Áp lực chính sách tiền tệ và bài học cho Việt Nam
Không chỉ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu mà cả Việt Nam cũng đang phải vật lộn để cân đối giữa các chỉ tiêu tăng trưởng, nhưng phải vừa ổn định thị trường, hỗ trợ xuất khẩu và kiềm chế lạm phát.
Thế giới biến động khó lường
Ngày 27/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục, nhưng phát tín hiệu rằng lãi suất ở khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) có thể đã đạt đỉnh. Đây là đợt tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp của ECB, diễn ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt tăng lãi suất lần thứ 11, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm.
Theo con số vừa công bố, GDP của Mỹ tăng trưởng 2,4% vượt trên mức kỳ vọng và câu chuyện lạm phát vẫn còn dai dẳng. Thông điệp từ cuộc họp FOMC của Fed đưa ra rằng, trong năm 2023 này sẽ không có giảm lãi suất, nhưng mọi người cũng quan tâm liệu Fed có tăng lãi suất nữa hay không trong năm nay?
Trước kỳ họp vừa qua, giới đầu tư cũng như thị trường toàn cầu đều kỳ vọng đây là lần tăng lãi suất cuối cùng, song với bối cảnh mới, khả năng xác suất không cao, nhưng không loại trừ một lần tăng lãi suất nữa khi GDP tăng vượt kỳ vọng, dẫn đến sức ép lên lạm phát chưa hạ nhiệt.
Ngoài ra, giá dầu cũng có biến động tăng, cụ thể giá dầu Brent lên mức gần 84 USD/ thùng, là mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, sẽ là sức ép tương đối lớn đến lạm phát Mỹ trong giai đoạn tới. Vì vậy, giới đầu tư đang cân nhắc và suy nghĩ đến một khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2023.
Tại Nhật Bản, đồng Yên Nhật vừa qua tăng vọt bởi mức lạm phát trên 3%, vượt xa so với kỳ vọng của Chính phủ nước này, do Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BoJ) đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong suốt thời gian dài, tác động trực tiếp đến tỷ giá và đến thị trường chứng khoán. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 28/7.
Như vậy, không chỉ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu mà cả Việt Nam cũng đang phải cân đối giữa các chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo mục tiêu nhưng phải vừa ổn định thị trường, hỗ trợ xuất khẩu và kiềm chế lạm phát.
Bài học cho Việt Nam
Nhìn vào toàn cảnh thị trường, Mỹ và EU tiếp tục tăng lãi suất, chỉ riêng Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam là những nước có chính sách tiền tệ đi ngược lại, khi mức lạm phát của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Quốc hội đặt ra là 4,5% từ đầu năm 2023.
Phải chăng mọi thứ đối với Việt Nam đang dễ dàng? Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục đi theo con đường này, hệ luỵ là không biết khi nào lạm phát sẽ quay trở lại và việc ứng phó với lạm phát sẽ mệt mỏi hơn nhiều so với việc đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, đời sống nhân dân khó khăn hơn khi thu nhập không tăng kịp so với lạm phát. Vấn đề nữa là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ ít nhiều sẽ dồn áp lực lên tỷ giá và NHNN phải luôn đặt ra các kế hoạch để ứng phó.
Tỷ giá ảnh hưởng đến lĩnh vực rất quan trọng đó là xuất khẩu. Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu từ năm 2015 trở lại đây, đặc biệt những mặt hàng như điện tử, phụ thuộc nhiều vào FDI. Nếu chúng ta không có những lợi thế như tỷ giá, hay Chính phủ vừa qua đang soạn thảo Dự thảo về việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, thì các doanh nghiệp FDI lớn có tổng doanh thu trên 750 triệu USD sẽ dịch chuyển đến các quốc gia khác có ưu đãi thuế.
Điều này khiến Việt Nam bị hạn chế trong việc thu hút doanh nghiệp FDI, ngay cả những doanh nghiệp như Samsung cũng phải tính toán đến việc họ sản xuất ở đâu để có lợi thế. Vì vậy tôi tin rằng, NHNN đã sớm có các giải pháp dự phòng cho những tình huống có thể xảy ra rồi.
Từ kinh nghiệm quốc tế, Nhật Bản cũng giống Việt Nam, để duy trì tăng trưởng GDP thì họ đã đặt chính sách tiền tệ nới lỏng và đến nay đang phải đối mặt với lạm phát. Nên chúng ta cũng cần sớm chuẩn bị cho trường hợp xảy ra tương tự.
Nhìn lại quá khứ, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong vấn đề này vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối năm 2008, đến 2009 Việt Nam rơi vào tình trạng giảm phát, kinh tế trì trệ. Chính phủ đã đưa ra một loạt chương trình kích cầu, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp vay vốn. Chính sách hỗ trợ như vậy là đúng đắn, nhưng khi thực thi lại có vấn đề và tiền đó đã không đi vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị, mà quay trở lại thị trường chứng khoán, khiến cho chỉ số VN-Index trong năm 2009 tăng hơn 100% từ đáy.
Sau đó, lạm phát bùng phát vào năm 2011-2013, lãi suất huy động của các ngân hàng lớn thấp nhất là khoảng 18,5% (lạm phát lúc đó là 18,5%). Những ngân hàng nhỏ còn phải huy động với lãi suất cao hơn, lên tới 21-22% và doanh nghiệp đi vay phải trả lãi lên tới 24-25%.
Cùng với đó, bất động sản rơi vào trạng thái đóng băng, giá giảm nghiêm trọng; nợ xấu ngân hàng tăng vọt khiến Quốc hội buộc phải ra các Nghị quyết nhằm xử lý nợ xấu; người dân gặp khó khăn vì thu nhập hạn chế... Đây chính là bài học cho Việt Nam trong quá khứ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như hiện nay, tôi nghĩ rằng NHNN, Bộ Tài chính, hay các cơ quan của Chính phủ đã có những kinh nghiệm rất tốt, với điều kiện thuận lợi hơn, nên mọi chính sách đã được diễn ra một cách từ từ, ổn định. Chúng ta sẽ không nới lỏng theo kiểu ồ ạt và thắt chặt cũng vậy.
Có thể nói, biến số cần phải quan sát kỹ lưỡng trên thị trường hiện nay là tỷ giá và lạm phát. Khi hai biến số này có sự thay đổi, thì các biện pháp dự phòng sẽ phải lập tức đưa ra và tác động đến thị trường nói chung.
Về chính sách tổng thể, Việt Nam cần cố gắng ổn định lĩnh vực xuất khẩu, các mặt hàng điện tử, dệt may, nông sản là những ngành xuất khẩu chủ lực và tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất. Chính sách của Việt Nam trong suốt những năm vừa qua đã biến Việt Nam từ một quốc gia nhập siêu thành xuất siêu.
Nhiều người có cách nhìn tiêu cực rằng xuất siêu của chúng ta chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài; nhưng theo tôi, việc có FDI là tốt cho đất nước, vì lượng ngoại tệ sẽ chảy vào Việt Nam giúp giảm sức ép đến tỷ giá. Vấn đề chúng ta cần quan tâm là làm sao để Việt Nam có đồng tiền mạnh hơn, thể hiện vị thế quốc gia mà vẫn hỗ trợ cho xuất khẩu, thì rõ ràng đầu tư của lĩnh vực FDI đã giúp chúng ta một cách tích cực cần được ghi nhận.
Hiện nay, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn phải duy trì để hỗ trợ cho xuất khẩu, tỷ giá đô - đồng tương đối ổn định, trong khi đó các đồng tiền khác như Nhân dân tệ giảm giá so với đô la Mỹ. Ngay lập tức các hàng hóa của Việt Nam bị kém cạnh tranh hơn so với hàng hóa Trung Quốc; xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đều bị ảnh hưởng; xuất khẩu của Việt Nam trong thị trường EU và Mỹ bị cạnh tranh lớn. Đây là một bài toán không hề dễ dàng với các chính sách sắp tới, nhưng với những bài học trong quá khứ khá rõ ràng, thì Việt Nam chắc chắn có có biện pháp dự phòng và ứng phó tốt.