Bất động sản Hà Nội: Khu vực nào đang có giá 'mềm' và có tiềm năng tăng giá trong tương lai?
Theo chuyên gia, mức giá BĐS khu vực phía Nam được đánh giá "mềm" hơn đáng kể so với khu vực phía Tây và phía Đông Hà Nội, có nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Tại hội thảo "Thị trường căn hộ Hà Nội: Đâu là lựa chọn sống, đầu tư bền vững?" mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, thị trường BĐS Hà Nội hiện đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Theo đó, thị trường BĐS khu vực phía Nam Hà Nội hiện đang sở hữu nhiều động lực phát triển rõ nét.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, khu vực phía Nam Hà Nội nằm ở "cửa ngõ" phía Nam và Đông Nam của Thủ đô, tập trung nhiều đầu mối giao thông quốc gia, kết nối thuận tiện với khu vực trung tâm của TP. Hà Nội cũng như các vùng kinh tế năng động nhất tại Việt Nam như Hà Nam, Thanh Hóa, Nam Định...
BĐS phía Nam Hà Nội có nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai. Ảnh: Internet |
Theo định hướng quy hoạch trong tương lai, khu vực này dự kiến sẽ phát triển thành các khu đô thị vệ tinh cũng như khu dân cư hiện đại, góp phần giãn dân từ khu vực nội đô.
>> Lãnh đạo Bộ GTVT 'chốt' thời hạn hoàn thành dự án sân bay Long Thành
Hiện nay nhiều khu đô thị lớn đã được hình thành tại đây như Đại Kim - Định Công, Linh Đàm, Housinco Premium, Gamuda Gardens... tạo nên môi trường sống đầy đủ tiện nghi và dịch vụ.
Ngoài ra, khu vực phía Nam Hà Nội hiện còn thừa hưởng hệ thống hạ tầng xã hội cũng như các dịch vụ hiện đại bậc nhất của Thủ đô gồm: Trường học phong phú, bệnh viện lớn, công viên lớn, các khu công nghiệp (KCN) như KCN Thường Tín, Phúc Xuyên... thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở và dịch vụ...
Phía Nam Hà Nội, với quỹ đất dồi dào và lợi thế chiến lược, đang sở hữu nhiều dư địa phát triển vượt trội, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng dịch vụ và kinh tế. Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp lớn và quy hoạch bài bản, khu vực này được kỳ vọng trở thành trung tâm phát triển năng động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường bất động sản.
Phía Nam Hà Nội đang dần chuyển mình thành một khu vực kinh tế - đô thị hiện đại. Ảnh: Internet |
Không chỉ đơn thuần là vùng đệm kết nối, phía Nam Hà Nội đang dần chuyển mình thành một khu vực kinh tế - đô thị hiện đại, mang lại giá trị bền vững cho nhà đầu tư và cộng đồng cư dân.
Ông Đính nhận định, các dự án phát triển đô thị và hạ tầng giao thông đang triển khai đã tạo đà cho bất động sản khu vực phía Nam tăng trưởng ổn định. Mặc dù vậy, mức giá bất động sản tại đây vẫn "mềm" hơn đáng kể so với khu vực phía Tây và phía Đông Hà Nội, mở ra nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một nghịch lý trên thị trường căn hộ tại khu vực này. Trong 9 tháng đầu năm 2024, phía Nam Hà Nội chỉ có khoảng 50 sản phẩm căn hộ được mở bán, phản ánh rõ sự hạn chế về nguồn cung sơ cấp. Đặc biệt, rất ít dự án mới, nhất là các dự án căn hộ cao cấp, đang được triển khai tại đây.
Về giao dịch, nhu cầu căn hộ tại khu vực phía Nam Hà Nội, bao gồm cả mục đích ở thực và đầu tư, đang gia tăng nhờ vị trí thuận lợi và hạ tầng phát triển đồng bộ. Sự khan hiếm nguồn cung sơ cấp khiến phần lớn giao dịch tập trung ở thị trường thứ cấp, nơi các sản phẩm có mức giá hợp lý và gần trung tâm hơn so với khu Đông và khu Tây. Đáng chú ý, tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm sơ cấp tại đây đạt mức cao, cho thấy sự quan tâm lớn từ thị trường.
Nhờ hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, bất động sản phía Nam Hà Nội, đặc biệt các dự án chất lượng với pháp lý minh bạch, đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả người mua nhà ở thực lẫn nhà đầu tư.
Cùng chung quan điểm với ông Đính, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đánh giá tiềm năng phát triển khu vực phía Nam Hà Nội rất lớn.
Điều này có được nhờ vào các chủ trương phát triển của thành phố, quyết tâm lên quận của huyện Thanh Trì, cùng với kế hoạch phát triển hạ tầng đang được triển khai gấp rút và đồng bộ.
Đặc biệt, các tuyến đường Vành đai 2,5, 3,5 và Vành đai 4 đang được thực hiện nhanh chóng sẽ tạo ra đột phá về hạ tầng giao thông, không chỉ cho khu vực phía Nam Hà Nội mà còn cả khu vực Linh Đàm.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng lưu ý rằng tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến đường trên cao Vành đai 3 và nút giao Pháp Vân đã khiến thị trường bất động sản khu vực này kém sôi động trong thời gian qua, dù quỹ đất còn rất lớn và giá bất động sản vẫn thấp hơn các khu vực khác.
Ông Doanh nhấn mạnh, khi các tuyến Vành đai 4, Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5 hoàn thiện và đi vào hoạt động, chúng sẽ phân tán luồng phương tiện, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện hữu, tạo sự kết nối thông suốt từ Linh Đàm đến các khu vực khác. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sức hút và giá trị bất động sản khu vực này trong tương lai.
“Với mặt bằng giá hiện tại còn thấp, phía Nam Hà Nội là lựa chọn tốt cho cả người có nhu cầu ở thực lẫn nhà đầu tư thứ cấp”, ông Doanh khẳng định.
>> 'Bộ não' của sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam vượt tiến độ 2 tháng