Anh hùng không xưng vương xưng đế vẫn được nhân dân tôn xưng là 'Tiên chúa', là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền ngoại giao Việt Nam

24-04-2024 10:21|Quỳnh Như

Ông cũng là người có công mở nền độc lập, tự chủ cho dân tộc ta sau nghìn năm Bắc thuộc.

Theo Lịch sử Việt Nam, Trung Quốc cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X trở nên rối ren, khởi nghĩa nông dân khắp nơi làm lung lay nền thống trị của nhà Đường. Chính quyền đô hộ ở Giao Châu (tên nước Việt Nam thời kỳ này) cũng suy yếu. Tiếp sau các cuộc khởi nghĩa lớn của Mai Thúc Loan, Phùng Hưng... quan lại địa phương liên tiếp nổi dậy cát cứ khắp nơi.

Hình ảnh Khúc Thừa Dụ trong truyện lịch sử. Ảnh minh họa

Hình ảnh Khúc Thừa Dụ trong truyện lịch sử. Ảnh minh họa

Trước tình hình đó, đầu năm 905, Khúc Thừa Dụ - một hào trưởng ở đất Hồng Châu (nay thuộc huyện Ninh Giang, Hải Dương), có "tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn", đã khởi binh chống lại nhà Đường, giành quyền quản lý đất nước.

"Giành lấy chính quyền từ tay phong kiến nước ngoài, Khúc Thừa Dụ đã kết thúc về cơ bản ách thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc. Lịch sử ghi nhớ công lao của ông như một trong những người đặt nền móng cho nền độc lập tự chủ của đất nước", sách Lịch sử Việt Nam viết.

Dù không xưng vương xưng đế, Khúc Thừa Dụ vẫn được người đời suy tôn "Khúc Tiên chúa". Sách Lịch sử Việt Nam bình luận: "Tuy mang danh một quan chức nhà Đường (Tiết độ sứ) nhưng trong thực tế và về thực chất, chính quyền Khúc Thừa Dụ là chính quyền tự chủ, đặt cơ sở cho nền độc lập bền lâu của nước ta".

Tượng thờ Khúc Thừa Dụ ở Hải Dương. Ảnh: Báo VOV

Tượng thờ Khúc Thừa Dụ ở Hải Dương. Ảnh: Báo VOV

Trong bối cảnh chính quyền còn non trẻ, Khúc Thừa Dụ cho một phái bộ sang thần phục nhà Đường, thực hiện sách lược “nhu chế cương”. Năm 906, nhà Đường phải chấp nhận sự việc đã rồi, đành công nhận Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ, còn phong thêm cho ông chức Đồng Bình Chương sự (tức là Đại thần cực phẩm, cùng ngồi bàn việc quốc quân trọng sự).

Sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã bình phẩm rằng, đây là một hành động khôn ngoan của Khúc Thừa Dụ, “cướp chính quyền một cách hòa bình để xây dựng một chính quyền tự chủ trong hoàn cảnh lịch sử ngày xưa”.

Chủ trương hòa hoãn, mềm dẻo của Khúc Thừa Dụ bấy giờ đã tạo điều kiện cho nhân dân Đại Việt và họ Khúc có khả năng giữ vững chủ quyền dân tộc trong 1/4 thế kỷ, tránh nạn binh đao do nhà Đường có thể mưu đồ tái chiếm Đại Việt. Tuy mang danh một chức quan nhà Đường, thực chất Khúc Thừa Dụ đã trở thành người làm chủ đất nước. Ông được lịch sử đánh giá là người mở nền độc lập cho nước Đại Việt.

Chủ trương ngoại giao của họ Khúc từ thế kỷ X đã để lại cho đời sau những bài học quý giá trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong kháng chiến chống giặc Minh, thế kỷ XV, Nguyễn Trãi, nhà chính trị quân sự đã dùng ngòi bút viết thư gọi giặc đầu hàng, cùng lưỡi kiếm vung lên đánh đuổi quân xâm lược, kết thúc chiến tranh.

