“Lạm phát của Việt Nam năm 2022 dự kiến trong khoảng 4 - 4,5% và năm 2023 có thể tăng lên ngưỡng từ 5 - 5,5%”, ông Nguyễn Bích Lâm dự báo.
Áp lực lạm phát đang rất lớn
Trước những ảnh hưởng đến từ lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao và tổng cầu trong nước tăng đột biến, nhiều chuyên gia dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ cao hơn mức 4% Quốc hội đặt ra.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 3 nhóm yếu tố chính gây áp lực lên lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, lạm phát chuỗi cung ứng, đây là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Bởi kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế) chiếm 50,98%.
Thứ hai, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao.
Theo ông Lâm, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế - chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Đặc biệt, xăng dầu sản xuất trong nước chỉ chiếm từ 70 - 75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước; sản xuất xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới.
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu, kim loại công nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá lương thực thế giới tăng cao, vượt dự báo của nhiều tổ chức tài chính và kinh doanh hàng hóa quốc tế. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu.
“Kinh tế Việt Nam có đặc điểm, khi giá nguyên, vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06% đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Do đó, rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Thứ ba, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện trong hai năm 2022 - 2023 Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.
“Lạm phát của Việt Nam năm 2022 dự kiến trong khoảng 4 - 4,5% và năm 2023 có thể tăng lên ngưỡng từ 5 - 5,5%”, ông Nguyễn Bích Lâm dự báo.
Nhóm ngành nào để dòng tiền trú ngụ?
Lạm phát và các chính sách điều tiết hiện cũng là quan tâm hàng đầu của thị trường chứng khoán nhất là với các nhóm trụ như ngân hàng, bất động sản,...
Tại cáo cáo mới đây của Agriseco Research, đơn vị này cho rằng mức lạm phát dưới 10% chứng khoán vẫn là kênh đầu tư phù hợp. Lạm phát xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong đà tăng trưởng thường vẫn là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán, ngược lại khi kinh tế rơi vào suy thoái. Các kênh đầu tư như bitcoin và các tiền điện tử mang tính chất đầu cơ và chưa có khung pháp lý hoàn thiện trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn đang ở mức thấp.
Đầu tư chứng khoán thời lạm phát: Bắt bệnh cổ phiếu rẻ - chữa bệnh Fomo
Nhìn lại quá khứ tại thị trường quốc tế, nhiều nghiên cứu trong môi trường lạm phát, 3 nhóm ngành được hưởng lợi.
Thứ nhất là nhóm cổ phiếu phòng thủ: Đây là các nhóm cổ phiếu trên thường mang lại kết quả kinh doanh ổn định, dòng tiền đều đặn, định giá không quá cao sẽ là các công cụ phòng chống rủi ro phù hợp do không chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế bao gồm: Tiện ích; tiêu dùng thiết yếu; sức khỏe.
Hai là nhóm cổ phiếu đầu ngành với chuỗi giá trị khép kín: Thông thường trong chu kỳ tăng giá lạm phát, giá đầu vào và đầu ra đều có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên các doanh nghiệp đầu ngành với chuỗi giá trị khép kín sẽ có lợi thế đàm phán tối thiểu hóa chi phí đầu vào và truyền tải tăng giá đầu ra với khách hàng. Qua đó, các doanh nghiệp này có lợi thế rất lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và sẽ có khả năng chiếm lĩnh thêm thị phần sau mỗi chu kỳ kinh tế.
Ba là, nhóm hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng: Theo Schroders, lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các công ty dầu khí trong thời kỳ lạm phát vẫn ghi nhận lợi nhuận thực tế trung bình 9%/năm. Đây là một kết quả khá khả quan do doanh thu của các doanh nghiệp này thường gắn liền với giá năng lượng, một phần quan trọng của chỉ số lạm phát. Vì vậy, nhóm này sẽ thường hoạt động tốt khi lạm phát tăng.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu của Bloomberg, Golman Sachs cũng chỉ ra rằng việc đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận cao trên thị trường chứng khoán.
Chiến lược... cho nhà đầu tư chứng khoán
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Fiinpro, trong giai đoạn 2009 – 2014, một số nhóm ngành mang lại mức sinh lời cao bao gồm: Tiện ích (gas, nước); du lịch và giải trí; kỹ thuật công nghiệp; động cơ và các bộ phận. Ngược lại, nhóm ngành có tỷ suất thấp bao gồm bán lẻ thực phẩm, dược phẩm; hàng hóa dịch vụ giải trí. Tuy nhiên, con số này phải đặt trong môi trường lạm phát thấp (dưới 5%).
Trong môi trường lạm phát duy trì vừa phải (5 - 10%), các nhóm ngành thể hiện sự tăng trưởng mạnh bao gồm: Ô tô và phụ tùng, công nghệ phần cứng và thiết bị; đầu tư và dịch vụ bất động sản; lâm nghiệp và giấy. Nhóm mang lại tỷ suất thấp là các cổ phiếu thuộc nhóm bảo hiểm nhân thọ, bán lẻ thực phẩm, dược phẩm, hóa chất, du lịch và giải trí.
Agriseco Research đã so sánh kết quả kinh doanh với các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, biên lợi nhuận gộp các nhóm ngành giai đoạn lạm phát cao 2010 – 2012 và giai đoạn lạm phát được kiềm chế 2013 – 2015. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn lạm phát cao, các nhóm ngành hoạt động kinh doanh khởi sắc trong lạm phát gồm: Nhóm tài chính (bảo hiểm) và nhóm phi tài chính gồm: Dược phẩm và y tế, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, hàng cá nhân và gia dụng (thuốc lá, sản xuất thực phẩm), hóa chất, tài nguyên cơ bản (khai khoáng, kim loại), điện, nước, xăng dầu (sản xuất và phân phối điện), công nghệ thông tin (thiết bị và phần cứng), vận tải, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Agriseco Research đánh giá, lạm phát của Việt Nam có thể tăng vượt mục tiêu 4% của Chính phủ trong thời gian tới, tuy nhiên nếu lạm phát tăng ở ngưỡng cho phép dưới 10% thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hợp lý, nhất là trong bối cảnh GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Quan sát dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022 – 2023 của các tổ chức lớn như ADB, IMF, WorldBank đều nhận định rằng GDP Việt Nam tăng trưởng trong khoảng 6 – 7%, lạm phát quanh ngưỡng 3 - 5%, điều này là động lực quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới.
Trong chiến lược đầu tư, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng nắm giữ đối với một số cổ phiếu như HPG, DGC, LTG, TAR đồng thời mua và nắm giữ một sổ cố phiếu nhóm ngành phòng thủ như FPT, BWE, PC1, REE hay cổ phiếu bảo hiểm gồm MIG, BMI hay BVH.
TS. Nguyễn Bích Lâm: Lạm phát 2024 có thể phát sinh do giải ngân vốn đầu tư công
Chuyên gia: Lạm phát trong nước đang chịu áp lực từ sự gián đoạn cung cầu thế giới