Ai có thể cứu nổi De Beers: Nhà chế tác kim cương bậc nhất thế giới lao đao vì sản phẩm nhân tạo, sắp phải 'bán mình'

28-05-2024 09:38|Hoàng Yến

Doanh thu của De Beers giảm 1/3 trong năm ngoái, khiến tập đoàn Anglo American (sở hữu 85% cổ phần) phải ghi giảm giá trị khoản đầu tư của mình từ 7,6 xuống chỉ còn 1,6 tỷ USD.

Tháng 2/1908, người chế tác kim cương nổi tiếng Joseph Asscher phải xử lý một viên kim cương đặc biệt. Đó chính là Cullinan, viên kim cương thô lớn nhất thế giới từng được tìm thấy trên Trái đất. Với khối lượng lên đến hơn 3.000 cara, viên kim cương được tìm thấy ở Nam Phi cứng đến nỗi trong lần xử lý đầu tiên để chia nhỏ nó, lưỡi dao của Asscher đã bị gãy. Ngày nay, ngành kim cương cũng đang gặp phải một thách thức lớn: công ty quan trọng nhất của ngành này đang phải đối mặt với nguy cơ bị chia tách.

Sau khi từ chối lời đề nghị thâu tóm của BHP (công ty khai mỏ lớn nhất thế giới), vào ngày 14/5, công ty mẹ của De Beers là Anglo American thông báo sẽ thực hiện một cuộc tái cấu trúc sâu rộng. Ngoài bán đi mảng khai thác than đá, nickel và platinum, công ty khai khoáng của Anh còn thoái 85% cổ phần ở De Beers. 15% còn lại thuộc sở hữu của Botswana, nơi những mỏ kim cương lớn nhất của De Beers tọa lạc.

>> Công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới sắp ra đời sau thỏa thuận 39 tỷ USD

BHP có thời hạn đến 29/5 để đưa ra lời đề nghị mới cho Anglo. Nhưng dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, việc thay đổi chủ sở hữu của De Beers sẽ đặt dấu chấm hết cho một trong những mối quan hệ lâu năm nhất trong lịch sử của hãng. Ernest Oppenheimer, nhà sáng lập Anglo American, đã tham gia hội đồng quản trị De Beers từ năm 1926. Còn đối với ngành kim cương, đây sẽ là sự xáo trộn lớn nhất kể từ năm 2000, khi De Beers từ bỏ chính sách cố gắng kiểm soát giá kim cương bằng cách quản lý chặt nguồn cung.

Cú sốc với De Beers

Ai có thể cứu nổi De Beers: Nhà chế tác kim cương bậc nhất thế giới lao đao vì sản phẩm nhân tạo, sắp phải 'bán mình'
De Beers đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn

Có thể nói Anglo đã chọn đúng thời điểm tồi tệ nhất để bán De Beers. Doanh thu của De Beers giảm 1/3 trong năm ngoái, khiến Anglo phải ghi giảm giá trị khoản đầu tư của mình từ 7,6 xuống chỉ còn 1,6 tỷ USD. Công ty đổ lỗi cho lực cầu yếu ớt ở Mỹ và Trung Quốc. Và đáng lo ngại hơn là mối đe dọa từ những viên kim cương nhân tạo có vẻ ngoài rất giống kim cương của De Beers nhưng có giá chỉ bằng 1/5.