Những năm đầu giành độc lập, nhờ chính sách ngoại giao mềm mỏng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã tranh thủ thời gian, củng cố phát triển lực lượng để kháng chiến trường kỳ chống Pháp thắng lợi…

denthoKhucThuaDu7
denthoKhucThuaDu13
Đền thờ Khúc Thừa Dụ ở Hải Dương. Ảnh: Báo Tin Tức

Đền thờ Khúc Thừa Dụ ở Hải Dương. Ảnh: Báo Tin Tức

Khúc Thừa Dụ cai quản việc nước được một năm thì qua đời. Con ông là Khúc Hạo ngay sau đó đã nối nghiệp cha, giữ đô ở La Thành (Hà Nội ngày nay).

Tiếp nối sự nghiệp cai quản đất nước, Khúc Hạo đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng, thay thế chế độ của nhà Đường. Theo sách Lịch sử Việt Nam (năm 2017), thay đổi lớn nhất trong cải cách hành chính của họ Khúc là nắm chính quyền đến tận cấp làng xã. Trong suốt thời Bắc thuộc, chính quyền phương Bắc chỉ cai quản được đến cấp huyện, làng xã vẫn là khu vực tự trị của người Việt, chỉ chịu sự cai trị gián tiếp của chính quyền đô hộ.

Khúc Hạo lên nắm chính quyền (năm 907) khi nhà Đường đã sụp đổ dưới sự đánh chiếm của nhà Hậu Lương. Lúc này, do phương Bắc còn nhiều biến cố nên Hậu Lương thừa nhận chính quyền của Khúc Hạo, công nhận ông là Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân.

Một năm sau, vua Hậu Lương lại phong cho Tiết độ phó sứ ở Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm giữ chức "Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ". Triều đình phương Bắc vẫn âm mưu chiếm lại Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự cai trị vững vàng của Khúc Hạo, họ Lưu ở Quảng Châu đã không dám nhòm ngó tới phương Nam.

Năm 917, Khúc Hạo mất, con ông là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Do sai lầm trong đường lối ngoại giao, Thừa Mỹ chỉ nắm quyền cai quản đất nước được 6 năm thì bị nhà Nam Hán đem quân sang đánh, bắt đem về phương Bắc.

Một tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ vốn là thủ lĩnh vùng Ái Châu năm 931 đã dấy binh đánh bại quân Nam Hán, tự xưng Tiết độ sứ. Theo Lịch sử Việt Nam (xuất bản năm 2017), ông sau đó chia tướng thân tín đi trấn trị các châu trong vùng châu thổ Bắc Bộ. Trong những tướng này có Đinh Công Trứ (thân phụ của Đinh Bộ Lĩnh) coi giữ Hoan Châu (Hà Tĩnh ngày nay), Ngô Quyền phong giữ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).

Dương Đình Nghệ năm 937 bị nha tướng là Kiều Công Tiễn giết để đoạt chức Tiết độ sứ. Người này đã bị con rể và là tướng của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền diệt trừ năm 938. Cũng năm này, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra kỷ nguyên hoàn toàn độc lập, tự chủ lâu dài cho đất nước.

Tham khảo:

- Ai đặt nền móng cho nền độc lập của nước Việt sau nghìn năm Bắc thuộc? - Báo VnExpress

- Khúc Thừa Dụ - người đặt nền móng ngoại giao nước Việt - Báo Hải Dương

- Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ - Cổng TTĐT tỉnh Hải Dương

>> Chân dung nhà cải cách, ngoại giao lỗi lạc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đặt chân sang đất Mỹ, tên được đặt cho con phố Tây náo nhiệt nhất Sài Gòn

Vị vua Việt đầu tiên lên ngôi nhờ thi cử: Là một trong những người sống thọ và trị vì lâu nhất, có vợ được nhân dân tôn là Thần

Những điều kỳ lạ về các vua Hùng: 'Tuyển vua' để chọn người nối ngôi, vị vua nào cũng có tuổi thọ đáng kinh ngạc

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/anh-hung-khong-xung-vuong-xung-de-van-duoc-nhan-dan-ton-xung-la-tien-chua-la-nguoi-dat-vien-gach-dau-tien-cho-nen-ngoai-giao-viet-nam-d121190.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Anh hùng không xưng vương xưng đế vẫn được nhân dân tôn xưng là 'Tiên chúa', là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền ngoại giao Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH