Đây là khoản nợ được vay từ các năm 2000, 2003, 2005 và 2006 của Nông trường Sông Hậu.
Ngày 15/12 tới, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ bán đấu giá khoản nợ được vay từ các năm 2000, 2003, 2005 và 2006 của Nông trường Sông Hậu.
Giá trị ghi sổ khoản nợ của Nông trường Sông Hậu tại Agribank Chi nhánh TP.Cần Thơ tạm tính đến ngày 30/3/2021 là 348,9 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 96,9 tỷ đồng nhưng nợ lãi lên tới 252 tỷ đồng.
Mức giá khởi điểm mà Agribank đưa ra là 98,5 tỷ đồng, chỉ xấp xỉ bằng với dư nợ gốc của Nông trường Sông Hậu.
Từ cuối tháng 4/2022, Agribank đã nhiều lần đưa khoản nợ này ra đấu giá nhưng bất thành. Sau nhiều lần được đấu giá, giá khởi điểm của khoản nợ hạ từ 348,8 tỷ đồng trong lần đầu tiên, xuống 228,9 tỷ trong các lần tiếp theo và giảm xuống như hiện nay.
Agribank lưu ý, tiền lãi tiếp tục phát sinh từ ngày 30/3/2021 cho đến khi Nông trường Sông Hậu thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại Agribank chi nhánh TP.Cần Thơ.
Lãi suất khoản nợ nêu trên được tính theo các hợp đồng cấp tín dụng do Agribank thông báo. Việc điều chỉnh lãi suất khoản nợ được điều chỉnh theo quy định từng thời kỳ.
Khoản nợ nêu trên được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy”. Người tham gia đấu giá được tạo điều kiện xem hồ sơ khoản nợ đấu giá mà Agribank Chi nhánh Cần Thơ hiện có, và hoàn toàn chịu trách nhiệm khi quyết định mua khoản nợ đấu giá.
Nông trường Sông Hậu được thành lập từ năm 1979, đến năm 1992, UBND tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước Nông trường Sông Hậu với 100% vốn Nhà nước.
Thời cao điểm, nông trường có tới 14 phân xưởng chế biến lương thực, thực phẩm, đóng hộp hàng nông sản, một nhà máy chế biến thủy hải sản, một nhà máy chế biến gỗ hoạt động rôm rả cả ngày đêm, doanh số sản phẩm trên 1.000 tỷ đồng/năm.Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cơ chế, cạnh tranh khắc nghiệt, nông trường gặp nhiều khó khăn, nợ vay ngân hàng ngày càng lớn dẫn tới kinh doanh thua lỗ. Đến ngày 30/6/2019, lỗ lũy kế của Nông trường Sông Hậu là 452 tỷ đồng, lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm này, Nông trường Sông Hậu nợ quá hạn ngân hàng chưa được xử lý hơn 409 tỷ đồng, trong đó nợ Agribank chi nhánh Cần Thơ gần 260 tỷ đồng, nợ Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Cần Thơ hơn 149 tỷ đồng.
Để tháo gỡ những khó khăn tài chính kéo dài nhiều năm của Nông trường Sông Hậu, năm 2019 UBND TP. Cần Thơ quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của nông trường sang mô hình Công ty TNHH hai thành viên.
Chuyện hi hữu trong phiên đấu giá khoản nợ 200 lượng vàng của Agribank
Lãi suất ngân hàng hôm nay 25/11/2024: Thêm ngân hàng tăng lần 2 trong tháng
Lãnh đạo ngân hàng nêu lý do khó giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội