Áp lực mất giá của đồng VND sẽ giảm đáng kể và tăng 1 - 2% so với USD trong năm 2023 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ chuyển từ chính sách “thắt chặt tiền tệ” sang “bình thường hóa”.
Theo thống kê, từ đầu tháng 11/2022, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại, chợ đen và liên ngân hàng bắt đầu "hạ nhiệt". Trong nhiều phiên giao dịch diễn ra cuối tháng 12/2022, tỷ giá VND/USD chỉ còn dao động quanh mức 23.500 - 23.700 VND/USD. Như vậy, việc giảm hơn 6% trong vòng hai tuần gần nhất đã khiến giá bán USD trên kênh ngân hàng hiện chỉ còn tăng hơn 3% so với cuối năm 2021.
Giá USD đã có lúc tăng lên mức cao nhất lịch sử. Trên thị trường tự do, ngày 31/10/2022, giá USD bị đẩy lên mức 25.450 VND. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ giao dịch tại các ngân hàng thương mại từ +/- 3% lên +/-5%, giá USD niêm yết liên tục áp sát trần, lên trên 24.880 VND/USD.
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ giá tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, áp lực lớn nhất đến từ kinh tế thế giới khi giá hàng hóa, lạm phát thế giới tăng mạnh, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn tiếp diễn và lan rộng trên toàn cầu.
Thực tế cho thấy, những biến động kinh tế thế giới đã tác động tới kinh tế tiền tệ trong nước. Trong năm 2022, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ đã tăng mạnh lãi suất đến 6 lần. Tính chung chỉ số đồng USD đã tăng gần 11% trong năm 2022 khiến nhiều đồng tiền lớn trên thế giới bị mất giá. Tuy nhiên, do chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, VND trong năm 2022 chỉ mất giá khoảng 3,5% - thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Theo lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang theo sát kỳ vọng thị trường. Trong khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến gần lãi suất mục tiêu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn phải xoay sở tăng lãi suất để chống lạm phát. Theo đó, nhiều khả năng USD không còn tăng giá mạnh so với các đồng tiền mạnh khác trong năm nay. Thực tế, chỉ số DXY đã có dấu hiệu tạo đỉnh từ cuối năm 2022.
Tại Việt Nam, đồng VND có dấu hiệu hồi phục, tăng 0,59% so với đầu năm, tỉ giá có lúc xuống dưới ngưỡng 23.450 VND/USD. Dù vài tuần gần đây, giá USD tại các ngân hàng thương mại có xu hướng nhích nhẹ, song vẫn thấp hơn nhiều với thời điểm tạo đỉnh vào đầu tháng 11 năm ngoái. Nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đều đặn mua vào ngoại tệ, bổ sung cho kho dự trữ quốc gia.
Tỷ giá USD hôm nay tại đa số ngân hàng thương mại giảm so với cuối tuần qua. Ngân hàng Á Châu giảm 30 đồng giá mua nhưng tăng 40 đồng giá bán lên mức 23.400 – 23.800 VND/USD. Ngân hàng VPBank giảm 72 đồng giá mua nhưng tăng 18 đồng giá bán lên mức 23.358 – 23.748 VND/USD. Ngân hàng Đông Á không đổi giá mua nhưng giảm 15 đồng giá bán xuống mức 23.430 – 23.760 VND/USD. Ngân hàng Vietcombank giảm 5 đồng cả giá mua và giá bán xuống mức 23.370 – 23.740 VND/USD.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.358 – 23.430 VND/USD, còn bán ở mức 23.740 – 23.800 VND/USD. Trong đó, Ngân hàng Đông Á có giá mua USD cao nhất và ngân hàng Vietcombank có giá bán USD thấp nhất so với các ngân hàng khác.
Kể từ tuần thứ 3 của tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành mua ngoại tệ với tỷ giá tham khảo ở mức 23.450 VND/USD. Thị trường ghi nhận hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán khá mạnh, quy mô lên tới khoảng 3 tỷ USD chỉ trong thời gian ngắn.
Đầu tháng 2/2023, Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,5 - 4,75%, đúng như dự báo của thị trường. Đây là lần nâng lãi suất thứ 8 của Fed trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu từ tháng 3/2022. Sau động thái của Fed, đồng bạc xanh có diễn biến tăng giảm đan xen.
Ở trong nước, nhiều ngân thương mại cho biết sau Tết Nguyên đán, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa không nhiều nên cầu ngoại tệ giảm, vì thế, tỷ giá VND/USD biến động nhưng không đáng kể dù Mỹ vừa tăng thêm lãi suất vào đầu tháng 2.
Năm 2023, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng do các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị gia tăng. Tuy nhiên, khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và nỗi lo lạm phát giảm bớt, tỷ giá USD/VND sẽ dần ổn định.
Nhiều yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá được củng cố, như: năm 2022, thặng dư cán cân thương mại tăng cao; giải ngân vốn FDI năm 2022 cao nhất trong 5 năm; Việt Nam nằm trong top 10 nhận kiều hối năm 2022 và dự báo tiếp tục tăng khoảng 4% trong năm 2023…
Kiều hối giúp cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán của Việt Nam, tạo điều kiện để thực hiện các chính sách về ngoại hối, tỷ giá hối đoái và nhất là tăng dự trữ ngoại hối.
Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư thực hiện cho biết, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng 5% trong năm 2021, tăng gần 5% trong năm 2022 và dự báo tăng 3,6 - 4,5% trong năm 2023.
Mức tăng năm 2022 tương đương khoảng 1 tỷ USD, đạt gần 19 tỷ USD, giúp Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Cũng trong khoảng thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái mới là trở lại hoạt động mua ngoại tệ. Công ty Chứng khoán VnDirect đánh giá, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trên thị trường ngoại hối. Theo đó, trong năm 2023, thặng dư thương mại có thể đạt mức 12 tỷ USD, từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022; tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư ở mức 0,4% GDP vào năm 2023. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023, từ mức hiện tại là 89 tỷ USD.
Nhóm nghiên cứu tại VnDirect cũng dự báo áp lực mất giá của đồng VND sẽ giảm đáng kể từ quý II/2023 và VND có thể tăng 1 - 2% so với USD trong năm 2023, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ chuyển từ chính sách “thắt chặt tiền tệ” sang “bình thường hóa”.
Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định: "Theo dõi tương quan về điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, chỉ số sức mạnh đồng USD được dự báo đi ngang và không còn tăng mạnh như năm ngoái. Trong điều kiện thuận lợi, mức giảm giá của VND so với USD có thể dưới 3% trong năm nay".