Thế giới

Apple 'dội gáo nước lạnh' khiến hai ông lớn Nhật Bản ngỡ ngàng: Kỷ nguyên màn hình ‘Made in Japan’ trên iPhone đã kết thúc?

Thiên Kim 11/09/2024 - 10:58

Các nhà sản xuất màn hình Nhật Bản đã phải trả giá đắt vì không thể theo kịp sự thay đổi của Apple.

Các nhà sản xuất màn hình Nhật Bản sẽ không còn là một phần trong chuỗi cung ứng của Apple, theo Nikkei Asia. Từng là nhà cung cấp màn hình iPhone lớn nhất, họ không lường trước được việc công ty này sẽ chuyển hoàn toàn sang màn hình phát quang hữu cơ (OLED).

‘Ngày tàn’ của màn hình LCD

Tuần trước, Apple thông báo rằng iPhone SE tiếp theo của họ, dự kiến ra mắt vào năm 2025, sẽ sử dụng màn hình OLED. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc thương hiệu “Táo khuyết” sẽ không có mẫu iPhone mới nào được trang bị màn hình LCD.

Japan Display (JDI) và Sharp vốn là 2 nhà cung cấp màn hình LCD cho iPhone SE thế hệ thứ 3, cũng là phiên bản hiện tại. Còn với những mẫu có giá cao hơn, Apple sẽ mua màn hình OLED từ Samsung và LG của Hàn Quốc, cũng như BOE Technology Group của Trung Quốc.

Apple 'dội gáo nước lạnh' khiến hai ông lớn Nhật Bản ngỡ ngàng: Kỷ nguyên màn hình ‘Made in Japan’ trên iPhone đã kết thúc? - ảnh 1
JDI và Sharp sẽ không còn cung cấp màn hình cho Apple sau khi iPhone SE thế hệ thứ 4 ra mắt vào năm 2025. Ảnh: Nikkei Asia

Cả JDI và Sharp đều không sản xuất màn hình OLED cho smartphone, nghĩa là các công ty Nhật Bản sẽ rời chuỗi cung ứng iPhone khi các mẫu SE mới ra mắt đầu năm 2025.

Nikkei Asia cho hay, Sharp đã thương mại hóa màn hình LCD vào những năm 1970 cho màn hình máy tính rồi sau đó được áp dụng trên điện thoại di động, máy tính cá nhân và tivi. Cho đến cuối những năm 1990, các nhà cung cấp Nhật Bản kiểm soát hầu hết thị trường LCD toàn cầu.

Nhưng vào những năm 2000, nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu mất thị phần tấm nền TV lớn khi các công ty Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng cơ sở sản xuất.

Để thích ứng, nhà cung cấp Nhật Bản tập trung nguồn lực vào các tấm nền vừa và nhỏ, dựa vào lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trong việc tiết kiệm năng lượng.

JDI ra đời vào năm 2012 sau thương vụ sáp nhập do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dẫn đầu. Trong đó, Toshiba, Hitachi và Sony đã hợp nhất hoạt động kinh doanh màn hình LCD thành JDI, chiêu mộ các kỹ sư từ Panasonic, Sanyo Electric và Seiko Epson tham gia công ty.

Ban đầu, JDI đạt được đà tăng trưởng ổn định trong kinh doanh nhờ sự phát triển của điện thoại thông minh. Công ty niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo vào tháng 3/2014 và sử dụng nguồn vốn để mở rộng sản xuất LCD.

Cả 2 nhà cung cấp Nhật Bản từng chiếm tới 70% thị phần màn hình LCD iPhone vào khoảng năm 2015.

Hai ông lớn Nhật Bản lao đao

Một bước ngoặt đã xảy đến vào năm 2015 khi Apple quyết định áp dụng tấm nền OLED cho iPhone mới nhằm tìm cách cạnh tranh với Samsung - vốn có lợi thế hơn trong điện thoại sử dụng màn hình OLED.

Đến tháng 1/2016, Apple yêu cầu JDI dừng xây dựng nhà máy Hakusan. Cơ sở trưng bày này được xây dựng tại thành phố Ishikawa theo đề xuất của Apple nhằm tăng cường năng lực sản xuất.

Apple 'dội gáo nước lạnh' khiến hai ông lớn Nhật Bản ngỡ ngàng: Kỷ nguyên màn hình ‘Made in Japan’ trên iPhone đã kết thúc? - ảnh 2
Một công nhân làm việc tại nhà máy Mobara của JDI ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Nhà sản xuất iPhone đã chi khoảng 170 tỷ yên (1,4 tỷ USD vào thời điểm đó) dưới hình thức thanh toán trước. Nhờ khoản thanh toán và sự hiện diện của một khách hàng lớn, JDI đã kỳ vọng sẽ nhanh chóng thu hồi vốn cho chi phí dự án.

Nhưng việc Apple chuyển sang OLED trong mẫu máy chủ lực đã làm xáo trộn kế hoạch của JDI. Nhà máy Hakusan hoàn thành vào năm 2016, nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn trì trệ. Hoạt động sản xuất bị dừng lại vào tháng 7/2019 và nhà máy được bán vào năm 2020.

Trong khi đó, Sharp gặp khủng hoảng kinh doanh vào năm 2015 do đầu tư quá mức vào tấm nền LCD lớn cho TV. Dù đã nỗ lực nghiên cứu và phát triển OLED, nhưng công ty không có đủ nguồn lực tài chính đáng kể cần thiết để sản xuất hàng loạt tấm nền này.

Điện thoại thông minh Trung Quốc hiện cũng áp dụng màn hình OLED trong những mẫu điện thoại hàng đầu của họ, càng khiến thị trường LCD bị thu hẹp thêm. Tấm nền LCD của JDI và Sharp vẫn phụ thuộc vào Apple khi khả năng cạnh tranh của họ bị suy giảm mà không có mô hình doanh thu mới.

Doanh số của JDI giảm xuống dưới 1/4 so với mức đỉnh điểm và vào năm 2023, công ty tuyên bố sẽ tập trung vào màn hình trong xe và thiết bị đeo được thay vì màn hình LCD cho iPhone.

Sharp cũng rút lui khỏi việc sản xuất tấm nền LCD lớn, chuyển sang sản xuất tấm nền cỡ trung cho máy tính bàn và máy tính bảng nhằm đảm bảo lợi nhuận. Nhưng công ty không kỳ vọng sẽ đạt được quy mô như trước đây.

Theo Nikkei Asia

>> ‘Bom tấn’ điện thoại gập 3 của Huawei nhận được 2,7 triệu đơn đặt hàng trước khi iPhone 16 của Apple ra mắt

iPhone 16 tại Việt Nam giá bao nhiêu, khi nào mở bán?

Giật mình với chiếc iPhone lớn nhất thế giới đạt Kỷ lục Guinness : Cao 2m, nặng 200kg nhưng vẫn hoạt động hoàn hảo đến khó tin

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/apple-doi-gao-nuoc-lanh-khien-hai-ong-lon-nhat-ban-ngo-ngang-ky-nguyen-man-hinh-made-in-japan-tren-iphone-da-ket-thuc-126600.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Apple 'dội gáo nước lạnh' khiến hai ông lớn Nhật Bản ngỡ ngàng: Kỷ nguyên màn hình ‘Made in Japan’ trên iPhone đã kết thúc?
    POWERED BY ONECMS & INTECH