Vĩ mô

Bài học từ Trump 1.0: Việt Nam nên làm gì để giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

Trường Thanh 15/04/2025 12:44

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường, chính sách thuế đối ứng của Mỹ là một “hồi chuông cảnh báo” chứ không phải “mỏ vàng” như giai đoạn Trump nhiệm kỳ đầu. Việt Nam không thể lặp lại mô hình cũ nếu muốn giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Donald Trump bất ngờ công bố mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, rồi ngay sau đó tạm hoãn trong vòng 90 ngày. Sự đảo chiều nhanh chóng này khiến giới quan sát cho rằng đây là “phép thử” hơn là quyết sách cuối cùng.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam – một trong năm nước gây thâm hụt thương mại cao nhất với Mỹ – đây lại là khoảng thời gian then chốt để đánh giá lại toàn bộ mô hình tăng trưởng phụ thuộc xuất khẩu, đồng thời thiết lập lại quan hệ thương mại bền vững với Mỹ trong giai đoạn bất định sắp tới.

Trong talkshow chuyên đề “Bàn tròn chính sách: Mỹ áp thuế – Các kịch bản & ứng phó hậu đàm phán” do VietnamBiz tổ chức ngày 11/4/2025, các chuyên gia hàng đầu đã chỉ ra những điểm mấu chốt về rủi ro chính sách, năng lực cải cách thể chế và bài toán đầu tư nước ngoài, từ đó gợi mở hướng đi chiến lược nhằm giúp Việt Nam tránh được “cái bẫy chiến lược” đã từng vấp phải ở nhiệm kỳ Trump 1.0.

Bài học từ Trump 1.0: Việt Nam nên làm gì để giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Bàn tròn chính sách: “Mỹ áp thuế – Các kịch bản & ứng phó hậu đàm phán”. Nguồn: Talkshow "Bàn tròn chính sách" do VietnamBiz tổ chức, phát sóng ngày 11/4/2025.

Thặng dư cao không còn là lợi thế

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường, Việt Nam từng “hưởng lợi ngắn hạn nhưng trả giá dài hạn” trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên. Khi đó, Việt Nam gia tăng xuất khẩu mạnh nhờ làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, đẩy thị phần tại Mỹ từ 2% lên 4,1%. Thặng dư thương mại tăng chóng mặt đã giúp GDP tăng nhưng cũng đẩy Việt Nam vào danh sách theo dõi của Mỹ – một cái giá phải trả trong dài hạn. “Chính sách thuế đối ứng lần này là hồi chuông cảnh báo chứ không phải phần thưởng”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng chỉ ra 3 giai đoạn lịch sử khi Mỹ ưu tiên tuyệt đối lợi ích quốc gia. Lần đầu là năm 1971 khi Mỹ từ bỏ bản vị vàng để cứu đồng USD giữa khủng hoảng. Lần thứ hai là năm 1985 với Hiệp định Plaza nhằm giảm giá USD trước thặng dư thương mại quá lớn từ Nhật và Đức. Lần thứ ba, theo ông, chính là bối cảnh hiện tại, khi Tổng thống Trump đẩy cuộc chiến thuế quan lên đỉnh điểm với Trung Quốc và cảnh báo toàn cầu.

Ngoài yếu tố thuế suất, ông Cường cảnh báo rằng báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ đã chỉ rõ các yếu tố phi thuế – như minh bạch xuất xứ, cải cách thị trường vốn, lao động, và sở hữu trí tuệ – là những trọng tâm trong chính sách đàm phán. “Mức 46% phản ánh tổng tất cả rào cản thương mại mà Mỹ cho rằng Việt Nam chưa cải thiện”, ông nói thêm. Vì vậy, việc chỉ tập trung vào đàm phán thuế suất sẽ là chưa đủ nếu Việt Nam không có một lộ trình cải cách thể chế rõ ràng, toàn diện.

Cửa đàm phán vẫn rộng mở, nhưng không thể chủ quan

Theo ông Trần Ngọc Báu – CEO WiGroup, Việt Nam vẫn có dư địa đáng kể để đàm phán. Với tỷ trọng nhập khẩu chỉ 4,1%, Việt Nam đứng sau Canada, Mexico và Trung Quốc – những quốc gia chiếm hơn 60% tổng nhập khẩu vào Mỹ. “Nếu Mỹ thực sự muốn giải bài toán thâm hụt thương mại, họ sẽ nhắm đến Trung Quốc, không phải Việt Nam”, ông Báu nhận định. Đồng thời, chính sách đánh thuế 125% với hàng Trung Quốc được ví như một lệnh “cấm vận mềm”, buộc Mỹ phải tìm nguồn thay thế – trong đó Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, ông Báu cũng lưu ý rằng môi trường chính trị – xã hội tại Mỹ đang tạo áp lực lớn lên chính quyền. GDP quý I/2025 được ước tính giảm 2,5%, kỳ vọng lạm phát tăng lên 5% trong khi mục tiêu chỉ là 2%. “Tâm lý người tiêu dùng Mỹ đang vụn vỡ. Nếu giá cả tăng mạnh do thuế, chính quyền Trump sẽ đối mặt với phản ứng ngược rất lớn”, ông phân tích. Điều này khiến giai đoạn 90 ngày hoãn thuế trở thành thời gian chiến lược, cả về kinh tế lẫn chính trị.

Từ góc độ FDI, ông Nguyễn Minh Cường phân tích rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ không lập tức rút lui, nhưng sẽ chờ đợi phản ứng chính sách từ cả hai phía. “Các doanh nghiệp FDI cũng giống như Việt Nam – họ đang chờ xem liệu chính sách thuế có phải là bước đi chiến lược lâu dài hay chỉ là đòn bẩy đàm phán”, ông Cường nói. Điều họ quan tâm sâu sắc không chỉ là thuế mà là tín hiệu cải cách thể chế nội tại – yếu tố then chốt để quyết định mở rộng hay co hẹp đầu tư.

Từ đối phó ngắn hạn sang chiến lược dài hạn

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Vina T&T Group – cho biết các nhà nhập khẩu Mỹ đang rất lo ngại. “Trước kia mua hàng 10 đồng, giờ phải bỏ 15 đồng. Thu nhập không tăng, nên họ hoang mang”, ông chia sẻ. Bản thân doanh nghiệp Việt cũng phải đẩy mạnh chuyển đổi: giao hàng chuyển từ CNF sang FOB, đàm phán giảm giá cước tàu, chia sẻ lợi nhuận để duy trì sức cạnh tranh. Ông Tùng cảnh báo: “Nếu thuế 46% được giữ nguyên, chúng tôi phải giảm giá bán ít nhất 16 – 17% để giữ thị phần.”

Các doanh nghiệp cũng không ngồi yên. Vina T&T đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Với ngành rau quả, Việt Nam thậm chí đang nhập siêu từ Mỹ, nên có thể đàm phán thuận lợi hơn các ngành khác. “Chúng tôi hy vọng có thể chứng minh được xuất xứ minh bạch để ngành này không bị đánh thuế cao”, ông nói.

Từ góc độ đầu tư, ông Lê Khánh Lâm – Phó Tổng Giám đốc RSM Việt Nam – nhận định khả năng FDI tháo lui là rất thấp. “Để Apple dịch chuyển 10% sản lượng về Mỹ phải mất ít nhất ba năm,” ông phân tích. Việt Nam hiện sản xuất trên 80% Apple Watch và hơn 50% sản phẩm Nike. Hệ thống chuỗi cung ứng ở Việt Nam không dễ thay thế. Ông kỳ vọng mức thuế cuối cùng Mỹ áp cho Việt Nam chỉ vào khoảng 10 – 12%, đủ để vừa bảo vệ sản xuất nội địa vừa giữ chân các doanh nghiệp FDI.

Ngoài lợi thế địa lý, Việt Nam còn có chính sách thuế ưu đãi vượt trội so với nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Singapore. “Nếu biết tận dụng tín hiệu hoãn thuế để cải cách kịp thời, giữ chân FDI là hoàn toàn khả thi,” ông Lâm khẳng định. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang phân mảnh, Việt Nam vẫn có thể trở thành “điểm đến bền vững” nếu không lặp lại tư duy ứng biến ngắn hạn như giai đoạn Trump 1.0.

Cuộc chiến thuế quan lần này không đơn thuần là va chạm thương mại – đó là bài kiểm tra toàn diện về thể chế, chiến lược và tầm nhìn phát triển dài hạn của Việt Nam. Không thể lặp lại quá khứ chỉ bằng việc “chạy hàng” và “né thuế”. Đã đến lúc Việt Nam cần chủ động chuyển mình, từ nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu giá rẻ sang mô hình tăng trưởng có chiều sâu, có cải cách và có bản lĩnh chiến lược.

>> Tỷ giá, lãi suất, đầu tư tư nhân trước thuế quan Mỹ: VDSC đưa ra kịch bản phản ứng chính sách thế nào?

Bất động sản công nghiệp Việt Nam thời Trump 2.0: Lợi thế hay 'bẫy' tăng trưởng?

Thế trận ngành thép thời Trump 2.0: Nếu Hòa Phát, Hoa Sen xây nhà máy tại Mỹ...

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bai-hoc-tu-trump-10-viet-nam-nen-lam-gi-de-giu-vung-vi-the-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau-286750.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bài học từ Trump 1.0: Việt Nam nên làm gì để giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH