nghệ mới giúp chúng ta học tập ở chất lượng cao nhất. Học tập là 1 quá trình của từng cá nhân một. Chúng ta không có cách sản xuất hàng loạt vì con người không phải sản phẩm của công nghiệp. Con người có ý thức chủ động học tập nên học tập phải được cá nhân hóa, cá thể hóa để đạt được kết quả tốt nhất. Tương tự như vậy, không phải chỉ chúng ta mà toàn bộ nhân viên của chúng ta cũng phải học tập một cách cá thể hóa, và công nghệ giúp làm điều đó.
Không phải chỉ các bạn lãnh đạo mà toàn bộ các bạn nhân viên đều phải biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ về trí tuệ nhân tạo. Chúng ta sẽ dùng trí tuệ nhân tạo như 1 người trợ lý thông minh của mình để liên tục đổi mới, có những sáng kiến, cải tiến công việc của mình. Công nghệ là 1 thành tố không thể thiếu được trong việc thành công" - Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ.
Nói về sự ảnh hưởng của AI trong cuộc sống, trong công việc, nhà lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn FPT chia sẻ rằng ông đang sử dụng 3 ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất hiện nay. Những câu hỏi mà ông đưa ra cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo này đều được phản hồi. Điều đáng nói là khi vị Chủ tịch Tập đoàn FPT hỏi: "Công ty cần làm gì để nhân viên hạnh phúc?", máy trả lời được khoảng 85% những gì ông nghĩ trong đầu. Thế nhưng ông khẳng định, nhà lãnh đạo giỏi là người sáng tạo thêm 15% còn lại chứ không ỷ lại vào trí tuệ nhân tạo. "Vì thế, tôi thiên về việc máy trở thành trợ lý, đừng để máy làm lãnh đạo của chúng ta" - ông Trương Gia Bình bộc bạch.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo hiện nay, hình mẫu nhà lãnh đạo "có tâm" và "có tầm" vẫn còn phù hợp. Tuy nhiên, đối với quan điểm của nhà lãnh đạo Tập đoàn FPT, chúng ta cần thêm 1 chữ "tình" khi nói về nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Ông Trương Gia Bình khẳng định: "Khi người máy chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong công việc, có lẽ chúng ta phải thêm chữ tình. Càng máy bao nhiêu thì chúng ta càng phải người bấy nhiêu. Nhà lãnh đạo có tình cần 3 điều.
Thứ nhất, nhà lãnh đạo có tình là nhà lãnh đạo giác ngộ được việc mình đóng góp cho sự tăng trưởng như thế nào. Mình phải nhìn được trong 1 tổ chức sự xuất hiện của nhà lãnh đạo vào lúc nào, làm gì để truyền cảm hứng cho tất cả những người còn lại, để tạo cơ hội cho tất cả mọi người phát triển.
Thứ hai, nhà lãnh đạo có lòng nhân ái, khiêm tốn. Thực ra thành công ngày hôm nay không phải là thành công của nhà lãnh đạo mà là thành công của tập thể muôn vàn người. Cho nên càng khiêm tốn bao nhiêu nhà lãnh đạo càng phát huy được sức mạnh tập thể, sức mạnh sáng tạo của đội ngũ bấy nhiêu.
Cuối cùng là tình yêu thương con người. Con người ai cũng có khuyết điểm, có lúc mắc sai lầm, lúc khó khăn. Thay vì bỏ người ta đi, chê trách người ta, nhà lãnh đạo có tình lúc nào cũng đứng ở vị trí người đó để tìm cách giải quyết vấn đề của người đó".
Ông Trương Gia Bình khẳng định, 1 nhà lãnh đạo có tình sẽ nhận được tình yêu thương, quý trọng của nhân viên. Từ đó, họ sẽ xây dựng được 1 tập thể đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cạnh tranh và phát triển. Bởi vậy, dù máy móc, công nghệ có phát triển tới đâu, nhà lãnh đạo cũng không nên quên chữ "tình" bên cạnh "có tâm", "có tầm".
Kết lại cuộc trò chuyện, ông Trương Gia Bình khẳng định máy không thể thay thế con người. "Chúng ta phải nhớ rằng người thiết kế ra máy móc chính là con người. Con người đứng đằng sau robot, chỉ huy robot chứ không phải robot chỉ huy con người".