7 hình thức lừa đảo thường được sử dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản
Rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử ngày càng tăng, các hình thức gian lận mới xuất hiện và tinh vi hơn.
Ngày 21/6, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức Hội thảo “An toàn trong hoạt động thanh toán” tại TP. HCM. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Quyết định 2345/QĐ-NHNN sắp có hiệu lực (ngày 1/7/2024).
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay, quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Việt Nam đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã dành khoảng 15.000 tỷ đầu tư cho lĩnh vực công nghệ và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Tính đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VNBA |
>> 16.000 vụ lừa đảo trực tuyến đã xảy ra, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP
Tuy nhiên, khi người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào các giao dịch điện tử, những vấn đề mới về an toàn thanh toán cũng xuất hiện và khó có thể tránh khỏi. Các hình thức gian lận mới xuất hiện và ngày càng tinh vi hơn, gây ra nhiều phiền toái và thiệt hại cho người dùng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra một số thủ đoạn tội phạm công nghệ cao thường xuyên sử dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản như:
Thứ nhất, các đối tượng thường lừa đảo chiếm đoạt thông tin thông qua việc tiếp cận chủ tài khoản, thẻ để giới thiệu các chương trình hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ rút tiền dư trong thẻ tín dụng, đóng hoặc kích hoạt thẻ tín dụng… để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.
Thứ hai, giả danh nhà mạng yêu cầu khách hàng nâng cấp Sim 4G, sau đó đăng ký với nhà mạng để chiếm đoạt Sim và thực hiện các giao dịch gian lận như rút tiền khỏi tài khoản, mua sắm và thanh toán online với các thiết bị điện tử đắt tiền… sau khi nhận mã OTP từ Sim.
>> Cảnh giác với chiêu tuyển dụng 'việc nhẹ lương cao': Một cú click chuột 'bay' luôn tiền tỷ
Thứ ba, yêu cầu các nạn nhân nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng đưa ra. Tuy nhiên, thực chất đây là cú pháp để người dùng dịch vụ cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ. Sau khi người bị hại gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên thì sẽ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại của mình.
Thứ tư, đánh cắp OTP để lấy dữ liệu rồi kết nối ví điện tử, từ đó thực hiện rút tiền qua các ví điện tử. Kẻ gian lợi dụng mời chào khách hàng vay vốn trực tuyến, rồi yêu cầu cung cấp các thông tin, hình ảnh như Chứng minh nhân dân, số thẻ ngân hàng, ngày đến hạn, số CVV, mật khẩu OTP…
Thứ năm, nhiều người dân nhận được tin nhắn giả mạo các ngân hàng thương mại để dẫn dụ vào đường link với mục đích đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng.
Để giả mạo brandname, các đối tượng sẽ di chuyển đến nơi đông người, sau đó phát tán tin nhắn tới các thuê bao lọt vào vùng phủ sóng của trạm BTS giả. Các tin nhắn giả brandname không khác gì tin nhắn thật, khiến điện thoại tự động xếp chung với các tin nhắn thật, người dùng rất khó phân biệt.
>> Hai đối tượng sinh năm 2005 giả làm banker, chiếm đoạt tiền của 22 bị hại
Thứ sáu, lợi dụng việc nhiều người dân chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, các đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ Công an gọi điện thoại cho nạn nhân hẹn đến trụ sở để đồng bộ định danh điện tử hoặc đề nghị nạn nhân cài đặt qua mạng.
Sau đó, thu thập các dữ liệu trong điện thoại của nạn nhân như thông tin sinh trắc học, tin nhắn, danh bạ từ đó tấn công, chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Thứ bảy, giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan Nhà nước đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với vỏ bọc xác minh, điều tra và chiếm quyền sử dụng tài khoản. Hay giả danh người thân nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, TS. Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: VNBA |
Trước những thủ đoạn tinh vi của đối tượng lừa đảo, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh việc tăng cường an ninh thông tin và đảm bảo an toàn thanh toán là rất quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng.
Ông Hùng cho rằng, các ngân hàng cần chủ động nghiên cứu, trang bị các giải pháp, ứng dụng công nghệ, dữ liệu hỗ trợ xác thực thông tin khách hàng/chủ tài khoản ngân hàng. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc đăng ký mở tài khoản và sử dụng tài khoản.
>> Cảnh báo chiêu lừa cho vay tiền qua iCloud làm rò rỉ dữ liệu người dùng
16.000 vụ lừa đảo trực tuyến đã xảy ra, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP
Người phụ nữ bị shipper lừa hơn 420 triệu đồng: Cảnh sát vào cuộc triệt phá ổ lừa đảo