Theo chuyên gia phân tích Paul Zimnisky, kim cương nhân tạo sẽ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của thị trường kim cương toàn cầu trong năm nay. Người tiêu dùng trước đây trung thành với vẻ đẹp của những viên kim cương có tuổi đời có thể lên tới cả tỷ năm đang dần chuyển sang kim cương nhân tạo vốn đa dạng hơn. Một nửa số nhẫn đính hôn được bán ra ở Mỹ trong năm nay là gắn kim cương nhân tạo. Hãng trang sức Pandora cho biết doanh số bán kim cương nhân tạo trong quý I năm nay tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vậy thì chủ sở hữu mới của De Beers nên lo lắng đến đâu? Có thể coi De Beers như một niềm tự hào, một vật báu giữa thời buổi đầy rẫy những viên kim cương nhân tạo. Tuy nhiên, những người quá tự tin vào luận điểm này có nguy cơ mắc sai lầm khi áp đặt quá nhiều lý trí vào mô hình kinh doanh vốn thiên về cảm tính. Để tự cứu lấy mình, De Beers phải thuyết phục được khách hàng phân biệt được hai loại kim cương rất giống nhau này. Thậm chí De Beers còn phải thuyết phục khách hàng nộp cho họ hàng chục nghìn USD đổi lấy 1 viên đá ngay lần xem lần đầu tiên. Dẫu vậy, điều này không phải là không thể.

Người mua tiềm năng

Khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn giữa kim cương tự nhiên và kim cương nhân tạo sẽ góp phần thực hiện điều đó. Với Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường cạnh tranh nhằm tạo ra nguồn cung kim cương nhân tạo vô tận, kim cương nhân tạo càng rẻ hơn so với kim cương tự nhiên thì mức độ hấp dẫn của chúng trong mắt khách hàng sẽ càng giảm bởi người mua coi kim cương là 1 thứ để thể hiện đẳng cấp hoặc là vật gia truyền.

De Beers cũng cần phải tìm lại sức mạnh trong khâu marketing. Trong thế kỷ XX, công ty chi rất nhiều tiền cho quảng cáo. Tuy nhiên đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối kim cương máu, De Beers dường như đã thu mình lại và không muốn nhắc đến vai trò là nhà cung ứng kim cương hàng đầu thế giới. Những thông điệp truyền đi cũng không còn hấp dẫn như trước.

The Economist nhận định, bất kỳ ai muốn mua De Beers đều phải làm được 2 việc: tạo ra những phép màu marketing và điều hành mỏ khai thác trơn tru. Trên thị trường hiếm có công ty nào như vậy. Nếu BHP mua Anglo, chắc chắn tập đoàn này sẽ ưu tiên mảng khai thác đồng (chính BHP đã ngừng kinh doanh kim cương từ 1 thập kỷ trước). Một số người nghĩ đến Chính phủ Botswana nhưng điều đó rất ít có khả năng xảy ra.

Điều này dẫn đến 2 trường hợp: De Beers nhập vào 1 ông lớn xa xỉ hoặc về tay các quỹ đầu tư Trung Đông. Họ có nguồn lực tài chính dồi dào. Dubai đang nhanh chóng nổi lên là một trung tâm giao dịch kim cương. Chủ tịch của Richemont, chủ sở hữu De Beers, mới đây đã khẳng định sẽ không mua lại. LVMH với thương hiệu trang sức Tiffany trở thành lựa chọn khả thi hơn cả. Trong lựa chọn này, ít nhất thì một bộ trang sức và kim cương đắt tiền sẽ song hành cùng với những bộ quần áo hàng hiệu, De Beers sẽ không cảm thấy lạc lõng.

>> Vụ Red Lobster phá sản: Cổ đông Thái Lan đã khiến chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất thế giới sụp đổ như thế nào?

Đội đào kim cương phát hiện con tàu đắm chở ‘kho báu’ đầy vàng trị giá gần 300 tỷ đồng, hé lộ bí ẩn làm thay đổi hoàn toàn lịch sử động vật học

Chiêm ngưỡng thị trấn 'lọt thỏm' trong hố thiên thạch, nhà nào cũng được xây bằng kim cương nhờ trữ lượng 'khủng' lên đến 72.000 tấn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ai-co-the-cuu-noi-de-beers-nha-che-tac-kim-cuong-bac-nhat-the-gioi-lao-dao-vi-san-pham-nhan-tao-sap-phai-ban-minh-236351.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ai có thể cứu nổi De Beers: Nhà chế tác kim cương bậc nhất thế giới lao đao vì sản phẩm nhân tạo, sắp phải 'bán mình'
POWERED BY ONECMS & INTECH