7 phiên giao dịch đầu năm 2025: Vốn hóa sàn HoSE ‘bốc hơi’ hơn 140.000 tỷ đồng, 5 cổ phiếu về đáy lịch sử
Trong 7 phiên giao dịch đầu năm 2025, VN-Index đã giảm hơn 36 điểm và lùi về mốc 1.230. Áp lực điều chỉnh bao trùm thị trường kéo theo nhiều cổ phiếu lao dốc và trượt xuống vùng đáy lịch sử.
Chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch cuối tuần với biến động mạnh khi lực bán áp đảo trên diện rộng. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện với 507 mã giảm, vượt xa số lượng 201 mã tăng, trong đó 29 cổ phiếu giảm kịch sàn. Kết phiên ngày 10/1/2025, VN-Index lùi về 1.230 điểm, giảm hơn 15 điểm so với phiên trước đó.
Tính chung trong 7 phiên đầu năm 2025, chỉ số đã giảm hơn 36 điểm (-2,87%), tương ứng vốn hóa sàn HoSE “bốc hơi” hơn 147 nghìn tỷ đồng về 5.060 nghìn tỷ đồng.
VN-Index giảm hơn 36 điểm trong 7 ngày giao dịch của năm 2025 |
Trước diễn biến tiêu cực của thị trường, nhiều cổ phiếu tiếp tục đối mặt với áp lực bán mạnh, thậm chí chạm đáy lịch sử. Việc VN-Index liên tục suy giảm trong những phiên đầu năm 2025 đang đặt ra thách thức lớn cho tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền chưa có dấu hiệu quay trở lại.
Cổ phiếu NVL thủng mốc 10.000 đồng/cp
Sau nhiều phiên giằng co trong biên độ hẹp trên ngưỡng 10.000 đồng/cp, áp lực bán gia tăng trong phiên ngày 10/1/2025 đã đẩy cổ phiếu Novaland (NVL) giảm 3,2%, xuống 9.920 đồng/cp, đánh dấu mức thấp nhất trong lịch sử niêm yết. Thanh khoản cổ phiếu đạt hơn 8,7 triệu đơn vị, tăng 55% so với khối lượng trung bình 20 phiên gần nhất, cho thấy áp lực thoát hàng vẫn rất lớn.
Cổ phiếu Novaland (NVL) về dưới mệnh giá |
GKM Holdings - Cổ phiếu từng dính bê bối thao túng giá
Từng gây xôn xao thị trường với chuỗi 10 phiên giảm sàn liên tiếp vào cuối tháng 9 - đầu tháng 10/2024, cổ phiếu GKM tiếp tục chịu áp lực bán mạnh và lùi về 4.400 đồng/cp, chính thức thủng đáy lịch sử. Trong quá khứ, cổ phiếu này từng dính bê bối thao túng giá khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Việt Hà vào cuối năm 2023. Khi đó, thị giá GKM từng bị đẩy tăng hơn 380% chỉ trong nửa năm trước khi lao dốc mạnh.
Lộc Trời (LTG): “ Trầy trật” trước nhiều biến cố
Sau án phạt hạn chế giao dịch vào tháng 10/2024, cùng những biến động về nhân sự và kết quả kinh doanh kém khả quan, cổ phiếu LTG dần khiến cho nhà đầu tư mất niềm tin. Thị giá theo đó “bốc hơi” hơn 70% so với đỉnh cũ. Chốt phiên ngày 10/1/2025, LTG tiếp tục giảm 4% xuống 7.200 đồng/cp, chính thức chạm đáy lịch sử.
Cổ phiếu LTG thủng đáy lịch sử |
MEL - Cú trượt dài về đáy lịch sử
Từng là tâm điểm của dòng tiền vào năm 2021 khi giá thép tăng cao giúp lợi nhuận doanh nghiệp bứt phá, cổ phiếu Thép Mê Lin (MEL) đã có chuỗi tăng hơn 170%, mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau giai đoạn thăng hoa, cổ phiếu liên tục lao dốc, mất hơn 70% giá trị, từ vùng 19.x về 5.x như hiện tại. Kết phiên ngày 10/1, MEL giảm kịch sàn và chính thức thủng đáy lịch sử.
HIO - Tân binh ngành năng lượng "bốc hơi" hơn 70% giá trị
CTCP Helio Energy là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo… Vào tháng 10/2023, 21 triệu cổ phiếu HIO chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán HNX.
Sau đà tăng hơn 100% từ 16.x và tạo đỉnh lịch sử 32.x vào tháng 5/2024, thị giá HIO nhanh chóng lao dốc và “bốc hơi” hơn 70% giá trị trong vòng hơn 18 tháng. Kết phiên ngày 10/1, HIO giao dịch tại mức 9.200 đồng/cp và vận động quanh vùng đáy lịch sử.
Lãnh đạo MB cập nhật tình trạng khoản cho vay tại Novaland (NVL) và Trung Nam
Hành trình Vinashin và Vinalines sau 10 năm: Hai con tàu mới có một 'tiếng hát'