55 tỷ m3 khí đốt Nga tìm được ‘khách sộp’, tạo liên minh phá vỡ vòng cấm vận của Mỹ
Moscow và Tehran mới đây đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc Nga cung cấp cho Iran 55 tỷ mét khối (bcm) khí đốt mỗi năm, dù giá bán cụ thể vẫn đang được đàm phán. Nga cũng cam kết tài trợ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới tại Iran, theo các quan chức hai nước.
Thỏa thuận diễn ra trong bối cảnh Mỹ gia tăng sức ép buộc Iran phải ký một thỏa thuận thanh tra hạt nhân mới, đồng thời tìm cách cô lập Tehran trên trường quốc tế.

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga đã thắt chặt quan hệ với Iran, quốc gia cùng chịu lệnh trừng phạt của phương Tây. Hồi tháng 1, hai bên đã ký hiệp ước đối tác chiến lược. Trước đó, Nga từng hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bushehr, nhà máy đầu tiên của Iran.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Mohsen Paknejad đang có chuyến thăm Moscow trong tuần này. Tại cuộc họp với Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergei Tsivilev ngày 26/4, hai bên đã ký kết thỏa thuận về khí đốt và hạt nhân.

Theo hãng tin Shana, Iran sẽ nhận nguồn tài trợ từ tín dụng của Nga để xây dựng nhà máy điện mới.
Dù sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới, Iran vẫn phải nhập khẩu khí đốt do tình trạng thiếu đầu tư, phần lớn do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ông Tsivilev cho biết Nga dự kiến xuất khẩu 1,8 bcm khí đốt cho Iran trong năm nay, trước khi tăng dần lên mức 55 bcm/năm, tương đương công suất tuyến ống Nord Stream 1 từng nối Nga với châu Âu.
Cũng trong ngày 26/4, ông Paknejad thông báo Iran sẽ ký thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD với các công ty Nga để phát triển 7 mỏ dầu. Sau cuộc họp Ủy ban Hợp tác kinh tế Nga-Iran, hai bên đã ký kết văn kiện ghi nhận các thỏa thuận song phương, nhưng chưa công bố chi tiết.
Năm ngoái, Gazprom đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Khí đốt Quốc gia Iran (NIGC) về việc cung cấp khí đốt qua đường ống, tuy nhiên các tuyến vận chuyển cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. Hai bên cũng thảo luận về việc thành lập một trung tâm phân phối khí đốt khu vực, với khả năng có sự tham gia của Qatar và Turkmenistan.
Hợp tác trong khuôn khổ OPEC+
Ngày 25/4, ông Paknejad đã hội đàm với Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak về tình hình thị trường dầu mỏ toàn cầu và vai trò của OPEC+.
Phát biểu ngày 26/4, ông Paknejad cho biết thị trường dầu thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn do các cuộc chiến thuế quan. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế mạnh lên hàng hóa của nhiều quốc gia, khiến niềm tin kinh doanh và tiêu dùng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Paknejad khẳng định OPEC và các nước đối tác (OPEC+) sẽ đưa ra quyết sách nhằm ổn định thị trường dầu mỏ, song không tiết lộ chi tiết. Theo ba nguồn tin Reuters, nhiều thành viên OPEC+ đang đề xuất tiếp tục tăng sản lượng trong cuộc họp dự kiến diễn ra đầu tháng 5.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục gây áp lực buộc OPEC hạ giá dầu, đồng thời tìm cách đưa xuất khẩu dầu của Iran về mức 0.
Theo Reuters
>> Tăng giá 377% sau 1 ngày: Trung Quốc âm thầm trả đũa, dân Mỹ gánh hậu quả
Mỹ và Iran hoàn tất vòng đàm phán hạt nhân thứ 3 tại Oman
Trung Quốc, Nga, Iran thảo luận về chương trình hạt nhân của Tehran