8 tuyến cao tốc được chạy 90 km/h: Khách tiết kiệm thời gian, tài xế đỡ tốn xăng
Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan cắm biển nâng tốc độ tối đa từ 80 km/h lên 90 km/h đối với 8 tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc điều chỉnh nâng tốc độ khai thác đối với đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế 4 làn xe cơ giới có dải phân cách giữa (2 làn mỗi chiều) lên 90 km/h.
Theo đó, có 8 đoạn tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế có thể khai thác với tốc độ tối đa 90 km/h thay vì 80 km/h như hiện nay với ô tô con, xe khách đến 30 chỗ, xe tải đến 3,5 tấn.
Các đoạn tuyến này gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Lào Cai - Kim Thành.
Riêng đối với tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài 15km, do tuyến có 4 cầu không có dải phân cách cứng liên tục, không đảm bảo chiều dài đoạn tăng tốc theo yêu cầu, trước mắt chưa điều chỉnh tăng tốc độ khai thác cho đến khi tuyến đường được nâng cấp mở rộng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ trước quyết định của Bộ GTVT về việc nâng tốc độ đối với 8 tuyến cao tốc trên.
Theo ông Liên, việc này giúp quá trình di chuyển của hành khách thuận lợi hơn. Đặc biệt đối với những xe chở hàng, việc tiết kiệm thời gian đồng nghĩa với tiết kiệm nhiên liệu mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho doanh nghiệp.
Ông chia sẻ từng đi thử xe khách từ Hà Nội - Vinh bằng đường cao tốc khi đường cắm biển tốc độ tối đa 80 km/h. “Đường vắng, đẹp, xe đi ban đêm nhưng bị giới hạn tốc độ nên thời gian di chuyển không như kỳ vọng. Đường cao tốc mà bị giới hạn tốc độ chạy còn chậm hơn Quốc lộ 1A là sự vô lý, gây lãng phí thời gian đối với hành khách và lãng phí xăng dầu đối với doanh nghiệp vận tải”, ông Liên nói.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hanh (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, việc nâng tốc độ các tuyến cao tốc 4 làn xe có dải phân cách cứng là cần thiết.
Tuy nhiên, theo anh Hanh, một số vụ việc ô tô đi ngược chiều trên các tuyến cao tốc gần đây cho thấy sẽ càng nguy hiểm khi tốc độ tối đa được nâng lên. Do đó, anh kiến nghị cơ quan chức năng bố trí khoa học các biển báo, hướng dẫn lối vào cao tốc để tài xế dễ quan sát, tránh đi nhầm đường hoặc loay hoay không tìm được lối ra.
Được biết, để triển khai việc cắm biển 90km/h, Bộ GTVT giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo các ban quản lý dự án, chủ đầu tư các dự án rà soát các tuyến đường đang quản lý khai thác hoặc khai thác tạm, kiểm tra các yếu tố kỹ thuật đảm bảo đáp ứng đạt vận tốc khai thác 90 km/h theo quy định. Quá trình điều chỉnh biển báo hiệu tốc độ phải đảm bảo các giải pháp kỹ thuật cần thiết để khai thác đồng bộ, an toàn.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, các đoạn tuyến cao tốc gồm cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Trung Lương - Mỹ Thuận; Tuyên Quang - Phú Thọ đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tuyên Quang đầu tư 4 làn xe cơ giới, có dải phân cách cứng phân chia hai chiều xe chạy và cho phép khai thác với vận tốc tối đa là 90 km/h. Trong thời gian khai thác vừa qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ổn định.
Vì vậy Cục Đường bộ kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư đang xây dựng, quản lý đường cao tốc, các cơ quan quản lý các đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới có quy mô tương đồng, có dải phân cách cứng phân chia hai chiều xe chạy, tổ chức cắm, điều chỉnh biển tốc độ tối đa cho phép 90 km/h và điều chỉnh biển báo giữ khoảng cách an toàn với tốc độ này.
Nâng tốc độ tối đa 8 tuyến cao tốc lên 90km/h
'So găng' ba nhà thầu tham gia gói thầu thành phần cao tốc Bến Lức - Long Thành