Mặc dù tổng tài sản toàn chưa tới 2,5 tỷ USD và âm vốn chủ sở hữu, Vietnam Airlines (HVN) dự kiến chi 10 tỷ USD mua thêm 50 chiếc Boeing 737 MAX mở rộng đội bay.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 10/9, hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN), đã ký thỏa thuận mua 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị 10 tỷ USD.
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để đánh giá, sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở thúc đẩy quá trình đàm phán, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, mua sắm. Dự án đầu tư nhằm phục vụ kế hoạch phát triển đội tàu bay thân hẹp, nâng cao chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines trên các đường bay nội địa và khu vực châu Á.
Theo đại diện Tập đoàn Boeing, Đông Nam Á là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới và dòng máy bay 737 MAX là lựa chọn phù hợp để đáp ứng nhu cầu của khu vực này. Dự kiến, các máy bay mới sẽ được hai bên bàn giao trong giai đoạn từ năm 2027 - 2030.
Sự kiện ký kết giữa Vietnam Airlines và Boeing |
Trong báo cáo tài chính quý III/2023, Vietnam Airlines có tổng tài sản đạt 60.328 tỷ đồng, nợ phải trả lên tới 74.279 tỷ đồng, công ty đang âm vốn chủ sở hữu lên tới 13.951 tỷ đồng.
Như vậy, số vốn để chi mua 50 máy bay mới gấp 4 lần tổng tài sản hiện có của doanh nghiệp.
Triển vọng ngành hàng không các năm tới
Theo VNDirect Research, công suất sân bay của Việt Nam dự kiến tăng gần gấp ba lần vào 2030. Việt Nam hiện có 22 sân bay, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa với tổng công suất phục vụ 106,5 triệu khách/năm.
Ngày 7/6, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo kế hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 30 sân bay, trong đó có 14 sân bay quốc tế và 16 sân bay nội địa với sức chứa 294,5 triệu khách/năm.
Hiện tại, các sân bay trọng điểm bao gồm Nhà ga T3 Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (công suất phục vụ 20 triệu khách/năm), Sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (công suất phục vụ 25 triệu khách/năm) đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành lần lượt vào năm 2025/2026.
Để phục vụ nhu cầu phát triển trên, hàng không Vietjet Air (VJC) có tham vọng đặt hàng hơn 300 tàu bay, Vietnam Airlines bổ sung thêm 50 máy bay vào danh sách.
Trái ngược, năm 2023, Bamboo Airways tái cơ cấu toàn diện bằng việc giảm số tàu bay từ 30 xuống 9 chiếc, cắt giảm cả số chuyến bay và nhân sự để tiết giảm chi phí tối đa. Hiện hãng hàng không này khai thác 16 đường bay nội địa và bay thuê chuyến quốc tế với đội bay gồm 9 chiếc.
Hãng đã trả lại 21 máy bay, trong đó có 3 chiếc Boeing 787, để lại đội bay còn 9 máy bay do Airbus và Embraer sản xuất, ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways thông tin.
Khối ngoại xả bán gần 400 triệu cổ phiếu sàn HoSE sau 20 phiên
Vietnam Airlines ‘thoát hiểm’, HVN bay cao với thanh khoản đột biến