Vĩ mô

75% doanh nghiệp phải huy động vốn từ bạn bè, vay mượn qua các kênh phi chính thống

Khúc Văn 28/11/2024 - 11:50

Tiếp cận vốn là một trong những khó khăn của doanh nghiệp khi phát triển. Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính chính thống qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm 25%.

Hơn 60% gặp vấn đề về nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 11/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, chính sách tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn nhiều trở ngại, nhu cầu vốn của nhóm doanh nghiệp này vẫn chưa được đáp ứng.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chiến lược, định hướng và giải pháp nhằm sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh minh họa)
Hơn 60% gặp vấn đề về nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng.

Ông Ngô Thành Huấn, CEO CTCP tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT - đơn vị tư vấn cho khoảng 300 khách hàng cá nhân là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết:

“Có tới hơn 60% gặp vấn đề về nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng. Thậm chí, có những doanh nghiệp dù đã thành lập được nhiều năm nhưng vẫn chưa có khoản vay tại ngân hàng. Việc thiếu vốn đã kìm hãm sự phát triển của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Huấn nói.

Ông Huấn phân tích: “Đặc điểm thường thấy ở nhóm doanh nghiệp này là thiếu năng lực hoạch định tài chính, thiếu định hướng về dòng tiền. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng không có hóa đơn đầu vào, nhập tiểu ngạch, dẫn đến việc không đủ các yếu tố để lập báo cáo tài chính.

Thiếu hiểu biết về cơ chế, chính sách, các gói tín dụng của các định chế tài chính; thiếu tính minh bạch trong hồ sơ tài chính; thiếu tài sản đảm bảo là những lý do khiến các ngân hàng không mặn mà với nhóm doanh nghiệp này”.

“Thậm chí, dù tiếp cận được vốn tín dụng nhưng thời gian giải ngân lâu khiến các doanh nghiệp lỡ mất cơ hội mở rộng kinh doanh. Kết quả là nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đau đầu với bài toán về vốn, có những người buộc phải bán nhà, bán đất, bán cả xe để có thêm nguồn vốn kinh doanh”, ông Huấn chia sẻ.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt đầu chú trọng đến cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc triển khai nhiều gói vay ưu đãi, đẩy mạnh cho vay trực tuyến, giảm thủ tục, tăng tốc độ giải ngân khoản vay...

Phía Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm thủ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay.

Ngoài ra, Chính phủ còn phát triển thêm các kênh hỗ trợ vốn khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là 3 quỹ hỗ trợ, bao gồm Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, dư nợ cho vay của các quỹ này vẫn còn thấp. Số lượng các quỹ hoạt động cũng không nhiều, nguồn vốn cũng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu vay vốn ngày càng cao của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nhiều địa phương.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính chính thống qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm 25%. Còn lại, đến 75% doanh nghiệp vẫn phải huy động từ bạn bè, vay mượn qua các kênh phi chính thống.

>>Nghiên cứu gói lãi suất 0 đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị bão lũ

Doanh nghiệp phải tự nâng cao khả năng tiếp cận vốn

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội chiếm từ 80% đến nay lên 98,2% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, tạo việc làm cho 55,1% lao động…

ngành dệt may Việt Nam đang có những bước tiến tích cực nhờ sự hỗ trợ từ các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng mới. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, và tìm kiếm cơ hộ
Doanh nghiệp phải tự nâng cao khả năng tiếp cận vốn.

Từ đầu năm đến nay doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm so với cùng kỳ; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so cao với cùng kỳ. Hiện phần lớn các doanh nghiệp đều khó khăn về nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất. Do đó việc tiếp cận được các nguồn vốn vay lãi suất thấp là vấn đề ưu tiên.

Ông Mạc Quốc Anh đánh giá các giải pháp ngân hàng hỗ trợ ngày càng đa dạng. Không chỉ cho vay về sản xuất, vấn đề trả lương mà còn có gói cho vay về nhập nguyên liệu của doanh nghiệp, cho vay trong quá trình sản xuất để đổi mới công nghệ, cho vay đảm bảo yếu tố thanh toán… hoặc các gói ưu đãi phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó ngân hàng cũng cho vay theo chuỗi cung ứng nên doanh nghiệp cần tham gia sản xuất theo chuỗi để dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng mà còn có thể tiếp cận vốn từ trái phiếu, tín phiếu, thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư từ phía bên ngoài…

Để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn, theo ông Mạc Quốc Anh, trước hết doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, về sản phẩm, dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, ông Quốc Anh đề nghị các ngân hàng nên có những gói hỗ trợ lãi vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, để các doanh nghiệp này có thể nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Hà - Giám đốc quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu chính của quỹ là hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp yếu thế, ưu tiên cho doanh nghiệp trong nhóm khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp xanh, với tổng nguồn vốn 837,2 tỷ đồng.

Hiện nay các doanh nghiệp đã tiếp cận được 666 tỷ đồng, tương đương khoảng 80% tổng vốn. Ngoài ra, quỹ xem xét giải ngân theo hồ sơ đang thẩm định theo các tiêu chí trên.

Theo ông Hà, để vay từ nguồn vốn trên, doanh nghiệp không khó tiếp cận. Điều quan trọng là hướng dẫn chính sách, quảng bá tuyên truyền để làm sao doanh nghiệp hiểu, kết nối tiếp cận và giải ngân vốn nhanh.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, hiệp hội mong muốn các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có thêm hiểu biết về kiến thức tài chính và hiệp hội luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ khai thác các nguồn tài trợ từ Nhà nước, các bộ, ngành và từ dự án để tổ chức thêm một số chương trình nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/75-doanh-nghiep-phai-huy-dong-von-tu-ban-be-vay-muon-qua-cac-kenh-phi-chinh-thong-262445.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    75% doanh nghiệp phải huy động vốn từ bạn bè, vay mượn qua các kênh phi chính thống
    POWERED BY ONECMS & INTECH