7.000 người nộp đơn xin làm công nhân vệ sinh trong 2 ngày: Chuyện gì xảy ra ở nền kinh tế số 1 Đông Nam Á?
Nhiều người dân Thủ đô Jakarta (Indonesia) đang đua nhau xin gia nhập “đội quân áo cam” giữa lúc khan hiếm việc làm.
Hàng ngàn người dân thủ đô Indonesia xin làm công nhân vệ sinh vì lẽ gì?
Tờ Jakarta Post hôm 8/5 đưa tin, một lượng người lớn chưa từng có tiền lệ đã đổ về Tòa thị chính Jakarta trong vài tuần qua để nộp đơn xin làm công nhân vệ sinh môi trường, cho thấy mối lo ngày càng tăng về tình trạng thất nghiệp và làn sóng sa thải đang diễn ra tại thủ đô của Indonesia – nền kinh tế số 1 Đông Nam Á.

Chính quyền Jakarta đã dành khoảng 1.100 suất việc làm cho Cơ quan Bảo trì Cơ sở Hạ tầng Công cộng (PPSU) trong năm nay và chỉ trong 2 ngày đầu sau khi đợt tuyển dụng bắt đầu vào ngày 22/4, đã có khoảng 7.000 người nộp đơn. Tuần trước, thêm 1.000 đơn đăng ký mới được ghi nhận.
Với đồng phục màu da cam rực rỡ, những công nhân vệ sinh này thường được gọi là “đội quân áo cam” rất dễ nhận ra trên mọi tuyến phố, công viên và khu vực gần các kênh rạch ở Jakarta. Họ đóng vai trò then chốt trong việc dọn dẹp và bảo trì các dịch vụ công cộng trong thành phố.
Công việc này chỉ yêu cầu trình độ học vấn tiểu học và kỹ năng đọc viết cơ bản. Chỉ những cư dân đã đăng ký hộ khẩu tại Jakarta, trong độ tuổi từ 18 đến 58, mới đủ điều kiện ứng tuyển.
Dù không đòi hỏi trình độ học vấn cao, chương trình tuyển dụng này vẫn thu hút cả những người đã tốt nghiệp Đại học, bao gồm chị Atika Nurmalasari (37 tuổi) sống tại khu Duren Sawit, Đông Jakarta.
Một buổi chiều tuần trước tại Tòa thị chính, Atika và chồng mình đã cùng nộp hồ sơ xin ứng tuyển vào vị trí công nhân vệ sinh. Nếu được nhận, cả hai sẽ làm việc theo 3 ca luân phiên, mỗi ca kéo dài 8 tiếng.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á công bố tăng trưởng GDP quý I/2025 thấp hơn kỳ vọng, kém xa Việt Nam
Indonesia hiện tại vẫn là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa khoảng 1.500 tỷ USD (năm 2024), Indonesia là quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất trong khu vực, vượt xa Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Các yếu tố chính giúp Indonesia dẫn đầu gồm: Dân số đông nhất khu vực Đông Nam Á (hơn 285.721.236 người, tính đến ngày 8/5/2025, theo Worldometer) – tạo ra một thị trường nội địa lớn. Tài nguyên thiên nhiên phong phú (than đá, dầu khí, niken…). Chính sách phát triển hạ tầng và cải cách kinh tế ổn định trong những năm gần đây.

Indonesia đã tăng trưởng GDP ở mức 4,87% trong quý I năm 2025 so với cùng kỳ năm trước – mức tăng chậm nhất kể từ quý III năm 2021, theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 5/5. Con số này thấp hơn kỳ vọng 4,91% của các nhà phân tích trong khảo sát của hãng thông tấn Reuters.
So với quý trước, GDP Indonesia (không điều chỉnh theo mùa) đã giảm 0,98%, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Indonesia.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), GDP quý I năm 2025 của Việt Nam ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý đầu tiên các năm trong giai đoạn 2020-2025, còn cao hơn cả Indonesia - nền kinh tế số 1 Đông Nam Á (4,87%).
Còn theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển vọng phát triển châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia đánh giá, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ được sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ gia tăng du lịch trong nước và quốc tế cũng như các ngành công nghiệp công nghệ.
Tăng trưởng kinh tế của Indonesia, vốn giàu tài nguyên, đã dao động quanh mức 5% kể từ sau đại dịch Covid-19. Tổng thống nước này, ông Prabowo Subianto, người nhậm chức vào năm ngoái, đã cam kết nâng tăng trưởng lên mức 8% trong nhiệm kỳ 5 năm, nhưng hiện tại chính quyền của ông đang đối mặt với nhiều thách thức như: tăng trưởng toàn cầu chững lại, căng thẳng thương mại leo thang, nhu cầu trong nước yếu đi và thâm hụt ngân sách ngày càng thắt chặt.
Xuất khẩu sang Mỹ – thị trường chủ lực của Indonesia có thể bị ảnh hưởng trong những tháng tới do nguy cơ chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp thuế cao hơn, trong bối cảnh Jakarta đang đàm phán thương mại với Washington.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, chi tiêu hộ gia đình (chiếm hơn một nửa GDP của Indonesia) chỉ tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất trong 5 quý gần đây, mặc dù đã có lực đẩy từ chi tiêu trong tháng Ramadan và dịp lễ Eid al-Fitr (Ramadan rơi vào tháng 3 năm nay).
Tăng trưởng đầu tư của Indonesia chỉ đạt 2,12%, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Chi tiêu Chính phủ cũng sụt giảm. Điểm sáng duy nhất là xuất khẩu ròng đóng góp tích cực vào GDP của “xứ sở vạn đảo” do nhập khẩu giảm.
Ngành khai khoáng của Indonesia giảm tỷ lệ tăng trưởng khoảng 1% so với cùng kỳ năm trước, do giá than lao dốc và nhu cầu từ thị trường quốc tế yếu đi. Ngoài ra, sản lượng tại mỏ đồng và vàng Grasberg (do Freeport McMoRan vận hành) cũng bị sụt giảm vì bảo trì.
Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp của Indonesia ghi nhận tăng trưởng tích cực 10,5%, nhờ vụ mùa lúa và ngô đạt kết quả tốt hơn so với năm trước.
Theo Jakarta Post/Reuters
>> Gần 10 triệu công chức Nhà nước ở ‘nền kinh tế số 1 Đông Nam Á’ sắp được hưởng trợ cấp đặc biệt