Bật mí những bí mật của tỷ phú Abramovich ở Mỹ

29-03-2022 09:36|Vân Anh

Tỷ phú người Nga Roman Abramovich đã đầu tư hàng tỷ USD vào các quỹ đầu cơ ở Mỹ bằng cách sử dụng hàng loạt công ty bình phong và các hãng tư vấn tài chính.

Abramovich và những khoản đầu tư bí mật

Theo New York Times, trong vòng 2 thập kỷ qua, nhà tài phiệt người Nga đã sử dụng một chiến lược đầu tư cực kỳ phức tạp và kín kẽ.

Đầu tiên, triển khai một chuỗi các công ty vỏ bọc và người đại diện, sau đó chuyển tiền thông qua một ngân hàng nhỏ ở Áo, rồi khai thác mối liên hệ của những công ty tài chính hàng đầu Phố Wall.

Tất cả nhằm phục vụ việc âm thầm đầu tư hàng tỷ USD vào các quỹ đầu cơ và quỹ đầu tư tư nhân (private equity firm) ở Mỹ.

Những nhà đầu tư nước ngoài giàu có như ông Abramovich, từ lâu đã có thể đầu tư vào các quỹ ở Mỹ bằng phương thức này.

Điều tra của báo New York Times cho thấy tỷ phú Roman Abramovich đã bí mật đầu tư hàng tỷ USD vào các quỹ ở Mỹ trong 2 thập kỷ qua. Ảnh: Reuters.

Anh và EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên vị tỷ phú người Nga, nhưng chính phủ Mỹ chưa có các động thái tương tự.

Dù ông Abramovich có bị cấm vận hay bị tịch thu tài sản ở Mỹ, việc truy lùng những tài sản này cũng sẽ trở nên rất khó khăn, do đường đi phức tạp của số tiền.

Từng có thời điểm tổng giá trị tài sản của Roman Abramovich được định giá vào khoảng 15 tỷ USD, phần lớn đến từ phi vụ thâu tóm hãng dầu khí nhà nước Sibneft cùng với Boris Berezovsky vào thập niên 1990.

Sau khi bỏ ra 100 triệu USD để sở hữu 50% cổ phần Sibneft, công ty mà sau này được đánh giá là có trị giá hàng tỷ USD, ông Abramovich hưởng lợi lớn từ việc Boris Berezovsky bất đồng với Tổng thống Putin và cuối cùng thâu tóm phần lớn hãng dầu khí này.

Đến năm 2005, Abramovich bán lại số cổ phần của Sibneft mà ông sở hữu cho hãng dầu khí nhà nước Gazprom với giá 13 tỷ USD.

Đầu tháng 3, giới chức châu Âu và Canada đã áp dụng các biện pháp trừng phạt với tỷ phú Abramovich, cho rằng ông sở hữu một công ty cung cấp thép để sản xuất xe tăng cho quân đội Nga. Đáng chú ý trong số này có việc đóng băng các tài sản, bao gồm cả câu lạc bộ bóng đá Chelsea - đương kim vô địch UEFA Champions League.

Các tài sản ở Mỹ của Roman Abramovich bao gồm hàng triệu USD bất động sản, trong đó có các biệt thự ở khu trượt tuyết Aspen, bang Colorado.

Tỷ phú Abramovich sở hữu nhiều bất động sản giá trị ở Mỹ, trong đó có 4 căn nhà liền kề này ở khu Upper East Side của Manhattan. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Abramovich và công ty "bí ấn"

Nhiều khoản đầu tư vào Mỹ của ông Abramovich được đạo diễn bởi một công ty quản lý tài sản không mấy tiếng tăm có tên là Concord Management.

Người đứng đầu công ty này - ông Michael Matlin và chỉ nói rằng Concord là "một công ty tư vấn, cung cấp nghiên cứu của bên thứ ba độc lập, thẩm định và giám sát các khoản đầu tư".

Concord Management được thành lập năm 1999 và trên lý thuyết thì công ty này không trực tiếp quản lý bất kỳ tài sản nào của Roman Abramovich.

Bằng mối quan hệ của mình với các ngân hàng lớn ở Phố Wall như Credit Suisse, Goldman Sachs hay Morgan Stanley, Concord sẽ được tiếp cận với các quỹ đầu tư hoặc quỹ đầu tư tư nhân ở Mỹ.

Trong tòa nhà này ở Tarrytown, ngoại ô New York, là văn phòng của Concord Management, công ty được cho là đại diện phần lớn các vụ đầu tư vào Mỹ bằng tiền của Roman Abramovich. Ảnh: New York Times.

Vào các năm 2015 và 2016, State Street - một công ty dịch vụ tài chính ở Phố Wall - từng đệ trình "báo cáo về hoạt động đáng ngờ" lên chính phủ Mỹ, về các giao dịch mà họ cho là có vấn đề của Concord. Concord khi đó dàn xếp các phi vụ đầu tư của một số công ty vỏ bọc ở Caribe có liên quan đến tỷ phú Abramovich.

