Tịch thu toàn bộ tài sản, tử hình Chủ tịch nhận hối lộ 6.500 tỷ, giấu 3 tấn tiền mặt, hàng chục thỏi vàng
Vụ việc diễn ra vào năm 2021, gây chấn động với quy mô khổng lồ – được xem là lớn nhất trong những năm gần đây.
Tháng 1/2021, Trung Quốc đã tuyên án tử hình đối với Lai Xiaomin – Chủ tịch Công ty Quản lý Tài sản Nhà nước Huarong, một trong bốn tổ chức quản lý tài sản Nhà nước lớn nhất nước này.
Bản án được xem là một trong những hình phạt nghiêm khắc nhất trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.

Theo Tòa án thành phố Thiên Tân, từ năm 2008 đến 2018, Lai bị kết luận đã nhận hối lộ tổng cộng 1,79 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 6.540 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Toàn bộ tài sản cá nhân của ông bị tịch thu theo phán quyết của tòa.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã công bố nhiều cáo buộc liên quan đến lối sống xa hoa và hành vi vi phạm pháp luật của Lai.

Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) và Ủy ban Giám sát Quốc gia (NCC), trong thời gian lãnh đạo Huarong, Lai không chỉ nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền mà còn sử dụng công quỹ cho các buổi tiệc xa hoa và chi trả cho các chuyến nghỉ dưỡng của người thân. Ông cũng bị cáo buộc có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ.
Tạp chí Tài chính Caixin cho biết, những người thân cận và thuộc nội bộ công ty mô tả Lai là người đam mê tiền bạc, phụ nữ và quyền lực. Cựu quan chức này được cho là sở hữu hơn 100 bất động sản, quen biết hơn 100 quan chức cấp cao và có mối quan hệ tình ái với hơn 100 phụ nữ, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng trong ngành giải trí và nhân viên của Huarong.
Đặc biệt, nhà chức trách phát hiện khoảng 270 triệu Nhân dân tệ tiền mặt (hơn 986 tỷ đồng), nặng khoảng 3 tấn được cất giữ tại nhiều bất động sản của ông ở Bắc Kinh, cùng hàng loạt tài sản giá trị khác như đồng hồ xa xỉ, xe hơi, vàng và bộ sưu tập nghệ thuật quý hiếm.

Luật sư Mo Shaoping tại Bắc Kinh nhận định: “Vụ việc của Lai có quy mô khổng lồ, là một trong những vụ án nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây và đã gây phẫn nộ trong dư luận”. Ông cho rằng đây là “lời cảnh báo mạnh mẽ” từ chính quyền đối với nạn tham nhũng trong bộ máy.
Tòa án Thiên Tân kết luận, hành vi của Lai “gây nguy hại nghiêm trọng đến an ninh tài chính quốc gia và sự ổn định hệ thống tài chính”.

Lai Xiaomin sinh năm 1962 tại Thụy Kim, tỉnh Giang Tây trong một gia đình nghèo đông con. Nhờ học lực xuất sắc, ông thi đỗ vào Học viện Kinh tế Tài chính Giang Tây năm 1979 với điểm cao nhất thành phố.
Sau khi tốt nghiệp năm 1983, ông làm việc tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Nhờ cải cách ngành ngân hàng và chính sách trọng dụng nhân tài trẻ, Lai được bổ nhiệm làm Phó phòng khi mới 25 tuổi, rồi thăng tiến nhanh chóng.
Trong suốt 20 năm tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trước khi chuyển sang Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc năm 2003.
Đến năm 2012, ông được tạp chí The Banker (Anh) bình chọn là 1 trong “10 nhân vật tài chính hàng đầu Trung Quốc”. Cũng trong năm này, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Huarong, đánh dấu đỉnh cao quyền lực và cũng là khởi đầu cho sự sụp đổ gây chấn động của ông.