Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam: Lỗ lũy kế 'khủng' 6.900 tỷ đồng
Tính đến hết năm 2022, bảo hiểm nhân thọ FWD đã lỗ 6 năm liên tiếp từ khi vào thị trường Việt Nam, trong khi công ty mẹ ở nước ngoài vẫn lãi lớn.
Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam là đơn vị thuộc sở hữu của Tập đoàn FWD, mảng kinh doanh bảo hiểm của Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group (PCG) – một tập đoàn đầu tư tư nhân thành lập năm 1993. Pacific Century Group hoạt động trong cả lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính, viễn thông và các nghiệp vụ đầu tư khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2016 FWD mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern (Việt Nam) và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD, kế thừa giấy phép thành lập và hoạt động của Great Eastern cấp ngày 23/11/2007.
>> Sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024
6 năm từ khi vào Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ FWD kinh doanh bết bát, lỗ lũy kế 6.900 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, khá bất ngờ khi 7 năm về Việt Nam tính từ 2016, bảo hiểm nhân thọ FWD đã báo lỗ 6 năm liên tiếp từ 2016-2022. Hiện công ty chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 vừa qua.
Trong 6 năm đã có báo cáo, năm đầu tiên lỗ ít nhất, 120 tỷ đồng (gấp đôi số lỗ năm trước đó khi còn là Great Eastern). Những năm sau đó bảo hiểm nhân thọ FWD liên tục thua lỗ, với số lỗ “khủng” năm 2020 đến 1.700 tỷ đồng.
3 năm liên tiếp từ 2020-2022 bảo hiểm FWD đều lỗ trên nghìn tỷ, trong đó năm 2022 lỗ 1.684 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022 bảo hiểm nhân thọ đã “ôm” số lỗ lũy kế đến 6.925 tỷ đồng.
“Nền” kinh doanh thua lỗ của bảo hiểm nhân thọ FWD đối nghịch hoàn toàn với việc gia tăng mạnh về doanh thu hoạt động bảo hiểm. Nếu năm 2016 khi vừa kế thừa Great Eastern, doanh thu chỉ vỏn vẹn 44 tỷ đồng thì đã lên gần gấp 6 lần ngay năm sau đó, 2017, với doanh thu đạt 276 tỷ đồng.
Doanh thu bảo hiểm của bảo hiểm nhân thọ FWD nhanh chóng vượt 1.200 tỷ đồng vào năm 2019, gấp đôi tiếp vào năm 2020. Còn đến năm 2022, doanh thu bảo hiểm đã đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng.
>> 'Được' Trương Mỹ Lan nhắc tên trong vụ Vạn Thịnh Phát, bảo hiểm FWD kinh doanh ra sao?
Tốc độ tăng quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản “khủng”
Trong khi kinh doanh bết bát, thua lỗ triền miên thì bảo hiểm nhân thọ FWD lại có tốc độ tăng trưởng “khủng” về quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản.
Về tay FWD, ngay trong năm 2016 bảo hiểm nhân thọ FWD tăng vốn điều lệ từ 1.080 tỷ đồng lên 1.395 tỷ đồng. Những năm sau đó, gần như mỗi năm doanh nghiệp đều tiến hành tăng vốn, trong đó năm 2019-2020 bất ngờ tăng vốn “khủng” gấp hơn 4 lần, từ 3.675 tỷ đồng lên 15.174 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng vốn góp của chủ sở hữu lên gần 17.000 tỷ đồng vào năm 2021 và đạt mức 18.546 tỷ đồng đến cuối năm 2022. Tính từ 2016-2022, bảo hiểm nhân thọ FWD đã tăng vốn gấp 17 lần. Quy mô vốn góp chủ sở hữu của bảo hiểm nhân thọ FWD đang ở mức cao so với những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hoạt động tại Việt Nam.
Quy mô vốn góp chủ sở hữu tăng mạnh cũng kéo theo quy mô tổng tài sản tăng mạnh. Báo cáo cho thấy từ mức tổng tài sản xấp xỉ 1.000 tỷ đồng năm 2016, tài sản của công ty tăng mạnh nhất giai đoạn 2019-2020, từ mức 2.600 tỷ đồng lên gấp hơn 5 lần, lên 13.867 tỷ đồng vào năm 2020.
Năm 2022, tổng tài sản của bảo hiêm nhân thọ FWD tiếp tục tăng mạnh từ mức 15.800 tỷ đồng đầu năm, lên gần 18.200 tỷ đồng. Tính từ 2016-2022, tổng tài sản của bảo hiểm nhân thọ FWD đã tăng gấp 17 lần.
Tại bảo hiểm nhân thọ FWD đang diễn ra tình cảnh doanh nghiệp gia tăng mạnh về quy mô vốn chủ sở hữu, “kéo” tổng tài sản tăng mạnh; doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng mạnh, trong khi “điểm lùi” duy nhất và quan trọng nhất là lợi nhuận lại là số âm.
Lỗ lũy kế hơn 6.900 tỷ đồng đã “kéo” vốn chủ sở hữu của bảo hiểm nhân thọ FWD còn 11.620 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu là 18.546 tỷ đồng.
>> Bộ Tài chính phát hiện sai phạm liên quan đến giám sát đại lý bảo hiểm
Nhìn vào quá trình hoạt động của FWD, có thể thấy một số cột mốc, dấu ấn đáng chú ý. Năm 2016 được xem là năm hiện diện thương hiệu bảo hiểm FWD tại Việt Nam, doanh nghiệp đã “thay da đổi thịt”, từ quy mô vốn chủ sở hữu đến tổng tài sản.
Giai đoạn 2019-2020 cũng chứng kiến sự biến động mạnh cả về quy mô tổng tài sản đến vốn góp chủ sở hữu, trong đó vốn góp chủ sở hữu tăng hơn gấp 4 lần, từ 3.675 tỷ đồng lên 15.174 tỷ đồng; còn quy mô tổng tài sản tăng hơn gấp 5,3 lần từ 2.613 tỷ đồng lên 13.867 tỷ đồng. Năm 2019 cũng là năm đánh dấu “bước tiến” quan trọng của FWD tại Việt Nam.
FWD được biết là tập đoàn bảo hiểm được thành lập năm 2013, trực thuộc Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group. FWD hoạt động kinh doanh tại nhiều thị trường châu Á, trong đó có cả Thái Lan, Philippines, Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia…
Năm 2019 đánh dấu thành công của FWD Việt Nam thông qua ký kết hợp tác độc quyền 15 năm với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) và hợp tác triển khai bảo hiểm online qua kênh ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
>> NHNN dự kiến cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư
Công ty mẹ FWD lại làm ăn phát đạt
Trong khi bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam báo lỗ triền miên thì ở nước ngoài, công ty mẹ - Tập đoàn FWD lại vừa hân hoan báo lãi.
Thông tin mới nhất, FWD Group Holdings Limited (“FWD Group” or “FWD”) mới đây công bố kết quả kinh doanh cả năm 2023 cho kỳ kế toán kết thúc vào 31/12/2023. Báo cáo ghi nhận giá trị hoạt động kinh doanh đạt 991 triệu USD, tăng 22% so với năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế tăng 26,7% so với năm 2022, từ mức 227 triệu USD lên mức 372 triệu USD.
>> Nghiêm cấm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn để bán bảo hiểm