Cổ phiếu đáng chú ý ngày 25/2: HPG, STB, KBC
Công ty chứng khoán phân tích và đưa ra nhận định mua, bán đối với các cổ phiếu HPG, STB, KBC.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Khuyến nghị mua HPG
VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), giá mục tiêu 38.000 đồng/cp dựa trên luận điểm đầu tư:
Động lực từ đại dự án Dung Quất 2 và thuế chống bán phá giá (CBPG) HRC được thông qua: Hiện tại, dự án Dung Quất 2 của HPG đã đi tới những bước cuối cùng để có thể đi vào hoạt động chính thức. Sau khi dự án hoàn thành và hoạt động hết công suất sau 2-3 năm, quy mô doanh thu của tập đoàn có thể duy trì ở mức 175.000-200.000 tỷ đồng/năm với lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương đã chính thức thông báo áp dụng thuế CBPG tạm thời với thép HRC Trung Quốc với mức thuế trong khoảng từ 19,38% tới 27,83% với thời gian có hiệu lực sau 15 ngày và áp dụng tạm thời trong 120 ngày. Với mức thuế này, VCBS cho rằng thép Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với HPG. Đây sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy mạnh mẽ sản lượng tiêu thụ của Dung Quất 2 và là thông tin tích cực đối với kỳ vọng giá cổ phiếu.
Ngành thép nội địa duy trì tiêu thụ rất tích cực nhờ giải ngân đầu tư công và dân dụng phục hồi: Thị trường bất động sản trong nước sau nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn đóng băng trước đó. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép nội địa có mức hồi phục tương ứng khá tốt trong quý IV/2024. Ngoài ra, HPG với vị thế là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam tiếp tục gia tăng thị phần lên 38%. Tiêu thụ thép xây dựng, ống thép của HPG gắn liền với xây dựng trong nước và dự kiến tiếp tục duy trì tốt. Điểm tích cực đến từ việc thép HRC Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm xuất khẩu vào Việt Nam trong trong tháng 1/2025, cụ thể, mức xuất khẩu thép vào Việt Nam chỉ đạt 537.000 tấn, giảm so với mặt bằng 800.000 đến 1 triệu tấn thép mỗi tháng trước đó. Điều này giúp cho sản lượng tiêu thụ HRC nội địa khởi sắc trong bối cảnh xuất khẩu hụt hơi.
Triển vọng giá thép thế giới tạo đáy và bắt đầu chu kỳ đi lên: Triển vọng lãi suất hạ trên toàn thế giới giúp kích thích thị trường nhà ở tại các quốc gia đối tác chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, ASEAN. Điều này tiếp tục là bàn đạp cho thị trường xuất khẩu thép thuận lợi và duy trì được mức sản lượng tốt trong các quý tiếp theo. Ngoài ra, yếu tố thay đổi lớn tới nhu cầu thép toàn thế giới tới từ Trung Quốc sau biện pháp kích thích lớn nhất từ đại dịch. VCBS cho rằng, nhu cầu cho ngành thép Trung Quốc đã tạo đáy và có nhiều động lực phục hồi và kích thích giá thép tăng trong năm tới.
Chứng khoán Vietcap (VCI): Khuyến nghị mua STB
VCI khuyến nghị mua cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), giá mục tiêu 50.000 đồng/cp dựa trên luận điểm đầu tư:
STB đẩy mạnh tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách thay thế các nhân sự không đáp ứng các yêu cầu về trình độ và bằng cấp bằng đội ngũ trẻ hơn, có chuyên môn cao hơn. Ngoài ra, khi ngân hàng tiến gần đến việc hoàn tất chương trình tái cấu trúc, một số vị trí sẽ không còn cần thiết. Tính đến quý IV/2024, tổng tài sản của STB tương đương với ACB, nhưng tổng số nhân sự của STB cao hơn đáng kể với 18.088 nhân viên so với 13.290 nhân viên tại ACB, qua đó cho thấy sự cần thiết của việc tái cấu trúc hoạt động. Chỉ thị 01/2025 của NHNN cũng nhấn mạnh rằng các ngân hàng cần tinh gọn bộ máy tổ chức và cải thiện hiệu suất là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025. Với những diễn biến này, VCI dự báo chi phí hoạt động của STB sẽ chỉ tăng 10% svck trong năm 2025.
VCI kỳ vọng sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ hỗ trợ STB trong việc xử lý nợ xấu. Trong quý IV/2024, STB cũng đã thành công trong việc thu hồi nợ xấu, từ đó dẫn đến việc hoàn nhập ròng tổng cộng 367 tỷ đồng từ các khoản chi phí dự phòng. Do đó, nhóm phân tích đã giảm dự báo chi phí dự phòng năm 2025 xuống mức thấp hơn 26,8% so với ước tính trước đó, đồng thời hạ tỷ lệ xử lý nợ dự kiến từ mức 0,80% xuống 0,35%, qua đó phản ánh sự cải thiện đối với chất lượng tài sản và thể hiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Vietcap vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với dự báo chi phí dự phòng giai đoạn 2025-2027 thông qua việc tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) trung bình ở mức 127%, nhằm đề phòng các rủi ro tiềm ẩn.
![]() |
VCI phân tích chỉ tiêu tài chính STB |
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Khuyến nghị mua KBC
VDSC khuyến nghị mua cổ phiếu Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (KBC), giá mục tiêu 40.600 đồng/cp dựa trên luận điểm đầu tư:
Trong năm 2024, KBC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt đạt 2.780 tỷ đồng (-51% svck) và 1.280 tỷ đồng (-65% svck), kém khả quan chủ yếu đến từ doanh thu cho thuê đất và hạ tầng tại khu công nghiệp (KCN) ghi nhận doanh thu đạt 815 tỷ đồng (-77% svck), khi trong kỳ doanh nghiệp ghi nhận doanh thu cho thuê với diện tích 33ha (-80% svck).
Cho năm 2025, với việc những điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng được tháo gỡ, VDSC kỳ vọng công ty sẽ ghi nhận doanh thu tương đối tích cực với lợi nhuận sau thuế có thể đạt 2.800 tỷ đồng (+557% svck, trong kịch bản doanh nghiệp có thể bàn giao khoảng 180ha đất KCN, tập trung tại Nam Sơn Hạp Lĩnh và cụm Công nghiệp Hưng Yên).
Trong dài hạn, ngoài tập trung với các KCN đã có chủ trương đầu tư trong giai đoạn trước, KBC dự kiến sẽ triển khai kinh doanh với các KCN vừa hoàn thành chủ trương đầu tư (Tràng Duệ 03, Kim Thành), nâng tổng diện tích quỹ đất có thể cho thuê trong dài hạn lên gần 2.000ha.
VDSC duy trì mức giá mục tiêu cho cổ phiếu KBC là 40.600 đồng/cp, tương đương với khuyến nghị mua cho mục tiêu dài hạn. KBC tiếp tục là cổ phiếu KCN được lựa chọn trong năm 2025, khi công ty có quỹ đất sẵn sàng cho thuê và thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp FDI (đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc) trong thời gian tới.
>> Quảng Ngãi họp gỡ vướng cho siêu dự án 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG)