Trở thành cổ đông lớn nhất vào năm 2020, Thai Union đứng sau nhiều quyết định sai lầm của Red Lobster.
Thiệt hại khổng lồ vì khuyến mãi
Mùa hè năm ngoái, chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất thế giới Red Lobster tung ra một chương trình khuyến mại gây sốc: khách có thể được ăn tôm hùm thoải mái, không giới hạn với chi phí 20 USD.
“Tôm hùm bất tận” vốn là chương trình rất thành công mà chuỗi nhà hàng Mỹ đã triển khai đều đặn hàng năm trong suốt 20 năm qua, nhưng chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, một cổ đông lớn mới gia nhập là Thai Union (vốn là một công ty hải sản đóng hộp có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan) lại cho rằng đây chính là chìa khóa để Red Lobster giải quyết lượng lớn tôm dư thừa. Cuối cùng món “tôm hùm bất tận” đã xuất hiện trên thực đơn hàng ngày.
Sự thay đổi này khiến Red Lobster phải trả một cái giá khá đắt: 11 triệu USD. Cuối tuần trước, công ty buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản và đang tiến hành điều tra về chương trình khuyến mãi nổi tiếng.
Red Lobster từng thống trị thị trường F&B ở Mỹ |
Theo hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý, dưới thời vị CEO được chỉ định theo ý của Thai Union, Red Lobster đã xóa bỏ 2 nhà cung cấp tôm, cho phép công ty Thái Lan độc quyền cung cấp tôm cho toàn bộ chuỗi. Điều này khiến chi phí tăng cao và không tuân thủ quy tắc của công ty là chọn lựa nhà cung cấp dựa trên dự báo về nhu cầu.
Nhưng “tôm hùm bất tận” không phải là thứ duy nhất đẩy Red Lobster xuống vực. Theo những cựu lãnh đạo của công ty và các chuyên gia phân tích trong ngành, rắc rối của Red Lobster còn xuất phát từ các nhà đầu tư, công ty mẹ và năng lực quản lý yếu kém của Thai Union.
Bên cạnh đó còn là những chuỗi đồ ăn nhanh bùng nổ như Chipotle hay Chick-fil-A trong 2 thập kỷ vừa qua. Red Lobster cũng trải qua nhiều năm không chú trọng đầu tư vào khâu marketing, quản lý chất lượng thực phẩm, dịch vụ và cũng không nâng cấp nhà hàng. Tất cả dẫn đến chuỗi không thể thu hút các thực khách thế hệ Millennials, bên cạnh tệp khách hàng lõi là những người thuộc thế hệ Baby Boomer.
“Red Lobster từng thống trị thị trường và đã tạo ra cuộc cách mạng trong cách người Mỹ thưởng thức hải sản. Tuy nhiên công ty đã không thể duy trì được lợi thế đó trong thời đại mới”, Alex Susskind, giáo sư ngành F&B tại ĐH Cornell nhận xét.
Một thời vang bóng
Khi nhà hàng đầu tiên khai trương năm 1968 ở Lakeland, Florida, “casual dining” (thuật ngữ mô tả nhà hàng phục vụ các món ăn có mức giá hợp lý trong một bầu không khí thoải mái) là bí quyết để Red Lobster thu hút thực khác. Trong số hai nhà sáng lập Bill Darden và Charley Woodsby, Darden sở hữu một vài nhà hàng trong chuỗi của Howard Johnson, một trong những thương hiệu đầu tiên đưa ra khái niệm “casual dining”.
Với khẩu hiệu “thoải mái và giá cả hợp lý với mọi gia đình”, Red Lobster nhìn thấy cơ hội kiếm tiền bằng cách mang hải sản đến cho những người sống không gần biển với mức giá hợp lý hơn so với các nhà hàng cao cấp.
Thông báo đóng cửa ở một nhà hàng Red Lobster |
2 năm sau đó, General Mills mua lại thương hiệu này. Đến đầu những năm 1970, nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của General Mills trong khâu quảng cáo, Red Lobster mở một loạt nhà hàng ở phía Nam. Họ trở thành chuỗi nhà hàng bình dân đầu tiên quảng cáo trên truyền hình.
Đến năm 1978, Red Lobster đã có 236 nhà hàng có đạt doanh thu 291 triệu USD. Năm 1985, con số tăng lên 372 nhà hàng và doanh thu 834 triệu USD.
Ngã rẽ đến vào năm 1995, khi General Mills tách bộ phận nhà hàng thành 1 công ty mới có tên Dardan Restaurants. Red Lobster ngày càng tụt hậu, đến năm 2008 bị Darden vượt mặt về doanh thu. Và nhà sáng lập Darden cũng ngừng đầu tư vào Red Lobster, khiến mọi thứ đi xuống nhanh chóng.
Năm 2014, Darden bán Red Lobster cho Golden Gate Capital với giá 2,1 tỷ USD. Để tài trợ cho thương vụ này, Red Lobster đã phải từ bỏ các tài sản bất động sản và cuối cùng phải trả tiền thuê địa điểm cho các nhà hàng của mình. Các thỏa thuận như vậy rất phổ biến trong ngành nhà hàng, nhưng vấn đề là Red Lobster không còn có đủ năng lực tài chính để chi trả tiền thuê.
Cùng lúc đó, các chuỗi nhà hàng ăn nhanh bùng nổ với mức giá rẻ hơn, dịch vụ đặt hàng và giao hàng online cùng với hàng nghìn điểm bán hàng drive-thru. Các chuỗi này đe dọa nghiêm trọng đến các nhà hàng như Red Lobster. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Technomic, tỷ trọng của casual dining trong tổng doanh thu của các nhà hàng ở Mỹ đã giảm từ 36% trong năm 2013 xuống còn 31% trong năm 2023.
Lỗi của cổ đông lớn
Món tôm chiên nổi tiếng của Red Lobster |
Và, không thể không nhắc đến vai trò của Thai Union, công ty vốn là nhà cung cấp tôm hàng đầu cho Red Lobster trong suốt hơn 20 năm. Năm 2016, Thai Union chi 575 triệu USD mua cổ phần của chuỗi nhà hàng Mỹ.
Thai Union đứng sau nhiều quyết định sai lầm của Red Lobster như loại bỏ 2 nhà cung cấp tôm khác hay tăng số lượng bàn mà nhân viên phục vụ phải chịu trách nhiệm từ 3 lên 10 nhằm cắt giảm chi phí. Dưới sự chi phối của Red Union, Red Lobster thay một loạt lãnh đạo cấp cao. Trong năm 2021 và 2022, công ty có CEO, Giám đốc marketing và Giám đốc tài chính mới. Tất cả rời Red Lobster 2 năm sau đó.
Và cuối cùng “tôm hùm bất tận” là “giọt nước” tràn ly khiến công ty phá sản. “Chúng tôi kỳ vọng lượng khách sẽ chỉ tăng 20%, nhưng con số thực tế là 40%”, CEO Thiraphong Chansiri của Thai Union chia sẻ vào tháng 11 năm ngoái.
2 tháng sau, Thai Union tuyên bố sẽ thoái vốn khỏi Red Lobster và chịu lỗ 530 triệu USD. Công ty đổ lỗi cho đại dịch Covid-19, môi trường lãi suất cao, chi phí nguyên liệu và nhân công tăng và những cơn gió ngược bao trùm toàn ngành.
“Tôi sẽ ngừng ăn tôm hùm”, ông Chansiri nói.
>> Một hãng hàng không quốc gia đột ngột phá sản, hàng ngàn hành khách ngơ ngác vì bị kẹt ở sân bay