Theo quy định của luật pháp Mỹ, các tổ chức tài chính cần phải báo cáo trong những trường hợp nghi ngờ, để giúp chính phủ chống lại nạn rửa tiền hoặc các hành vi tội phạm tài chính khác. Tuy nhiên, những báo cáo như vậy không được coi là bằng chứng về hành vi tội phạm.

Paulson & Company, quỹ đầu cơ được điều hành bởi tỷ phú John Paulson, từng nhận khoản đầu tư từ một công ty được đại diện bởi Concord Management. Trong email trả lời New York Times, tỷ phú Paulson cho hay ông không biết về những nhà đầu tư được đại diện bởi Concord.

Concord cũng "tư vấn" để hai công ty vỏ bọc ở Caribe chuyển hàng chục triệu USD vào Highland Capital, một quỹ đầu cơ có trụ sở ở Texas. Quỹ này khi đó đã thuê một đơn vị của JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - để đảm bảo rằng hai công ty vỏ bọc nói trên là những doanh nghiệp hợp pháp và không có sự vi phạm quy tắc chống rửa tiền.

Sau khi nhận được cái gật đầu từ JPMorgan, Highland Capital đồng ý nhận tiền đầu tư mà không hề hay biết về nguồn gốc thực sự của số tiền đó.

"Bắt tay" với nhiều ngân hàng lớn

Vào năm 2012, Gerald McGinley, một chuyên gia quản lý tài sản tại ngân hàng Credit Suisse, đã liên hệ với người đứng đầu một quỹ đầu cơ ở Mỹ. Quỹ này mặc dù không phải là một cái tên nổi tiếng, nhưng họ nắm trong tay hàng tỷ USD. Người đứng đầu quỹ đã chia sẻ với New York Times về thương vụ này, với yêu cầu không tiết lộ danh tính.

Gerald McGinley nói với người đứng đầu quỹ rằng có một gia đình giàu có, được đại diện bởi Concord Management, muốn đầu tư hàng chục triệu USD vào quỹ của ông.

HighWater cho biết, họ chuyên cung cấp "dịch vụ quản trị" cho các nhà quản lý quỹ.

Việc đầu tư của Roman Abramovich vào thị trường Mỹ được cho là có sự dính dáng của những ngân hàng lớn, trong đó có Credit Suisse và JPMorgan. Ảnh: Reuters.

Vì quỹ đầu cơ nói trên cần phải thành lập một chủ thể có trụ sở ở quần đảo Cayman để nhận tiền từ gia đình mà Concord đại diện, nên họ cần một nhân sự ở quần đảo Cayman. Và HighWater chính là công ty chuyên cung cấp những nhân sự như vậy. Với giá 15.000 USD mỗi năm cộng với các phụ phí khác, HighWater sẽ cho một người của họ ngồi vào ban lãnh đạo chủ thể bạn muốn lập ra ở quần đảo Cayman.

Bên cạnh đó, người quản lý quỹ cũng đưa Boris Onefater, người điều hành Constellation, một công ty tư vấn tài chính nhỏ ở Mỹ, làm một thành viên khác của ban quản trị chủ thể mới thành lập ở quần đảo Cayman.

Mạng lưới giao dịch phức tạp

Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, người quản lý quỹ đầu cơ cũng phải thuê Mourant - một công ty luật - để phụ trách các thủ tục giấy tờ cho chủ thể mới thành lập ở quần đảo Cayman.

Chủ thể này bắt đầu đi vào hoạt động tháng 7/2012, sau khi nhận khoản tiền 20 triệu USD từ một công ty có tên là Caythorpe Holdings, được đăng ký ở quần đảo Virgin thuộc Anh.

Tiền đi đến đảo Grand Cayman thông qua một ngân hàng Áo khác là Raiffeisen.

JPMorgan cũng tham gia vào giao dịch này, với tư cách là một trung gian cho các ngân hàng nhỏ với mạng lưới giao dịch quốc tế hạn chế.

Người quản lý quỹ nhận thấy một số tài liệu được ký bởi một luật sư có tên là Natalia Bychenkova. Cho đến đầu tháng 3 này, ông mới nhận ra rằng mình đã đầu tư bằng tiền của Roman Abramovich.

Chính phủ Anh phê duyệt thỏa thuận, thương vụ bán lại CLB Chelsea đi đến hồi kết

Tỷ phú Todd Boehly - Chủ mới của CLB Chelsea giàu cỡ nào?

Abramovich chốt bán Chelsea cho tài phiệt người Mỹ với giá 4,25 tỷ bảng Anh

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bat-mi-nhung-bi-mat-cua-ty-phu-abramovich-o-my-123966.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bật mí những bí mật của tỷ phú Abramovich ở Mỹ
POWERED BY ONECMS & INTECH