Xã hội

Bản gốc tờ Sắc lệnh phong Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thái Hà 05/12/2024 - 20:00

Với sắc lệnh này, ở tuổi 37, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sáng 4/12, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tổ chức buổi giới thiệu hơn 150 tài liệu quý về Quân đội nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những tài liệu lưu trữ được lựa chọn tại sự kiện là tài liệu gốc, nhiều tài liệu lần đầu tiên đưa ra giới thiệu đến đông đảo công chúng, chứa đựng những thông tin tin cậy về quá trình thành lập, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, chính sách quốc phòng và chặng đường dài phát triển của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam...

Nổi bật trong số các tư liệu được giới thiệu là bản gốc Sắc lệnh số 110-SL ngày 20/1/1948 phong hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Bản gốc tờ Sắc lệnh phong Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - ảnh 1
Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc Tổng chỉ huy Quân đội Võ Nguyên Giáp thụ cấp Đại tướng. Ảnh: Báo Văn Nghệ

Tư liệu ghi lại, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 11/1/1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định phong quân hàm cấp tướng, tá cho cán bộ quân đội. Ngày 20/1/1948 tại Phủ Chủ tịch - mái lán cọ đơn sơ ở Khuôn Tát (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội; trong đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng.

Buổi lễ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp được tiến hành trong ngôi nhà gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con suối lớn. Sát vách gian giữa là bàn thờ Tổ quốc. Hai bên là hai băng khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”.

Đúng 13 giờ ngày 28/5/1948, buổi lễ bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm, Bác Hồ bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, nhưng đợi hồi lâu, Bác chưa nói gì mà chỉ rút trong túi ra chiếc khăn mùi xoa lau nước mắt. Ai nấy đều vô cùng xúc động.

Mãi sau, Bác mới cất tiếng, giọng trầm ấm: “Hôm nay việc phong Tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thỏa lòng những người đã mất”. Tiếp đó, Bác giao bản Sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”.

Với sắc lệnh này, ở tuổi 37, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bản gốc tờ Sắc lệnh phong Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - ảnh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1957. Ảnh: AP/Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang

Buổi giới thiệu còn trưng bày bản gốc Sắc lệnh số 230 ngày 30/11/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủy quyền Tổng chỉ huy Quân đội toàn quốc cho ông Võ Nguyên Giáp, sung chức Bộ trưởng Quốc phòng; thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô với lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch sau 5 tháng ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1947; Báo cáo gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh về kế hoạch phá tan âm mưu của Pháp tấn công Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947; Lời kêu gọi của Đại tướng, Tổng tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp về Tổng phản công năm 1949 cũng nằm trong khối tài liệu này…

Nhiều văn bản quý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Quân đội nhân dân Việt Nam cũng được công bố. Trong đó có Công văn số 400 ngày 23/9/1954 đổi tên gọi "Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" thành "Quân đội nhân dân Việt Nam".

Ngoài ra, bức ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh họp bàn cùng các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến động viên các chiến sĩ bắn rơi máy bay 147 ở Hà Nội năm 1966…

Bản gốc tờ Sắc lệnh phong Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - ảnh 3
Những hình ảnh từ Toàn quốc kháng chiến đến Chiến dịch Điện Biên Phủ 1946 - 1954. Ảnh: Bộ Nội Vụ
Bản gốc tờ Sắc lệnh phong Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - ảnh 4
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B. Ảnh: Bộ Nội Vụ

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng giới thiệu nhiều tư liệu liên quan đến việc thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tháng 12/1944; Diễn văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ thành lập Đội giải phóng quân đầu tiên tại khu rừng Trần Hưng Đạo…

Cùng với các tài liệu, trưng bày còn có các mẫu Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như hình ảnh về chiến dịch Việt Bắc, Điện Biên Phủ; ảnh bộ đội sơ tán máy móc, sẵn sàng chiến đấu ở Hà Tây năm 1972, quân dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi máy bay B52 ngày 18/12/1972, xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng sắt, tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975…

Buổi giới thiệu này không chỉ tái hiện những trang sử hào hùng mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần quả cảm và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời củng cố niềm tin vào sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

>> Nước lũ vừa rút, huy động hàng trăm đoàn viên, thanh niên tập trung về khu vực Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Phan Văn Giang: Sĩ quan nữ cấp tướng trong quân đội rất hiếm

Tôn tạo tổng thể di tích đoàn tàu không số huyền thoại: Tổng chi phí hơn 234 tỷ đồng, thêm hạng mục phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ban-goc-to-sac-lenh-phong-dai-tuong-dau-tien-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-131693.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bản gốc tờ Sắc lệnh phong Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH