ADB: Bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thể lan tỏa sang ngân hàng
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ADB cho rằng tâm lý thị trường đã phần nào ổn định do các quy định được sửa đổi kịp thời và các chính sách hoãn trả nợ, gồm cả tái cơ cấu trái phiếu.
Tại báo cáo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO), ADB cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang bị thu hẹp, chủ yếu do những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản.
Cùng với đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề so với tổng tín dụng ngân hàng là tương đối nhỏ, nhưng những bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thể gây hiệu ứng lan tỏa sang khu vực ngân hàng.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024. |
GDP 2023 chỉ ở mức 5,8%
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4 năm 2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%.
Lý giải nguyên nhân của sự chậm lại này, ADB cho rằng nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu.
Theo đó, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam chia sẻ: “Môi trường bên ngoài yếu kém, gồm cả sự phục hồi chậm chạp tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, mức lạm phát vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại".
Theo ADB, trong khi sản xuất công nghiệp của Việt Nam bị thu hẹp do nhu cầu toàn cầu sụt giảm thì các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng, và dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo.
Ở trong nước, ADB cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cấu trúc trong nội tại nền kinh tế là những nguy cơ chính dẫn tới giảm tốc tăng trưởng.
Ở bên ngoài, tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể và sự phục hồi yếu ở Trung Quốc vẫn là nguy cơ đối với triển vọng kinh tế. Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền VNĐ.
Trái phiếu doanh nghiệp không còn đáng lo, tâm lý thị trường ổn định trở lại
Theo ADB, trong 8 tháng đầu năm, áp lực lạm phát giảm nhẹ nhờ giá dầu giảm và tỷ giá hối đoái ổn định, Mặc dù lạm phát chung đạt mức trung bình 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản (loại bỏ tác động của các yếu tố tạm thời) vẫn ở mức cao 4,6%.
Cơ quan này khẳng định việc tăng trưởng thấp và lạm phát ở mức vừa phải dẫn đến việc Chính phủ theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. Trong tháng 6 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản. Đây là lần điều chỉnh lãi suất điều hành thứ 4 trong năm nay.
Lãi suất tái cấp vốn giảm còn 4,5%, lãi suất tái chiết khấu giảm còn 3,0%, và lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại cũng giảm tương ứng 1,0%.
Để hỗ trợ những khách hàng gặp khó khăn, vào ngày 23/4/2023, ngân hàng trung ương đã cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ các khoản vay kinh doanh và tiêu dùng và giữ nguyên nhóm nợ cho đến ngày 30.6.2024.
Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng vẫn yếu, phản ánh những khó khăn của nền kinh tế thực. Tăng trưởng tín dụng ước đạt 9,3% trong nửa đầu năm 2023, so với mức tăng trưởng 16,8% của cùng kỳ năm trước. Tổng phương tiện thanh toán giảm còn 5,3% trong nửa đầu năm 2023 từ mức 9,2% cùng kỳ năm trước.
“Chính sách tiền tệ linh hoạt cùng với việc thay đổi lãi suất điều hành thích ứng và tỷ giá hối đoái ổn định đã giúp nền kinh tế dần phục hồi. Đồng Việt Nam mất giá 1,0% so với USD trong nửa đầu năm 2023”, ADB nêu.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ADB cho rằng thị trường này tại Việt Nam đang thu hẹp, chủ yếu do những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản. Tâm lý thị trường đã phần nào ổn định do các quy định được sửa đổi kịp thời và các chính sách hoãn trả nợ, gồm cả tái cơ cấu trái phiếu. Tuy nhiên, lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu bất động sản, đã sụt giảm đáng kể.
Đặc biệt, ADB cho rằng dư nợ trái phiếu có vấn đề so với tổng tín dụng ngân hàng là tương đối nhỏ, nhưng những bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thể gây hiệu ứng lan tỏa sang khu vực ngân hàng.
Để giúp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng mua lại trái phiếu chưa niêm yết có xếp hạng nội bộ cao nhất mà không cần phải chờ một năm sau khi bán. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở.
Minh bạch để thị trường bất động sản hết cảnh đầu cơ
Vụ Vạn Thịnh Phát: Đề nghị xem xét lại, tòa nhà Times Square từng được định giá hơn 60.000 tỷ đồng