Bách hóa Xanh lãi 22 tỷ, sắp mở thêm 400 cửa hàng: CEO MWG tiết lộ kế hoạch IPO đầy tham vọng
Khởi đầu 2025 với con số lãi 22 tỷ không phải là kỳ tích, nhưng là bước chân đầu tiên vững chắc trên con đường chinh phục đỉnh cao lợi nhuận 500 tỷ. Và với MWG, đây cũng là bài kiểm tra lớn cho cả hệ sinh thái bán lẻ mà họ đang nỗ lực tái thiết sau hai năm tái cấu trúc toàn diện.
Lãi 22 tỷ đồng, Bách hóa Xanh có đủ lực chạm mốc 500 tỷ năm 2025?
Bách hóa Xanh – chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), vừa ghi nhận lợi nhuận quý I/2025 đạt 22 tỷ đồng. Đây là con số lãi không lớn nhưng có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ với một chuỗi từng gánh khoản lỗ ngàn tỷ trong quá khứ và đang trên hành trình trở lại đầy quyết liệt.
Theo ông Vũ Đăng Linh – Tổng Giám đốc MWG, dù con số lợi nhuận 22 tỷ trong quý I là tín hiệu tích cực, nhưng để đạt mục tiêu lãi ròng 500 tỷ đồng trong cả năm 2025, Bách hóa Xanh còn một chặng đường dài và đầy thách thức.
"Chúng tôi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng ngay từ đầu, và thách thức cao sẽ đi cùng lợi ích cao", ông Linh nhấn mạnh tại cuộc họp cập nhật kết quả kinh doanh quý diễn ra chiều 22/5.
![]() |
Ông Vũ Đăng Linh, CEO MWG tại ĐHĐCĐ thường niên 2025. Ảnh: MWG. >>> Miễn học phí nhưng lo phụ phí tăng cao: Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói gì? |
Thực tế, doanh thu của chuỗi đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tháng 4/2025, doanh thu Bách hóa Xanh đạt khoảng 3.900 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, chuỗi này mang về 14.900 tỷ đồng, tăng hơn 20% và là chuỗi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hệ sinh thái bán lẻ của MWG.
Tuy nhiên, tăng doanh thu không đồng nghĩa với tăng lợi nhuận ngay tức thì, đặc biệt khi Bách hóa Xanh đang trong giai đoạn mở rộng quy mô mạnh mẽ, đồng nghĩa với chi phí vận hành, logistics và đầu tư hạ tầng tăng cao.
Đáng chú ý, Bách hóa Xanh đang triển khai kế hoạch mở mới tới 400 cửa hàng trong năm 2025, gấp đôi kế hoạch ban đầu. Trong đó, khu vực miền Trung là trọng tâm chiến lược, với hơn 300 cửa hàng đã đi vào hoạt động. Theo CEO MWG, khu vực này có tiềm năng chuyển dịch tiêu dùng lớn, khi người dân dần rời bỏ chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa nhỏ để đến với kênh bán lẻ hiện đại.
Tuy nhiên, cũng chính tại miền Trung, Bách hóa Xanh phải đối mặt với nhiều khác biệt: người tiêu dùng thận trọng hơn, doanh thu bình quân trên cửa hàng thấp hơn miền Nam, và chuỗi cung ứng cần thêm thời gian hoàn thiện. Vì vậy, các cửa hàng mới tại đây thường có thiết kế nhỏ hơn, với doanh thu trung bình 1,2–1,5 tỷ đồng/tháng nhưng đã đạt lợi nhuận dương ở cấp độ vận hành cơ sở.
