Ông được đánh giá là một nhà canh tân lỗi lạc kiêm nhà kinh tế, ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ XIX.
Hai lần gặp Tổng thống Mỹ
Bùi Viện (1839-1878), hiệu là Mạnh Dực. Ông sinh ra ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là thôn Trình Nhì, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho kiêm nghề bốc thuốc.
Bùi Viện đỗ Tú tài năm Giáp Tý (1864), đỗ Cử nhân năm Mậu Thìn (1868) nhưng không đỗ Tiến sĩ. Bùi Viện được đánh giá là một nhà canh tân lỗi lạc kiêm nhà kinh tế, ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ XIX.
Sau khi 6 tỉnh Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, tháng 7-1873, vua Tự Đức chính thức cử Bùi Viện đi ra nước ngoài tìm hiểu tình hình, hy vọng có thể dựa vào một nước có tiềm lực lớn nhằm làm đối trọng, giảm bớt áp lực của Pháp đang ráo riết thực hiện âm mưu chiếm nốt Bắc kỳ và Trung kỳ. Ông không cầu viện các nước ở phương Đông như các nhà nho đương thời, ông có tư tưởng cầu viện Mỹ.
Bùi Viện bắt đầu cuộc hành trình sang Mỹ và trở thành nhà ngoại giao đầu tiên trong lịch sử nước ta sang Mỹ khi vừa tròn 32 tuổi. Đặc biệt, ông đã may mắn có cơ hội hai lần gặp Tổng thống Mỹ. Các cứ liệu viết về cuộc công du của Bùi Viện không nhiều.
Tác phẩm duy nhất viết về sự kiện này “Bùi Viện và Chính phủ Mỹ” của nhà sử học Phan Trần Chúc in từ năm 1945, được NXB Văn hóa Thông tin in lại với cái tên “Bùi Viện và cuộc duy tân của triều Tự Đức thế kỷ XIX”. Tuy nhiên, với số sử liệu sơ sài này, chúng ta cũng có thể hình dung được tư duy táo bạo trong tư tưởng cứu nước của Bùi Viện.
Nhờ sự giúp đỡ của viên lãnh sự Mỹ mà ông gặp được ở Hương Cảng (Hồng Kông), Bùi Viện có được lá thư viết cho một người bạn vốn là người gần gũi với Tổng thống Mỹ. Ông đi sang Nhật rồi vượt đại dương sang Mỹ. Sau gần một năm kiên trì vận động, năm 1873, Bùi Viện đã được Tổng thống Ulysse Simpson Grant (1822 - 1885) tiếp. Lúc này Pháp và Mỹ đang tranh giành thuộc địa ở Mexico nên Mỹ cũng tỏ ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng Bùi Viện không mang theo quốc thư nên hai bên không thể có một cam kết chính thức. Vì vậy, ông lại phải lặn lội ngược về Việt Nam trở lại kinh thành Huế.
Năm sau (1875), Tự Đức ban cho Bùi Viện chức Khâm sai đại thần, cầm đầu đoàn sứ giả mang quốc thư trở lại Hoa Kì. Nhưng lần đi này, tình hình thế giới đã biến chuyển bất lợi cho nước ta, Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách nên tuy Tổng thống Grant vẫn niềm nở tiếp Bùi Viện và đoàn sứ bộ của ta, nhưng từ chối viện trợ cho Đại Nam chống Pháp. Bùi Viện đành tay không trở về Tổ quốc.
Nhà canh tân lỗi lạc của đất nước
Sau khi về nước, Bùi Viện đề xuất với vua Tự Đức một tư tưởng canh tân đất nước táo bạo mà nói như cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến thì Bùi Viện đã “Làm việc chửa ai từng làm. Dọc đất ngang trời trơ trí lớn”. Trong khi các tư tưởng canh tân đất nước đương thời như của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Trần Đình Túc, Đinh Văn Điền không được vua Tự Đức chấp nhận thì các đề nghị cải cách của Bùi Viện tuy không có bề rộng nhưng táo bạo gắn với thực tiễn đất nước (như cải cách và trang bị cho lực lượng hải quân, tăng cường phòng vệ vùng biển, đặc biệt là vấn đề kinh tế xã hội biển) được vua Tự Đức cho thi hành.
Về quân sự, tháng 8-1876, vua Tự Đức giao cho ông trách nhiệm tổ chức Nhu tuần tải và cử ông làm Chánh quản đốc trực tiếp phụ trách. Với nhiệm vụ này, ông đã thành lập được đội Tuần dương quân với lực lượng chủ yếu là dân chài lưới rất thông thạo sông biển.
Về kinh tế, năm 1876, Bùi Viện được triều đình giao giữ chức Tham biện thương chính. Ông đã đề nghị triều đình làm gấp hai việc: mở mang đường thủy, cho đào sông vét ngòi; mở hải cảng, lập bến sông. Theo ông, muốn mở mang buôn bán phải có hệ thống giao thông tốt, phải tổ chức thủy đội tiễu trừ giặc biển, bảo vệ thuyền buôn đi lại ngoài khơi. Từ đó, phát triển lực lượng này thành lực lượng thủy quân hùng mạnh cho đất nước.
Bùi Viện còn lập ra “Chiêu dương thương cục”. Đây là công ty buôn lớn tổ chức việc buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc, sản phẩm trao đổi chủ yếu là bán nông thổ sản và mua về hàng gốm sứ, tơ lụa, … Ông là người có công sáng lập ra cửa biển Hải Phòng mà đương thời gọi là bến Ninh Hải.
Có thể nói, Bùi Viện lúc đó đang được xem như là một nhà kinh bang tế thế, có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng, lập ra Tuần dương quân (lực lượng hải quân thường trực) và lập ra hệ thống thương điếm ở khắp các tỉnh ven biển. Ông mất được triều đình và dân chúng đều thương tiếc.
Tên được đặt cho con phố Tây sầm uất nhất Sài Gòn
Theo một số tài liệu, Bùi Viện chính thức trở thành tên của con đường ở quận 1 TP HCM này từ ngày 6/10/1955. Trước đó, dưới thời Bảo Đại, nó có tên là Bảo hộ Thoại. Hay trước giai đoạn này, nó là con đường mòn của một ngôi làng mang tên là Tân Hoà. Còn tên gọi phố Tây của con đường này thì do người dân đặt ra.
Một vài người dân chia sẻ, bởi lẽ có tên gọi như vậy vì vào những năm sau 1975, nơi đây có nhiều người nước ngoài, đặc biệt là Mỹ đến sinh sống. Lâu dần nơi đây thu hút nhiều người nước ngoài đến làm ăn kinh doanh, tạo nên một con phố đa văn hóa, đa sắc tộc.
Chính vì sự đa dạng và đông đúc này mà chính quyền TP HCM đã đã ra quyết định biến con phố này thành phố đi bộ vào mỗi cuối tuần từ ngày 20/8/2017. Con phố sẽ bắt đầu mở cửa từ 19h tối đến 2h sáng các ngày cuối tuần để thuận tiện cho việc vui chơi, kinh doanh của người dân.
Phố đi bộ hay phố Tây Bùi Viện ngày nay là một nơi vui chơi, giải trí thu hút đông đảo giới trẻ Sài Gòn và khách du lịch. Nếu có dịp tới TP HCM du khách hãy ghé thăm phố đi bộ Bùi Viện để cảm nhận được không gian náo nhiệt, vui nhộn tại nơi này.