Bán dàn trải - mua trọng tâm: Thấy gì từ chiến lược “đi tiền” của khối ngoại trước kỳ vọng nâng hạng?

25-05-2024 18:46|Quốc Trung

Thời gian để về đích kế hoạch nâng hạng thị trường chứng khoán hiện không còn nhiều trong khi việc áp dụng hệ thống KRX, bỏ cơ chế ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) hay nới room khối ngoại vẫn là những bài toán chưa định ngày “công bố đáp án”.

Nâng hạng là câu chuyện lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong cả thập kỷ. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường mới thực sự quan tâm và kỳ vọng nhiều đến “keyword” này. Sự quan tâm được thể hiện từ quyết tâm của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng tới các Bộ ngành liên quan đến UBCKNN.

nang-hang-tt.png
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong nhóm cận biên suốt nhiều năm qua

Theo kế hoạch, Việt Nam phấn đấu nâng hạng thị trường trong năm 2025. Điều này đồng nghĩa quãng thời gian để “sửa soạn” là không còn nhiều trong khi các bước quan trọng như áp dụng hệ thống KRX, bỏ cơ chế ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) hay nới room ngoại vẫn là những bài toán chưa định ngày “công bố đáp án”.

Liên quan đến chủ đề khối ngoại, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh - Giám đốc Khối Phân tích và Đầu tư, CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), thông tin đến nhà đầu tư và Quý độc giả góc nhìn về câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán dưới lăng kính chuyển động dòng tiền khối ngoại.

Nhận diện những chủ đề khối ngoại quan tâm

Tính đến trước tháng 5/2024, khối ngoại đã gần như duy trì nhịp bán ròng trong 12 tháng liên tiếp. Chỉ tính riêng sàn HoSE, giá trị bán ròng đã lên tới 49.600 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu như HPG, HSG (thép); DGC (hóa chất); PDR, KDH, NLG, KBC, VCG (bất động sản-xây dựng), FRT (bán lẻ); FTS, VIX, BSI, SSI (chứng khoán) vẫn ghi nhận giá trị mua ròng từ vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng.

Bán dàn trải - mua trọng tâm: Thấy gì từ chiến lược “đi tiền” của khối ngoại trước kỳ vọng nâng hạng?
Nguồn: ABS Research

Theo bà, đâu là điểm chung của những cổ phiếu được mua ròng trong 18 tháng qua?

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Trong môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động, với các chính sách lãi suất đa dạng giữa các quốc gia, việc nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ trọng đầu tư tại các môi trường kinh tế lợi nhuận thấp là một diễn biến không mới.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy thời gian qua, mặc dù bán ròng với giá trị rất lớn nhưng nhà đầu tư ngoại vẫn mua ròng tại nhiều cổ phiếu. Việc mua vào chủ yếu do các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp với triển vọng kết quả kinh doanh tích cực, hoặc do thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập.

Cụ thể, chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư ngoại đã giải ngân theo những chủ điểm đầu tư nổi bật như sau:

Ngành bán lẻ, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động bị bán ròng kỷ lục gần 3.300 tỷ đồng trong hơn 6 tháng (kể từ tháng 6/2023) do tình hình kinh doanh cả 4 quý năm 2023 đều ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, dòng tiền nước ngoài đã quay trở lại kể từ nửa cuối tháng 12/2023 đến nay, giá trị ước tính hơn 3.500 tỷ đồng. Diễn biến này đến từ triển vọng lợi nhuận hồi phục mạnh nhờ nhu cầu khách hàng gia tăng và tình hình tài chính được cải thiện sau khi MWG bán 5% vốn tại Bách Hóa Xanh.

Bên cạnh đó, cổ phiếu FRT của FPT Retail cũng được mua ròng mạnh 768 tỷ từ đầu năm 2023 đến hết tháng 4/2024, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Ở nhóm hóa chất, cổ phiếu Hóa chất Đức Giang (DGC) được mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng trong giai đoạn T8/2023-T4/2024 nhờ việc mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua (i) mua bán, sáp nhập một loạt các doanh nghiệp phốt pho, ắc quy... (ii) hoàn thành nhà máy phân bón, triển khai dự án Bauxite-nhôm quy mô lớn, dự án Nhà máy Xút-chất dẻo Nghi Sơn… Ngoài ra, doanh thu của công ty dự kiến tăng do nhu cầu với các sản phẩm phố pho vàng, phân bón, axit photphoric H3PO4.

Bán dàn trải - mua trọng tâm: Thấy gì từ chiến lược “đi tiền” của khối ngoại trước kỳ vọng nâng hạng?
Nguồn: ABS Research

Với ngành bất động sản, dòng tiền khối ngoại mua tập trung ở số ít cổ phiếu như NLG, KDH… Đây là cổ phiếu của những doanh nghiệp bất động sản (dân cư) có quỹ đất sạch lớn, sản phẩm ở phân khúc “vừa túi tiền”, dự kiến có nhiều dự án được bàn giao và ghi nhận lợi nhuận tăng trong năm 2024.

Cổ phiếu PDR được mua mạnh nhất ngành nhờ tiềm năng từ quỹ đất lớn đang sở hữu cũng như câu chuyện tái cấu trúc toàn diện hoạt động tài chính (giảm nợ vay, không còn dư nợ trái phiếu). Theo dự báo, giai đoạn 2024-2026 sẽ là điểm rơi doanh thu của công ty này.

Đối với mảng khu công nghiệp, các khu công nghiệp phía Bắc dự kiến hưởng lợi nhiều hơn từ việc các doanh nghiệp FDI dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc. Kinh Bắc (KBC) với việc quản lý 10 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch gần 3.300ha, diện tích đất thương phẩm khoảng 2.200ha, phần lớn ở miền Bắc cũng trở thành điểm đến của dòng tiền nước ngoài.

Tại nhóm thép, HPG và HSG là những mã tối ưu nhất với vị thế hàng đầu. Hiện chu kỳ kinh doanh ngành bất động sản và thép đang ở vùng đáy và giai đoạn xấu nhất trong chu kỳ kinh doanh đã qua, nhu cầu và giá thép đã tăng trở lại. Câu chuyện của Hòa Phát đến từ kỳ vọng dự án nhà máy Dung Quất 2. Trong khi đó, Hoa Sen với vị thế doanh nghiệp đầu ngành trong mảng tôn mạ nội địa, chiến lược quản trị hàng tồn kho tốt có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận. Mặt khác, định giá P/B hiện tại của HSG cũng đang ở mức thấp.

Duy nhất một cổ phiếu ngân hàng lọt Top mua ròng

Cổ phiếu MSB là đại diện duy nhất thuộc nhóm ngân hàng hiện diện trong Top mua ròng 1 năm gần nhất, giá trị mua ròng gần 780 tỷ đồng. Nếu xét trong khung thời gian 6 tháng, diễn biến chủ đạo của khối ngoại là bán ròng. Đây cũng là diễn biến chủ đạo kể từ đầu tháng 5 tới nay.

Theo bà, động lực xả bán cổ phiếu trụ bank đến từ đâu? Trạng thái giao dịch ở của khối ngoại tại một số cổ phiếu đã vượt đỉnh trong thời gian qua như VCB, ACB, HDB, MBB nói lên điều gì?

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Trước hết phải nhấn mạnh, ngân hàng là ngành rất nhạy cảm với các thay đổi vĩ mô, điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh biến động hiện tại. Sức ép tỷ giá tăng do chênh lệch lãi suất USD và VND lớn khiến NHNN có thể tăng lãi suất điều hành để kiểm soát tỷ giá USD/VND. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng toàn thị trường (hiện vẫn đang rất yếu).

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 ngân hàng bắt đầu nâng lãi suất huy động trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, kim loại quý đang trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều so với kênh tiền gửi. Lãi suất huy động tăng cũng khiến NIM các ngân hàng thu hẹp.

Về trung hạn, vấn đề về gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ là rất quan trọng đối với ngành ngân hàng do nợ xấu có thể tăng mạnh trong năm 2024 từ đó đẩy mạnh chi phí trích lập dự phòng khi các khoản nợ được đưa về đúng nhóm nợ.

Định giá hiện tại của nhóm ngành ngân hàng đang ở mức trung bình – thấp, mở ra nhiều cơ hội tăng giá tiềm năng. P/B hiện tại của các ngân hàng niêm yết đang ở mức 1.56x lần, ngang với mức trung vị 1 năm là 1.55x lần và thấp hơn khá nhiều so với mức trung vị 3 năm là 1.9x lần.

Bán dàn trải - mua trọng tâm: Thấy gì từ chiến lược “đi tiền” của khối ngoại trước kỳ vọng nâng hạng?
Khối ngoại bán ròng ở hầu hết các NHTM vốn hóa lớn
từ 1/2023-nay (Nguồn: ABS Research)

Diễn biến bán ròng của khối ngoại diễn ra xuyên suốt năm 2023 và giai đoạn đầu năm 2024, trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô chưa có nhiều khác biệt. Xu hướng này được dự báo có thể còn tiếp diễn. Mặc dù vậy, không ít ngân hàng vẫn được dòng tiền này tích cực mua vào.

Cụ thể, trong số các NHTM có vốn hóa lớn nhất TTCK và còn room ngoại, MSB đang dẫn đầu về tổng giá trị mua ròng khi đạt 759 tỷ đồng; theo sau là MBB và HDB với 332 và 67 tỷ đồng, ACB là cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại trao tay nhiều nhất khi tổng giá trị giao dịch lên tới 13.300 tỷ đồng kể từ đầu năm 2023 và luôn kín room (30%). Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán VPB trong hơn 1 năm qua với tổng giá trị hơn 13.000 tỷ đồng.

Việc nhà đầu tư ngoại ưu tiên lựa chọn các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt với bộ đệm dự phòng cao, tỷ lệ cho vay các ngành rủi ro như kinh doanh bất động sản và xây dựng thấp là hợp lý. Riêng với MSB, chúng tôi cho rằng động lực thu hút vốn ngoại nằm ở định giá rẻ, với triển vọng tăng trưởng tín dụng và thu nhập ngoài lãi cao, cùng khoản thu bất thường từ nợ xấu đã xóa giúp ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu giai đoạn 2024-2025.

Cách khối ngoại "đi tiền" trước kỳ vọng nâng hạng

Ở góc nhìn rộng, khối ngoại vẫn đang rút ròng. Tuy nhiên với góc nhìn hẹp, nhóm này vẫn đang “chọn mặt gửi vàng” ở không ít cổ phiếu tiềm năng rổ VN30. Thậm chí, tại một số trường hợp cổ phiếu kín room như MWG, ACB, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn “thèm” được gia nhập. Đây không phải sách lược mà là chiến lược của các “cá mập”. Bà nghĩ sao về quan điểm này?

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Tuy nhiên, sự mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại, đặc biệt là việc họ liên tục đạt tỷ lệ sở hữu tối đa tại các cổ phiếu đầu ngành quan trọng như MWG, HPG hay ACB, phản ánh sự chuyển hướng trong chiến lược của các nhà tạo lập thị trường. Thay vì chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, họ nay đang chú trọng đến giá trị cốt lõi và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.

Bán dàn trải - mua trọng tâm: Thấy gì từ chiến lược “đi tiền” của khối ngoại trước kỳ vọng nâng hạng?
Cổ phiếu ACB thiết lập mức đỉnh lịch sử trong phiên 24/5/2024

Xu hướng bán ròng năm 2023 và có thể tiếp tục trong phần lớn năm 2024 đã được ghi nhận rõ ràng. Tuy nhiên, việc mua ròng có chọn lọc của khối ngoại tại một số cổ phiếu như đã nêu cho thấy niềm tin vững chắc vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Qua các hoạt động đầu tư của dòng tiền khối ngoại, chúng ta có thể nhận thấy chiến lược của họ không chỉ là giảm tỷ trọng trong trung hạn để hạn chế rủi ro thị trường, mà còn là tăng cường đầu tư vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, hướng đến việc sinh lời bền vững.

Nới room ngoại là một trong những tiêu chí trọng yếu để giải bài toán nâng hạng cũng như nâng hạng kịp tiến độ. Ở góc độ đầu tư, việc nới room có thể giúp thị trường chứng khoán nói chung và doanh nghiệp nói riêng đón nhận thêm những dòng tiền mới của những nhà đầu tư mới. Khi doanh nghiệp được cho phép nới room - khối ngoại sẵn sàng rót thêm vốn, kịch bản nào sẽ diễn ra với thị trường chứng khoán?

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Việc mở rộng giới hạn đầu tư nước ngoài không chỉ là yếu tố quan trọng trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán, mà còn là chiến lược dài hạn nhằm cải thiện cả chất lượng và số lượng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực tài chính của các doanh nghiệp mà còn hỗ trợ yếu tố thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường.

Do đó, việc nới room ngoại có thể tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho cổ phiếu cũng như tạo ra những biến động tích cực trên thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cũng có nhiều tiêu chí chọn lọc cổ phiếu chất lượng để đầu tư. Ngoài ra, các rủi ro biến động vĩ mô như tỷ giá, lãi suất... hay các yếu tố nội tại doanh nghiệp cũng quyết định dòng vốn nước ngoài.

Trân trọng cảm ơn chuyên gia!

>> Cổ phiếu VN30 'đói tiền' khối ngoại suốt 17 tháng: Vì sao?

Chuyện Novaland hợp tác với Địa ốc Hoàng Quân: 'Cái bắt tay' của những cảnh ngộ

VN-Index giảm 19 điểm, khối ngoại bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ban-dan-trai-mua-trong-tam-thay-gi-tu-chien-luoc-di-tien-cua-khoi-ngoai-truoc-ky-vong-nang-hang-236088.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bán dàn trải - mua trọng tâm: Thấy gì từ chiến lược “đi tiền” của khối ngoại trước kỳ vọng nâng hạng?
POWERED BY ONECMS & INTECH