Song song với kế hoạch mở rộng, MWG cũng lên kế hoạch dài hạn 5 năm cho Bách hóa Xanh, đó là hướng tới tăng trưởng vượt bậc và hiệu quả hoạt động tối ưu. Để tạo động lực, công ty đã chuẩn bị chương trình ESOP (phát hành cổ phần cho người lao động) cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, với tỷ lệ quyền chọn lên tới 5%, gắn liền với các mốc lợi nhuận cụ thể. Mục tiêu xa hơn là đưa Bách hóa Xanh IPO trong vòng 5 năm tới.
iPhone 'miễn nhiễm' với căng thẳng thuế: Lý do từ chuỗi cung ứng châu Á
Trái với lo ngại về ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ nhắm đến hàng hóa Việt Nam, MWG khẳng định, đến nay chưa ghi nhận tác động tiêu cực đáng kể nào, đặc biệt trong mảng điện thoại vốn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của tập đoàn.
“Chính sách thuế quan của Mỹ nếu có tác động cũng chỉ mang tính gián tiếp và chưa ảnh hưởng đến giá mua đầu vào của chúng tôi. Phần lớn hàng hóa, bao gồm cả iPhone, đều được sản xuất và nhập khẩu từ các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ", CEO MWG cho biết.
![]() |
Một trong những yếu tố giúp MWG không bị chao đảo trước các chính sách quốc tế là sự tập trung vào thị trường nội địa. |
>>>VN-Index đảo chiều mất hơn 9 điểm vì lo ngại thuế quan, nhà đầu tư có nên tháo chạy?
Ông Linh nhấn mạnh, dù iPhone là sản phẩm toàn cầu và chịu nhiều biến động chuỗi cung ứng, nhưng hiện Apple đã đa dạng hóa nhà máy, với phần lớn thiết bị phân phối tại Việt Nam được sản xuất tại châu Á – khu vực chưa nằm trong diện bị Mỹ áp thuế trực tiếp.
“Chúng tôi không thấy giá iPhone bị đội lên bởi chính sách thuế như một số khu vực tại Mỹ. Vì vậy, hiện chưa cần điều chỉnh chiến lược giá hay mục tiêu doanh thu từ dòng sản phẩm này.”
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh iPhone đang là một trong những trụ cột lợi nhuận của MWG. Lãnh đạo công ty tiết lộ, các dòng điện thoại cao cấp, trong đó có iPhone, đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng biên lợi nhuận trong quý I/2025, bên cạnh laptop, phụ kiện và nhóm đồ gia dụng.
Một trong những yếu tố giúp MWG không bị chao đảo trước các chính sách quốc tế là sự tập trung vào thị trường nội địa. Với dân số hơn 100 triệu người và cầu tiêu dùng đang phục hồi, thị trường Việt Nam tiếp tục là “địa hạt màu mỡ” mà MWG đặt trọn niềm tin.
“Chúng tôi không phụ thuộc vào xuất khẩu nên chính sách thuế của Mỹ chưa ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh cốt lõi,” ông Linh khẳng định.
Bên cạnh đó, hai năm tái cấu trúc vừa qua giúp MWG củng cố nội lực, đặc biệt là hệ thống logistics, chuỗi cung ứng và vận hành, giúp tập đoàn linh hoạt hơn trước rủi ro từ bên ngoài. Tinh thần thận trọng cũng được thể hiện rõ trong các kế hoạch đầu tư dài hạn.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ trước các quyết định mở rộng hay đầu tư quy mô lớn, để đảm bảo an toàn tài chính và tối ưu hiệu quả,” ông Linh nói thêm.
Hiện MWG đang giữ thị phần điện thoại khổng lồ từ 50% đến 70% tùy khu vực, với mục tiêu đẩy lên mức 70–80% trong vài năm tới. Ở lĩnh vực điện máy, thị phần hiện ở mức khoảng 50%, trong khi nhóm hàng gia dụng – một phân khúc được đánh giá còn dư địa lớn đang là tâm điểm phát triển tiếp theo.
Chiến lược của MWG không chỉ là mở rộng cửa hàng mà còn tập trung vào tối ưu danh mục sản phẩm, gia tăng tỷ trọng nhóm hàng có biên lợi nhuận cao như đồ gia dụng, phụ kiện và các dòng thiết bị công nghệ phục vụ cá nhân. Điều này giúp MWG duy trì hiệu quả tài chính ngay cả trong bối cảnh sức mua chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch.