Bộ Tài chính cảnh báo, trong trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể sẽ không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Đánh giá mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho đa lĩnh vực.
Dù vậy, báo cáo của Bộ cũng cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tồn tại một số rủi ro tiềm ẩn.
Trong năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 49,7%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 50,3%; trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, trái phiếu chủ yếu không có tài sản đảm bảo - chiếm 99% tổng khối lượng phát hành.
Trái phiếu không có tài sản đảm bảo chủ yếu là trái phiếu do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phát hành, chiếm 77,7% tổng khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo.
Đối với trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành, 88,2% khối lượng phát hành là trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, 11,8% khối lượng phát hành là trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
Tài sản đảm bảo của trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84% tổng khối lượng phát hành), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).
Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lại hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Bộ Tài chính cảnh báo, trong trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể sẽ không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng cho biết, có 57 doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tổng số 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021 có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP sẽ quy định chặt chẽ hơn điều kiện phát hành nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp.