Vĩ mô

PGS.TS Trần Đình Thiên: Thương chiến Trump 2.0 – Việt Nam đang ở ‘lằn ranh’ giữa cơ hội và rủi ro lớn nhất từ trước đến nay

Trường Thanh 17/02/2025 12:01

Ngay sau khi tái nhậm chức, Tổng thống Trump đã áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, châm ngòi cho một cuộc đối đầu thương mại mới. Căng thẳng leo thang không chỉ làm rung chuyển quan hệ Mỹ - Trung mà còn tác động mạnh đến các quốc gia trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là Việt Nam.

Bước vào nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump, căng thẳng thương mại leo thang mạnh mẽ và khó lường hơn bao giờ hết. Động thái áp thuế 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ giáng đòn trực diện vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn có nguy cơ gây rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam – nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế – đang đứng trước bước ngoặt lớn: tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư để bứt phá hay trở thành mục tiêu tiếp theo của các biện pháp siết chặt thương mại từ Mỹ?

Để làm rõ các tác động của chính sách thương mại Mỹ – Trung có thể xảy ra đối với Việt Nam và những kịch bản ứng phó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VIE – VASS). Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu kinh tế vĩ mô và chiến lược phát triển quốc gia, ông đã đưa ra những phân tích sắc bén và khuyến nghị quan trọng cho Việt Nam trong giai đoạn đầy biến động này.

ava.png
PGS.TS Trần Đình Thiên là một chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam. Ông từng là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện. Ông cũng là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia và từng tham gia Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Mới đây, tổng thống Trump vừa kích hoạt đợt áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đẩy căng thẳng thương mại vào vòng xoáy mới. So với giai đoạn 2018-2020, ông đánh giá mức độ leo thang lần này thế nào? Theo ông, liệu xung đột có thể vượt ngưỡng đối đầu thuế quan, châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn diện, tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu?

PGS.TS Trần Đình Thiên: So với giai đoạn trước, mức độ căng thẳng thương mại lần này gia tăng đáng kể và ngay lập tức. Nếu như trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump chỉ bắt đầu áp thuế sau khoảng gần hai năm đánh giá tình hình, thì lần này, ngay từ trước khi nhậm chức, ông đã liên tục đe dọa tăng thuế. Điều đáng lưu ý là tuy mới đe dọa, tác động thực tiễn đã có ngay.

Ngay sau khi chính thức bước vào nhiệm kỳ mới, chính sách áp thuế quan cao đã được triển khai tức thì, với phạm vi rộng hơn rất nhiều. Đáng chú ý, không chỉ Trung Quốc là mục tiêu, mà nhiều quốc gia khác cũng bị nhắm đến, bao gồm cả những láng giềng kề cận và “bạn bè” của Mỹ. Đó là Mexico, Canada, và thậm chí cả Liên minh châu Âu (EU) - những chủ thể gây thâm hụt thương mại lớn nhất cho Mỹ năm 2024.

Mỹ cũng vừa công bố quyết định áp thuế đối với các sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu, áp dụng với tất cả các quốc gia, không có ngoại lệ. Gần đây nhất là chính sách thuế quan chung theo tinh thần “ăn miếng – trả miếng”: anh đánh tôi đòn nào, tôi trả đòn ấy.

Điều này cho thấy cách tiếp cận của chính quyền Trump lần này mang tính toàn diện và quyết liệt hơn nhiều so với trước. Nếu giai đoạn 2018-2020, Trung Quốc là mục tiêu trọng điểm – duy nhất thì hiện nay, chiến lược áp thuế được tuyên bố mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là trọng điểm chính.

Cho đến nay, tuy Mỹ chỉ mới gia tăng áp lực “dọa”, song Canada, Mexico – và gần đây nhất, Ấn Độ, đã chấp nhận nhượng bộ Mỹ. Trung Quốc, “mềm” hơn, song vẫn trong thế “hãy đợi đấy”. Những động thái nói trên chứng tỏ hiệu lực của chính sách thuế quan của chính quyền Donald Trump. Nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn cầu trở nên khó lường hơn.

untitled-1-01.jpg

Hiện nay, Tổng thống Trump vẫn duy trì chiến thuật "gây sức ép tâm lý" thông qua những tuyên bố cứng rắn và liên tục gia tăng áp lực trước khi thực hiện các biện pháp cụ thể. Cách tiếp cận này đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Đối với Trung Quốc, mức thuế 10% mới áp dụng đã khiến Bắc Kinh phải có động thái đáp trả. Tuy nhiên, dư địa phản ứng của Trung Quốc hiện nay không còn rộng rãi như trước, do nền kinh tế nước này đang đối mặt với nhiều thách thức nội tại. Thêm vào đó, xu thế chịu “lùi bước sớm” trước đòn thuế của Mỹ của một số nền kinh tế, đặc biệt là Ấn Độ - hành xử theo phương châm “đồng tiền đi trước”, cũng là yếu tố gia tăng áp lực.

Trong bối cảnh Mỹ đang tái cơ cấu trật tự thương mại toàn cầu, Trung Quốc buộc phải tính toán kỹ lưỡng hơn trong từng bước đi: không thể quá cứng rắn nhưng cũng không thể dễ dàng “nhân nhượng”. Vị thế quốc tế mà Trung Quốc muốn có và muốn giữ đòi hỏi những biện pháp đáp trả “đúng tầm”.

Câu hỏi “liệu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang thành cuộc chiến thương mại toàn cầu hay không?” - theo tôi, khả năng này rất cao. Hiện tại, đang là “chiến tranh cục bộ”, nhưng nguy cơ chuyển hóa thành cuộc chiến tranh toàn cầu là rất tiềm tàng.

Điều đáng chú ý là cách thức gia tăng áp lực hay “nghệ thuật ra đòn” của Tổng thống Trump cực kỳ mềm dẻo luôn mang tính khó lường, bất ngờ và khác thường. Vì vậy, rất khó để dự đoán chính xác diễn biến tiếp theo. Đây là yếu tố mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý khi đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại này đối với kinh tế toàn cầu.

untitled-1-02.jpg

PV: Tổng thống Donald Trump có xu hướng sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán chiến lược nhằm gây áp lực và buộc các đối tác thương mại nhượng bộ. Theo ông, động thái này mang tính chiến thuật tạm thời hay sẽ định hình lại trật tự thương mại toàn cầu? Những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ sẽ ảnh hưởng ra sao đến WTO và các hiệp định thương mại đa phương?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tổng thống Trump coi thuế quan như một công cụ đặc biệt hiệu quả, thậm chí là công cụ quan trọng bậc nhất trong việc điều chỉnh thương mại quốc tế. Và như diễn biến thực tế cho thấy, trong tay ông, nó là công cụ có sức mạnh khác thường, thậm chí có thể có tác động thay đổi diễn biến các cuộc chiến tranh.

Ngay khi lên nắm quyền, ông Trump đã triển khai những đòn đánh thuế quyết liệt, tạo hiệu ứng mạnh tức thì. Nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng toàn cầu hóa, vai trò của kinh tế đối ngoại càng nổi bật, ông Trump chủ trương sử dụng thuế quan như một công cụ chiến lược thay vì chỉ là một giải pháp tình thế, nhằm định hình lại trật tự thương mại toàn cầu, tái cấu trúc các luồng đầu tư và thiết lập một cấu trúc kinh tế thế giới mới.

Điều đáng chú ý là những biện pháp thuế quan này không chỉ hướng đến mục tiêu thương mại hay kinh tế đơn thuần. Chúng còn là giải pháp hiệu quả bậc nhất để phục vụ một chiến lược lớn hơn – chiến lược “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, khẳng định vị thế cường quốc số một toàn cầu. Trọng tâm của chiến lược không chỉ là kinh tế mà còn bao trùm các lĩnh vực chính trị, an ninh. Chẳng hạn, chính sách áp thuế đối với Canada không đơn thuần là điều chỉnh cán cân thương mại mà còn nhằm tạo áp lực buộc Ottawa kiểm soát tốt vấn đề nhập cư và buôn lậu fentanyl vào Mỹ. Tương tự, với Mexico, các biện pháp thuế quan không chỉ liên quan đến thương mại mà còn được sử dụng để giải quyết nạn buôn lậu ma túy, dòng nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là nhập cư các loại tội phạm.

Donald Trump thực sự là bậc thầy trong việc sử dụng thuế quan như một công cụ đa năng – vạn năng, không chỉ để xử lý các xung đột kinh tế mà còn để gây sức ép chính trị - ngoại giao - quân sự. Chỉ dùng một “chiêu”, nhưng có sức biến hóa phi thường, để thiết lập cuộc chơi toàn cầu theo cách của mình – có lẽ đó là điều mà thế giới phải để tâm theo dõi cách Tổng thống Mỹ hành động.

untitled-1-03.jpg

Trong kinh tế, thuế quan không chỉ đơn thuần là một công cụ thương mại mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư. Cho đến nay, trong thương chiến Mỹ - Trung, Mỹ tạo áp lực dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc ra ngoài (offshoring), hướng mạnh dòng đầu tư đó vào các quốc gia đồng minh (friendshoring). Nhưng chính sách của ông Trump hiện nay chủ đạo là "reshoring" – tức là kéo dòng vốn đầu tư quay trở lại Mỹ. Ông Trump đã sử dụng thuế quan như một biện pháp gây áp lực mạnh để buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược đầu tư “ưu tiên vào Mỹ”. Khi mức thuế đánh vào Trung Quốc gia tăng, dòng vốn không còn chỉ chuyển sang các nước có quan hệ thân thiện với Mỹ mà trước hết, phải định hướng về Mỹ. Đây chính là một trong nội dung quan trọng nhất của cuộc chiến công nghệ cao đang diễn ra trên thế giới khi Mỹ gia tăng áp lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chip bán dẫn cao cấp.

Những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ chắc chắn sẽ tác động mạnh đến các hiệp định thương mại đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu. Nhiều quốc gia đang phải điều chỉnh chính sách để thích ứng với sức ép thuế quan từ Mỹ. Ấn Độ gần đây đã chủ động đưa ra các biện pháp giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để tránh rơi vào xung đột thương mại. Tôi cho rằng quan hệ thương mại quốc tế đang và sẽ bị xáo trộn mạnh, có xu hướng định hình một trật tự mới mà Mỹ giữ vai trò trung tâm. Nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, vai trò của WTO và các hiệp định thương mại đa phương có thể sẽ bị suy giảm, các quốc gia sẽ phải điều chỉnh chiến lược để thích ứng với một trật tự thương mại mới. Đây là một diễn biến quan trọng cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới.

PV: Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang với vòng xoáy thuế quan mới, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ buộc các doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược sản xuất. Theo ông, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội từ làn sóng chuyển dịch FDI hay đối mặt với áp lực gia tăng từ các rào cản thương mại và chính sách bảo hộ của Mỹ?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Hiện nay, thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc đã và đang thúc đẩy xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Một phần quan trọng dòng vốn này quay trở lại Mỹ, nhưng nhiều cơ sở sản xuất lại chuyển sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam là một trong những tọa độ lựa chọn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự dịch chuyển này không đơn thuần mang lại lợi ích mà còn tiềm ẩn cả những thách thức.

Một mặt, việc dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam có thể giúp nền kinh tế hưởng lợi từ dòng vốn FDI, tạo thêm việc làm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Việt Nam có đủ điều kiện để tiếp nhận dòng vốn chất lượng cao hay không. Nếu các điều kiện về hạ tầng, nhân lực và chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp công nghệ cao, thì như những gì có được cho đến nay - Việt Nam sẽ chỉ thu hút được các dự án đầu tư trình độ thấp, mang tính đầu cơ. Trong trường hợp đó, thay vì được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm đến của những dự án chất lượng thấp, tiêu tốn tài nguyên, làm gia tăng sức ép lên môi trường, tạo thành lực cản đáng lo ngại cho Việt Nam trong nỗ lực thoát khỏi tụt hậu, “tiến kịp” để “sánh vai”.

Một rủi ro lớn khác là khả năng doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng Việt Nam như một "trạm trung chuyển" để lách thuế quan nhập khẩu vào Mỹ. Nhiều doanh nghiệp loại đó di chuyển nhanh sang Việt Nam nhưng chỉ thực hiện công đoạn gia công tối thiểu, với giá trị gia tăng không đáng kể, rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh mức thuế quan cao tính theo xuất xứ mà Washington áp đặt. Nếu tình trạng này diễn ra, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp thuế trừng phạt vì cáo buộc “gian lận thương mại”. Việc dung túng hoặc lơ là trong quản lý có thể khiến Việt Nam bị xếp vào nhóm các quốc gia “thao túng tiền tệ”, kéo theo những hệ quả nghiêm trọng về quan hệ kinh tế đối ngoại.

Trên thực tế, xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam đã xuất hiện từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, khi ông khởi xướng chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có những đánh giá toàn diện và sâu sắc về tác động của làn sóng đầu tư này. Đến khi chính quyền Biden lên nắm quyền, vấn đề này không còn được chú ý đúng mức. Tuy nhiên, hiện nay, nguy cơ bị Mỹ trừng phạt thương mại đang dần hiện rõ, đòi hỏi Việt Nam phải nghiên cứu và đánh giá nghiêm túc về cơ cấu, diễn biến và xu hướng của dòng vốn FDI đang đổ vào Việt Nam.

untitled-1-04.jpg

Một điểm quan trọng cần xem xét là nếu xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng đột biến, đặc biệt là ở các ngành hàng liên quan đến chuỗi cung ứng Trung Quốc, Việt Nam có thể rơi vào tầm ngắm của Mỹ với các cáo buộc thao túng tiền tệ hoặc vi phạm quy tắc thương mại công bằng. Khi đó, hậu quả không chỉ dừng lại ở một số ngành hàng mà có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam sẽ không chỉ đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt thương mại từ Mỹ mà còn ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế với các đối tác lớn khác trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam cần có cách tiếp cận thận trọng, chủ động đánh giá các hệ quả dài hạn để đưa ra những chính sách phù hợp nhằm tận dụng cơ hội mà không rơi vào bẫy rủi ro từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu.

PV: Dưới thời Trump 2.0, Mỹ có thể gia tăng giám sát thương mại với Việt Nam do thâm hụt cán cân thương mại, nguy cơ gian lận xuất xứ và rủi ro thao túng tiền tệ. Theo ông, Việt Nam cần chiến lược ứng phó như thế nào để duy trì lợi thế cạnh tranh và tránh rủi ro trừng phạt thương mại?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chắc chắn Mỹ sẽ tăng cường giám sát thương mại với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng đột biến như thời gian vừa qua. Một mức tăng trưởng quá nhanh, thiếu cơ sở thuyết phục (theo logic của Donald Trump), sẽ rất khó được Mỹ chấp nhận. Nếu không thể giải thích rõ ràng về nguồn gốc của sự gia tăng, nguy cơ bị quy kết “có hành vi gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ” sẽ biến thành hiện thực.

Hiện nay, với các công cụ và nguyên tắc kiểm tra xuất xứ thương mại ngày càng hoàn thiện, việc phát hiện gian lận không còn là thách thức lớn, nhất là đối với Mỹ. Do đó, nếu vi phạm, nguy cơ bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ hoặc bị trừng phạt vì gian lận xuất xứ thương mại là rất cao. Mặc dù hiện tại Mỹ chưa có quyết định cụ thể nào, nhưng với phong cách của Tổng thống Donald Trump, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho những động thái cứng rắn và quyết liệt hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ đang duy trì một lập trường nghiêm khắc đối với Trung Quốc và các quốc gia có liên quan đến chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Nếu Việt Nam bị xác định có hành vi gian lận xuất xứ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Một trong những biện pháp trừng phạt đầu tiên có thể là áp thuế quan cao lên hàng hóa Việt Nam, không chỉ đối với một số mặt hàng, một số doanh nghiệp có tăng trưởng xuất khẩu đột biến, mà có thể mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác. Khi đó, ngay cả những doanh nghiệp không vi phạm gian lận thương mại cũng bị đưa vào diện điều tra, gây tổn thất lớn cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài thuế quan, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp tiền tệ - tỷ giá, kiểm soát đầu tư chặt chẽ hơn và hạn chế các hoạt động chuyển giao công nghệ. Những rủi ro này đòi hỏi Việt Nam phải có một chiến lược phản ứng phù hợp, không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn từ cấp độ Chính phủ.

untitled-1-05.jpg

Trước hết, Việt Nam cần có thái độ nghiêm túc trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là với các luồng đầu tư từ Trung Quốc. Cũng cần lưu ý rằng có hai dạng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc: một là từ các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc di dời sang Việt Nam; hai là từ các doanh nghiệp “quốc tịch” Trung Quốc. Cũng để tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cả, song có những mục tiêu cụ thể và cách ứng xử khác nhau, nên tiềm ẩn những khả năng gây nguy cơ khác nhau.

Việt Nam không thể dung túng hay làm ngơ trước các hành vi gian lận xuất xứ. Nếu bị coi là đồng lõa với các hoạt động này để hưởng lợi trước mắt, nguy cơ bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ trở thành hiện thực. Vì vậy, Chính phủ cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đưa ra chế tài nghiêm khắc để xử lý các doanh nghiệp có hành vi gian lận xuất xứ, nhằm bảo vệ môi trường thương mại minh bạch và lành mạnh.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc hợp tác với Chính phủ và tuân thủ nghiêm túc các quy định về xuất xứ là điều tối quan trọng. Cần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong các quy trình sản xuất và xuất khẩu để có thể chứng minh được giá trị gia tăng thực sự của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cần chủ động làm rõ cơ cấu sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và tỷ lệ nội địa hóa của từng mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có kim ngạch lớn sang Mỹ.

Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, nguy cơ bị Mỹ trừng phạt không còn là một khả năng xa vời. Đây không chỉ là vấn đề thương mại, mà còn liên quan đến chiến lược phát triển đất nước dài hạn. Nên lưu ý rằng trong số bốn nước gây thâm hụt thương mại lớn nhất cho Mỹ năm 2024, ba nước đứng đầu đã bị “trừng phạt” trong khi Việt Nam ta đứng ở vị trí thứ tư.

PV: Việc Mỹ áp thuế lên Trung Quốc có thể làm gia tăng lạm phát, buộc Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, từ đó tác động mạnh đến dòng vốn, tỷ giá và cán cân thanh toán của các nền kinh tế mới nổi. Ông đánh giá những hệ lụy vĩ mô này ra sao? Việt Nam cần điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa thế nào để ứng phó, đồng thời giải quyết ràng buộc “bộ ba bất khả thi”?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng kịp thời trước diễn biến của chiến tranh thương mại, với việc tổ chức phối hợp các bộ, ngành, thảo luận, xây dựng các kịch bản ứng phó. Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và mở rộng ra toàn tuyến, toàn diện, diễn biến sẽ trở nên khó lường hơn nhiều.

Việt Nam đang chủ động đối phó hiệu quả với tình hình; năng lực quản trị vĩ mô, đặc biệt trong lĩnh vực tài khóa và chính sách tiền tệ, đã được củng cố đáng kể. Cách tiếp cận linh hoạt trong quan hệ quốc tế cũng giúp Việt Nam tránh được những cú sốc lớn từ các biến động toàn cầu. Chúng ta có cơ sở để tự tin để ứng phó với thời cuộc.

Việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc nhằm tái định hình chuỗi cung ứng và đưa sản xuất quay trở lại Mỹ theo chiến lược "Make America Great Again". Lãi suất ở Mỹ tăng khiến đồng USD mạnh lên, hút mạnh dòng vốn đầu tư về Mỹ. Đây là động thái chiến lược nhằm duy trì vị thế trung tâm của nền kinh tế Mỹ trong hệ thống kinh tế - thương mại toàn cầu. Tác động lan tỏa từ chính sách này là rất lớn, đặc biệt đối với các nền kinh tế có mức độ phụ thuộc cao vào thương mại và đầu tư quốc tế như Việt Nam.

Việt Nam có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với cả Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Do đó, bất kỳ thay đổi nào trong chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, các doanh nghiệp tại Trung Quốc sẽ tìm cách điều chỉnh chuỗi cung ứng, có thể dịch chuyển sang Việt Nam để né tránh hàng rào thuế quan. Điều này tạo ra cơ hội nhưng cũng gây thách thức. Cùng với đó, nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn về tỷ giá hối đoái, dòng vốn và khả năng cạnh tranh thương mại.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần ứng phó như thế nào để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng cơ hội từ sự tái cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Một trong những nguyên tắc quan trọng là Việt Nam không thể chỉ tìm kiếm lợi ích ngắn hạn mà phải có chiến lược dài hạn, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế. Trong bối cảnh này, "bộ ba bất khả thi" – sự đánh đổi giữa chính sách tỷ giá hối đoái, tự do hóa dòng vốn và ổn định tiền tệ – trở thành một bài toán then chốt cần giải quyết.

Việt Nam cần có một chính sách tỷ giá linh hoạt hơn, tránh giữ tỷ giá cứng nhắc để duy trì lợi thế xuất khẩu trong ngắn hạn, nhưng cũng không gây “sốc”, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, chính sách lãi suất cần được điều chỉnh theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí thấp, hợp lý hơn. Nếu không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển, nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc vào dòng vốn FDI, làm gia tăng rủi ro dài hạn.

untitled-1-06.jpg

Việc điều chỉnh chính sách kinh tế trong giai đoạn này đòi hỏi sự cân bằng giữa các yếu tố ngắn hạn và dài hạn. Nếu chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt mà không tính toán kỹ lưỡng, Việt Nam có thể gặp phải những tổn thất nghiêm trọng trong tương lai. Đặc biệt, các chính sách phản ứng ngắn hạn nếu không phù hợp có thể khiến Việt Nam rơi vào thế bị động trước các động thái chính sách khó lường của chính quyền Trump. Thời gian qua, chúng ta đã xử lý khá tốt các vấn đề liên quan đến “thao túng tiền tệ” và tỷ giá hối đoái. Lần này càng cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để tránh rơi vào tình thế xấu.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không chỉ nằm ở "bộ ba bất khả thi", mà còn liên quan đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế thị trường đòi hỏi khu vực tư nhân Việt Nam phải đóng vai trò trung tâm, được tạo điều kiện để phát triển mạnh. Trong thời gian qua, khu vực tư nhân Việt vẫn là lực lượng “yếu thế”, làm giảm sút đáng kể năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thiếu một môi trường cạnh tranh công bằng, khu vực tư nhân “nội” khó lớn mạnh, dẫn đến chỗ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực FDI, tính tự chủ của nền kinh tế bị suy giảm.

untitled-1-07.jpg

Chính phủ đã có những động thái tích cực trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là trong việc thay đổi cơ chế quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước. Việc giải tán Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước là một bước đi đúng hướng, giúp các doanh nghiệp nhà nước có quyền tự chủ, hoạt động theo cơ chế thị trường nhiều hơn, chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình và giảm sự phụ thuộc vào “bảo hộ nhà nước”.

Đối với doanh nghiệp FDI, Việt Nam cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt trong vấn đề gian lận thương mại và chuyển giá. Việt Nam có thể bị các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Mỹ, áp đặt các biện pháp trừng phạt, do đó, cần chủ động tăng cường giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp FDI hoạt động minh bạch hơn.

Tình huống hiện tại là một thử thách lớn nhưng cũng mở ra cơ hội quan trọng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, nếu Việt Nam có thể tận dụng tốt những "khe hở" của thị trường để bứt phá, vị thế kinh tế sẽ được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi chiến lược đúng đắn, sự thông minh và linh hoạt trong điều hành chính sách, không thể chỉ dựa vào những lợi ích ngắn hạn. Một môi trường cởi mở không chỉ cho doanh nghiệp mà đặc biệt là cho giới khoa học, chuyên gia; thúc đẩy các cuộc thảo luận và tranh luận theo tinh thần của Tổng Bí thư – “nhìn thẳng sự thật, nhìn thấy sự thật và nói ra sự thật” – là cách tốt nhất để phát huy trí tuệ đất nước, tạo sự cộng hưởng sức mạnh quốc gia, thực hiện hiệu quả khát vọng vươn lên của dân tộc.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Đình Thiên đã chia sẻ những phân tích sắc bén về cục diện thương mại toàn cầu và tác động tới Việt Nam. Trong bối cảnh đầy biến động, những góc nhìn sâu sắc của ông sẽ giúp Việt Nam định hướng chiến lược để tận dụng cơ hội, hóa giải rủi ro và vững bước trên bản đồ kinh tế thế giới.

>> Lạm phát Mỹ hạ nhiệt nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu 2%: Fed sẽ làm gì tiếp theo?

Điều doanh nghiệp Việt lo nhất khi bùng nổ thương chiến Mỹ - Trung

PGS. TS Trần Đình Thiên: 'Số 1' của VinFast là cột mốc đáng tự hào của người Việt

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pgsts-tran-dinh-thien-thuong-chien-trump-20-viet-nam-dang-o-lan-ranh-giua-co-hoi-va-rui-ro-lon-nhat-tu-truoc-den-nay-276806.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    PGS.TS Trần Đình Thiên: Thương chiến Trump 2.0 – Việt Nam đang ở ‘lằn ranh’ giữa cơ hội và rủi ro lớn nhất từ trước đến nay
    POWERED BY ONECMS & INTECH