Công ty khai thác mỏ Australia đang đề xuất tiếp quản lại Anglo American nhằm đẩy mạnh khai thác nhu cầu về xe điện, năng lượng tái tạo trong bối cảnh thế giới lên "cơn sốt" đồng.
Tập đoàn BHP - công ty khai khoáng hàng đầu của Australia- đã đề nghị mua lại công ty khai thác mỏ Anglo American của Anh với giá 38,8 tỷ USD, nhắm đến các mỏ đồng của đối thủ khi nhu cầu về kim loại này tăng cao để sử dụng cho các công nghệ xanh như xe điện, năng lượng tái tạo.
Theo Reuters, thương vụ này có thể lọt vào top 10 thương vụ mua lại lớn nhất trong ngành khai thác mỏ.
BHP cân nhắc đề nghị mới cho Anglo American sau khi giá thầu 39 tỷ USD thất bại. Ảnh: Nikkei Asia |
Tuy nhiên, Anglo American đã ngay lập khước từ với lý do đề xuất này định giá công ty ở mức quá thấp. BHP có thời hạn đến ngày 22/5 để đưa ra lời đề nghị chính thức và có thể đề xuất giá mua ở mức cao hơn.
BHP là nhà sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới, còn Anglo American là nhà sản xuất đồng lớn thứ 9. Nếu thương vụ thành công, BHP sẽ trở thành nhà sản xuất đồng lớn nhất với khoảng 10% thị phần toàn cầu.
Nhu cầu đồng dự kiến tăng vọt khi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và giảm khí phát thải diễn ra. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc sản xuất điện gió ngoài khơi cần 8.000kg đồng/MW, gấp khoảng 7 lần so với sản xuất điện đốt than.
Năng lượng mặt trời cần lượng đồng gấp 2,5 lần so với than trong khi xe điện có thể chứa khoảng 53kg đồng trên mỗi xe, nhiều gấp đôi so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Mặc dù doanh số bán hàng đang chậm lại nhưng IEA dự đoán xe điện sẽ chiếm hơn 50% doanh số bán xe mới toàn cầu vào năm 2035.
Giá của kim loại này trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) đã tăng hơn 13% trong năm nay lên gần 10.000 USD/ tấn, mức cao nhất trong khoảng 2 năm.
Nhu cầu đồng sử dụng cho các công nghệ xanh như xe điện, năng lưới tái tạo, được dự báo tăng mạnh trong những năm tới. Ảnh: CNBC |
Nhưng thị trường lại gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng. Các mỏ đồng đang dần cạn kiệt trong khi các quy định về môi trường và các yếu tố khác cản trở việc phê duyệt các mỏ mới.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đồng còn phải đối mặt với "vấn đề 30-40-50". Trong đó, so với 10 năm qua, dự án mỏ mới trung bình nhỏ hơn 30%, chi phí cao hơn 40% và mất thêm 50% thời gian để phát triển.
Đối với các công ty như BHP, việc thâu tóm các đối thủ sẽ hợp lý hơn là chi tiền để phát triển các mỏ mới. Trước đó, BHP từng mua lại công ty đồng OZ Minerals vào tháng 5/2023 với giá 9,6 tỷ ASD (6,2 tỷ USD theo tỷ giá ngày nay).
Đề xuất mua lại Anglo là một phần trong chiến lược của BHP nhằm “đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các khoáng sản quan trọng cần thiết cho xe điện, tuabin gió và tấm pin mặt trời”.
Chủ tịch của Anglo American, Stuart Chambers nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng về giá thầu thuộc về các cổ đông, không chỉ hội đồng quản trị.
Khi BHP cân nhắc động thái tiếp theo của mình, thị trường đang chờ xem liệu một đề nghị mới có đáp ứng được kỳ vọng của Anglo American lẫn các cổ đông hay không. Kết quả của các cuộc đàm phán này có thể định hình tương lai của cả 2 công ty và ảnh hưởng đến bối cảnh ngành khai thác mỏ.
>> Mỏ 'kho báu' 10 tỷ USD bị buộc đóng cửa, một kim loại quý bỗng lên 'cơn sốt' khi giá cả tăng vọt