6 điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023

06-07-2023 05:49|Minh Anh

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi ở cả trong và ngoài nước; kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm dù vậy vẫn ghi nhận 6 điểm sáng sau:

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ quyết liệt, nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Kinh tế gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm lại, Quốc Hội và Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài Nghị quyết 01/NQ-CPvề nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hôik, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực y tế, các thị trường đất đai, bất động sản, vốn, du lịch, với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và chính sách tiền tệ nới lỏng, linh hoạt…v.v.

Với chính sách tài khóa , Chính phủ ban hành Nghị định 12/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm 1 số thuế, phí năm 2023 với tổng quy mô khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng; Quốc hội cũng đã quyết nghị giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm theo đề xuất của Chính phủ; Nghị định 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và Nghị định 41/2023/NĐ-CP theo đó giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng cuối năm…v.v.

Với chính sách tiền tệ , NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành (từ 0,5-1,5%) nhằm giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế. NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ (nhằm kiểm soát nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp) và Thông tư 03/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16/2021) nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư TPDN của các TCTD, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện tại cho thị trường TPDN. Cùng với đó, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng của 4 NHTM lớn, cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1,5-2% cũng đã chính thức được hướng dẫn triển khai.

Thứ 2 , lĩnh vực dịch vụ phục hồi tốt, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế: Lĩnh vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp gần 79% vào mức tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm nhờ: (i) doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7% (so với mức tăng 20,9% cùng kỳ năm 2022). Đáng chú ý, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng gấp 1,66 lần cùng kỳ năm trước nhờ du lịch quốc tế phục hồi, Việt Nam đã đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp hơn 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước; (ii) lĩnh vực vận tải hành khách và vận tải hàng hóa cùng đạt mức tăng 15,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng vận tải hành khách và vận tải hàng hóa lần lượt là 6,2% và 8,6% của cùng kỳ năm trước; (iii) lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 7,13% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,4 điểm % vào mức tăng chung…v.v.

Thứ 3 là, lạm phát hạ nhiệt, được kiểm soát ở mức phù hợp: CPI bình quân 6 tháng tăng 3,29 % (từ mức tăng 4,89% tháng 1) so với cùng kỳ 2022, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 4,74% (từ mức tăng 5,21% tháng 1) so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng lạm phát giảm ngày càng rõ nét nhờ xu hướng hạ nhiệt của giá hàng hóa - dịch vụ thế giới, sự chủ động, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; lộ trình tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý được điều tiết hợp lý, tạo thêm dư địa mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ.

Thứ 4 là, các cân đối vĩ mô được giữ vững, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định: Lãi suất huy động giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, với mức giảm 1,5-2,5% so với cuối năm 2022 (lãi suất huy động 12 tháng hiện nay phổ biến ở mức 6,3-7,6%/năm) khi NHNN 4 lần hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn; thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện (tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 2,8%, huy động vốn tăng 3,5% so với cuối năm 2022) và nhu cầu tín dụng tăng thấp (tín dụng chỉ tăng 4%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,44% của 6 tháng đầu năm trước) do hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đơn hàng ít và các TCTD vẫn phải duy trì điều kiện cho vay thận trọng khi điều kiện kinh doanh khó khăn, tiềm ẩn nợ xấu.

Trong nửa đầu năm 2023, tỷ giá cơ bản ổn định , trở về mức của tháng 9/2022 (trước khi xảy ra biến động mạnh về tỷ giá và lãi suất). Hết tháng 6/2023, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,36%, trong khi tỷ giá trung tâm tăng 0,7% so với cuối năm 2022. Tỷ giá ổn định khi: (i) đồng USD trên thị trường quốc tế giảm (tính chung 6 tháng giảm 0,34% so với cuối năm 2022); (ii) nhu cầu thanh toán ngoại tệ ở mức thấp khi kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh (-18,2% so với cùng kỳ), thặng dư thương mại ở mức 12,25 tỷ USD; du lịch quốc tế phục hồi; dự trữ ngoại hối tăng lên khi NHNN tiếp tục tăng mua USD.

Thứ 5 là, giải ngân đầu tư công được thúc đẩy và cải thiện rõ nét. Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công tiếp tục đạt được kết quả tích cực với mức thực hiện từ nguồn ngân sách ước đạt 232,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 32,1% và tăng 10,4%). Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm là điểm sáng tích cực, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Thứ 6, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đang dần cải thiện , quý 2 tăng trưởng 4,14% cao hơn quý trước (3,32%); sản xuất Công nghiệp, chỉ số quản trị mua hàng (PMI), xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tình hình doanh nghiệp qua tháng 5 và tháng 6 đã tốt dần lên so với tháng 4 và quý 1.

Nhờ lĩnh vực dịch vụ, GDP quý 2/2023 ước tính tăng 4,14%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/6-diem-sang-trong-nen-kinh-te-viet-nam-nua-dau-nam-2023-190803.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
6 điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023
POWERED BY ONECMS & INTECH